.

Đoàn kiểm tra Trung ương làm việc tại Đà Nẵng

.

* Bãi bỏ các quy định chồng chéo đối với DN tư nhân

(ĐNĐT) - Ngày 21-8, Đoàn kiểm tra Trung ương do đồng chí Nguyễn Hữu Từ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo thành phố để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”.


Các đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư thường trực Thành ủy; Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy tham gia buổi làm việc.



UBND thành phố đã báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư với các nội dung chính như: việc thực hiện Nghị quyết TW 6 (khóa X); công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) dân doanh và các DN có vốn đầu tư nước ngoài; kết quả thực hiện Chỉ thị 06/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các DN.

Đánh giá chung cho thấy, Thành ủy Đà Nẵng rất quan tâm đến công tác xây dựng đảng, đoàn thể và việc nâng cao chất lượng đảng viên trong các DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ở một số DN, vai trò của tổ chức Công đoàn và đoàn thanh niên chưa được quan tâm đúng mức, một số nơi hoạt động công đoàn chỉ mang tính hình thức, không được giới chủ DN chú trọng, hiệu quả hoạt động thấp, công tác phát triển đảng viên trong DN còn nhiều hạn chế.

Từ kết quả triển khai Chỉ thị 22-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan sớm tổng kết tình hình thực hiện Bộ Luật Lao động, đề xuất Quốc hội hoàn chỉnh Bộ luật Lao động thành một đạo luật thống nhất. Đà Nẵng đề nghị Chính phủ sớm bổ sung, sửa đổi về hệ thống chế tài pháp lý áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa có hiệu quả; đề nghị Ủy ban Quan hệ lao động sớm trình Chính phủ thí điểm thành lập Ủy ban Quan hệ lao động cấp tỉnh ở những tỉnh, thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng; đồng thời, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nâng cao hơn nữa vai trò của người đại diện giới chủ, hướng dẫn chủ sử dụng lao động, thực hiện tốt các quy định của pháp luật lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, hạn chế đình công.

* Chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra của Văn phòng Trung ương Đảng đã làm việc với các sở: Tài Chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở đã nêu lên thực trạng, những thuận lợi, khó khăn trong việc xã hội hóa các dịch vụ công. Đối với ngành y tế, qua thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa dịch vụ y tế công, đáp ứng kịp thời công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, tuy nhiên ngành hiện đang thiếu đội ngũ y bác sĩ trầm trọng.

Ngành giáo dục đã đẩy mạnh việc xã hội hóa các dịch vụ công. Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố công khai quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2010, khuyến khích hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ngoài công lập có chất lượng cao trong và ngoài nước. Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch cũng đã thu hút các nguồn kinh phí ngoài ngân sách để tổ chức các sự kiện văn hóa, các hoạt động lễ hội, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống của nhân dân.

Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công trên địa bàn thành phố, các sở đã đề xuất một số giải pháp như: tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện chuyển đổi một số cơ sở công lập sang ngoài công lập ở vùng có điều kiện kinh tế phát triển; hỗ trợ hình thành các cơ sở ngoài công lập về giáo dục, y tế, dạy nghề, văn hóa, thể thao…

* Cũng trong chiều ngày 21-8, Đoàn kiểm tra Trung ương đã làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW (khóa IX) ngày 18-3-2002 về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” trên địa bàn thành phố.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Đà Nẵng đã có những kiến nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện thắng lợi nghị quyết này. Đó là: cần tăng cường sự hỗ trợ trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của DN, trong đó có việc kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước đối với DN để có thể trợ giúp và hỗ trợ DN một cách toàn diện, hiệu quả; rà soát hệ thống pháp luật và bãi bỏ các quy định chồng chéo, kém hiệu lực; xây dựng hệ thống thuế minh bạch và bảo đảm tính ổn định, đơn giản, dễ vận dụng, tránh suy diễn, giảm thời gian thanh tra; cải thiện môi trường tài chính thuận lợi cho DN, tăng cường tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, xây dựng cơ chế tín dụng theo hướng tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại; đẩy mạnh cách chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc xây dựng các chương trình trợ giúp phù hợp và không trái với các định chế của WTO...

Theo báo cáo, hiện nay, tại Đà Nẵng có hơn 9.700 DN thuộc thành phần kinh tế tư nhân (tăng 4 lần so với năm 2002) với tổng vốn đăng ký gần 11 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 23 lần), giải quyết việc làm cho hơn 145 nghìn lao động, đóng góp ngân sách hơn 648 tỷ đồng. Tuy nhiên, số DN có vốn từ 10 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm 3,7%, có vốn dưới 500 triệu đồng chiếm 40,19%... và chưa có sự phát triển bền vững; quá trình đầu tư của DN chỉ mang tính tự phát, mùa vụ, theo những biến động nhất thời của thị trường mà không chú trọng vào việc xây dựng các giải pháp cụ thể để tận dụng cơ hội, tiềm năng và lợi thế của thành phố. Hiện chỉ có 97 DN có tổ chức Đảng (chiếm 0,99%); 144 DN có Công đoàn cơ sở (chiếm 1,4%) và 51 DN có Đoàn Thanh niên (chiếm 0,52%) tổng số DN.

M.Hạnh - N.Thành

;
.
.
.
.
.