1- Về tài liệu gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quá trình công bố Di chúc
Theo Thông báo số 151-TB/TW, ngày 19-8-1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), chúng ta được biết năm 1965, Bác viết Di chúc 3 trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15-5-1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.
Năm 1968, Bác viết bổ sung một số đoạn gồm 6 trang viết tay. Trong đó Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.
Ngày 10-5-1969, Bác viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay.
Các năm 1966, 1967 Bác không có những bản viết riêng.
Ngay sau khi Bác qua đời, Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp chiều ngày 3-9-1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng năm 1968 và năm 1969.
Trong Thông báo của Bộ Chính trị nói rõ, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) dự định đến một thời điểm thích hợp sẽ công bố một số điều chưa được công bố trong các bản viết Di chúc của Bác. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) thấy có trách nhiệm thông báo đến toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác.
Năm nay kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có điều kiện nhìn lại toàn bộ di sản Di chúc của Bác. Đó là một văn kiện kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một lãnh tụ, một con người mà suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đến khi dù phải từ biệt thế giới này, không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Di chúc của Bác được nhìn nhận như một cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh với một tư duy đổi mới, Nhìn một cách tổng thể, Di chúc bàn tới hai chủ thể là Đảng và dân. Công cuộc xây dựng lại đất nước “đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh” cần phải có Đảng lãnh đạo. Gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng là đoàn kết trong Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chăm lo đời sống các tầng lớp nhân dân. Đảng muốn hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng thì phải dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
2- Hồ Chí Minh - hiện thân của tư duy đổi mới
Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc cải cách xã hội, nhưng phải đến Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) thì hai từ “đổi mới” mới thật sự mang dấu ấn Việt Nam, tư duy Việt Nam và cách làm Việt Nam (1). Bắt đầu bước vào quá trình thực hiện đổi mới, Đảng ta khẳng định trước hết phải đổi mới tư duy. Mà “muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (TG nhấn mạnh) (2).
Trong kho tàng di sản Hồ Chí Minh, có một điểm sáng chói, đó là tư duy đổi mới.
Một điều kỳ lạ là tư duy đổi mới của Hồ Chí Minh đã có từ rất sớm, trước khi trở thành chiến sĩ cộng sản và thể hiện nhất quán, xuyên suốt cuộc đời cách mạng của Người. Theo Người, “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Trong “Yêu sách của nhân dân An Nam”, Hồ Chí Minh đề nghị “cải cách nền pháp lý ở Đông Dương”.
Trong bài báo “Đông Dương” (5-1921), Người nhấn mạnh: “Người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại” (3). Trong bài “Dân vận” (15-10-1949), Hồ Chí Minh khẳng định: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân” (4)... Có thể nói, Hồ Chí Minh không chỉ luôn luôn thường trực tư duy đổi mới mà còn nhấn mạnh “chẳng có việc gì là không thể đổi mới” (5). Người khuyến khích mọi người đổi mới: “Đừng sợ cái mới quá. Cái gì mới thì lần đầu cũng lạ, nhưng sau rồi quen” (6). Người phê phán một số người “còn có tư tưởng bảo thủ không chịu tiếp thu dễ dàng cái hay, cái mới” (7).
Không chỉ có tư duy đổi mới, Hồ Chí Minh còn là hiện thân của sự đổi mới. Không chấp nhận tư tưởng và cách làm của các sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với tư duy đổi mới, tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, Hồ Chí Minh đã ra đi khám phá thế giới để trở về giải phóng đồng bào. Người thấy cách mạng tư sản thành công, nhưng không đến nơi, không triệt để nên không thể đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường đó.
Người khâm phục Cách mạng Tháng Mười Nga và quyết chọn theo con đường đó, nhưng không hoàn toàn làm theo cách của Lênin và Đảng Cộng sản Bônsêvich Nga. Người đề cao chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng chỉ coi đó là mặt trời soi sáng, kim chỉ nam cho hành động của dân tộc Việt Nam. Người đã “bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”...
Hồ Chí Minh là nhà mácxít sáng tạo và luôn luôn đổi mới, sáng tạo. Là học trò xuất sắc của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh luôn có ý thức vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, nhờ đó cách mạng Việt Nam thắng lợi.
3- Tầm vóc của một trí tuệ lớn
Trên cơ sở nêu “tóm tắt một vài việc”, như vấn đề Đảng, đoàn kết, đoàn viên thanh niên, nhân dân lao động, phong trào cộng sản thế giới, việc riêng, tư duy xuyên suốt trong Di chúc là nghĩ về tương lai của đất nước, của dân tộc; là “xây dựng đất nước hơn mười ngày nay!”. Người dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (8).
Tư duy Hồ Chí Minh là hướng tới tương lai với một niềm tin “nhất định thắng lợi” trên một cơ sở khoa học. Với niềm tin “nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc “mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man” và đề xuất “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”.
Tiếp tục tư duy từ những năm 1958-1960 rằng “công cuộc đổi xã hội cũ thành xã hội mới gian nan, phức tạp hơn việc đánh giặc” (9); “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều” (10), Di chúc cho thấy một tầm nhìn, cách nhìn về sự phát triển xã hội. Đánh thắng hai đế quốc to là một thuận lợi cho Đảng và dân tộc để đi vào một giai đoạn mới xây dựng đất nước, vì chúng ta “còn non, còn nước, còn người”. Nhưng thắng lợi sau kháng chiến chống ngoại xâm to cũng tạo ra một mảnh đất thuận lợi cho thói kiêu ngạo, chủ quan, duy ý chí. Hồ Chí Minh đã nói rõ với chúng ta rằng: “Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” (11); “là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” (12).
Tiếp theo các nội dung của bốn Đại hội đổi mới, Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam (4-2006) trình bày 12 nội dung bao gồm các lĩnh vực kinh tế, hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, v.v... Đó là những vấn đề được nhận thức phát triển trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Xem xét một cách khoa học, chúng ta có thể nhìn nhận tinh thần đổi mới đó đã được Hồ Chí Minh viết một cách vắn tắt trong Di chúc.
Hồ Chí Minh đã bàn đến “Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng”. Đặc biệt, Người nhấn mạnh “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”; “đầu tiên là công việc đối với con người”...
Toàn bộ Di chúc toát lên một tư duy đổi mới, tinh thần đổi mới. Các vấn đề “xây dựng lại” được Di chúc đề cập tới là toàn diện. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa quan trọng hơn lại là tầm nhìn và cách nhìn đổi mới.
PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG
(1) Trong thời gian này, Trung Quốc tiến hành cải cách, Liên Xô cải tổ.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.125.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.35.
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.698.
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.103.
(6) Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.373.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr. 299.
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.498.
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr. 176.
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.4.
(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.503.
(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.505.
.
.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tầm vóc của một trí tuệ lớn
Thứ Hai, 31/08/2009, 07:56 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Khai trương Báo Đà Nẵng điện tử
- Lãnh đạo thành phố thăm Sở Nội vụ nhân Ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước
- Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội
- Thường trực HĐND thành phố tiếp Tùy viên Ban Chính trị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Tổng Lãnh sự CHDCND Lào chào xã giao lãnh đạo thành phố trước khi kết thúc nhiệm kỳ
- Khởi công cầu Cửa Đại
.
.
.
.
.