.

Đời ghe cát

.

Khi kim đồng hồ trên tay chỉ đúng 21 giờ, tôi theo chân một người bạn bước xuống chiếc ghe gỗ đang neo dập dềnh bên sóng nước sông Hàn. Chú Ba – người điều khiển chiếc ghe cho nổ máy, rẽ sóng hướng lên phía thượng nguồn. Qua khỏi cầu Tuyên Sơn, chú Ba siết dây ga cho ghe tăng tốc nhanh hơn. Tất cả chúng tôi chìm vào màn đêm cùng với tiếng xành xạch của động cơ máy nổ dưới sàn ghe, để lại sau lưng những dãy phố dài lung linh trong ánh đèn màu huyền ảo.

Khi nước lên, từng đoàn ghe chở cát xuôi về Đà Nẵng.

Khi con trăng lên chếch mấy ngọn sào, cũng là lúc ghe đến gần mép nước của khu vực bãi hút cát Kỳ Lam, nơi giáp ranh giữa hai huyện Điện Bàn - Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam. Hiện ra trước mắt chúng tôi là khung cảnh của một công trường với mấy chục chiếc ghe lớn nhỏ đang nổ máy ầm ào để hút cát.

Những người đến hút cát ở đây đa số là dân ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đà Nẵng... và được sự cho phép của ngành Tài nguyên-Môi trường địa phương. Hải, chủ một ghe cát cho biết: “Tụi em đến hút cát ở đây đều có đóng lệ phí cả, cứ nộp 100.000 đồng thì hút được 2 ghe cát.

Ghe nào cũng vậy, sau khi hút cát xong chờ cho con nước lớn là xuôi về bán cho các đại lý cát sạn ở Đà Nẵng”. Mỗi khối cát từ đây mang về Đà Nẵng bán được bao nhiêu? Tôi hỏi. Tùy theo mùa anh ạ! Khi cát khan thì tụi em bán cát to hạt được 22.000 đồng/khối; bình thường thì chỉ 20.000 đồng/khối cát nhỏ thôi”. Hải trả lời.

Nghe tiếng trẻ con khóc ở một ghe hút cát gần ghe của Hải, chúng tôi cặp mạn để hỏi thăm. Người đàn ông đang nhễ nhại mồ hôi hút cát lên chiếc ghe này là anh Nguyễn Tình (1977), quê ở thôn 5, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Tình kể:
 
Anh cùng với vợ là Mai Thị Hòa có 2 con nhỏ sinh sống trên chiếc ghe chở cát này từ mấy năm qua. Đây không phải là chiếc ghe cát thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Tình mà là ghe anh nhận chạy thuê cho ông chủ bãi cát sạn ở Cẩm Lệ - TP. Đà Nẵng tên là Nhựt. Cứ mỗi chuyến chạy cát từ Kỳ Lam về Cầu Đỏ, ông Nhựt trả công cho vợ chồng Tình 150.000 đồng. Mọi chi phí nhiên liệu và tiền mua phiếu cát chủ ghe chịu. Tình nói: Nếu ngày nào cũng đi được hai chuyến thì đủ chi phí tiêu dùng cho gia đình, ngày nào chạy một chuyến thì đời sống rất khó khăn.

Ngồi tâm sự với vợ chồng Tình trên dập dềnh sóng nước sông Thu Bồn, chúng tôi mới càng thêm thấu tỏ: Hơn một trăm gia đình sống bằng nghề chở cát trên vùng sông nước Quảng Nam – Đà Nẵng này là bấy nhiêu cảnh ngộ. Không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để sắm cho mình một chiếc ghe làm phương tiện mưu sinh. Mỗi chiếc ghe chở cát có trọng tải chừng 18 tấn bây giờ đóng cũng đến gần 150 triệu đồng; những chiếc ghe lớn khác thì giá càng cao hơn... Nhiều người phải chạy vạy vay mượn hết chỗ này đến chỗ khác mới đủ tiền mua lại một chiếc ghe cũ mang về chạy cát làm kế mưu sinh.
 
Rồi lại vay mượn để tân trang, nâng cấp... Chạy cát liên tục mỗi ngày như thế, nhưng khoản tiền dành dụm còn lại mỗi tháng cũng chỉ vài triệu đồng, đủ để trả tiền lãi vay cho chủ nợ chứ nợ gốc vẫn còn nguyên. Những người có đời sống khó khăn hơn thì phải chạy vạy ngược xuôi để xin các chủ bãi cát sạn cho một suất chạy cát thuê cho họ. Hiện ở Đà Nẵng có gần 30 bãi cát sạn, trong số này có nhiều chủ bãi đã đầu tư đến 4-5 chiếc ghe để thuê người chạy cát.

Neo ghe để hút cát bên cạnh ghe của vợ chồng Tình cũng là một đôi vợ chồng có tuổi đời còn rất trẻ. Anh chồng quê Quế Sơn về lấy vợ ở Duy Thu (Duy Xuyên) nên cũng theo nghề sông nước. Chị vợ tên Hai kể: Hồi trước tụi em được cha mẹ cho một chiếc ghe nhỏ để làm nghề đánh bắt tôm, cá trên sông... Ngày xưa cá nhiều nên cuộc sống cũng tạm đắp đổi qua ngày.
 
Càng về sau này có đêm vợ chồng thức trắng trên sông cũng chỉ kiếm được hai ba chục nghìn tiền bán tôm, bán cá... Vậy là phải vay mượn khắp nơi để sắm chiếc ghe chở cát này. Vợ chồng quần quật làm từ khi trăng lên cho đến xế chiều hôm sau cũng kiếm được một hai trăm nghìn để phần thì trả nợ cho người ta, phần nuôi con ăn học, với hy vọng sau này đời các cháu sẽ không còn kham khó như cha mẹ chúng.

Khi cát đã đầy ghe, những người làm nghề chở cát ở đây lại vội vàng cho ghe xuôi theo dòng nước để hướng tới những bến cát phía hạ lưu Đà Nẵng. Họ bảo rằng: Làm nghề này tất cả đều phụ thuộc vào con nước trên sông. Khi nước lớn là phải tranh thủ đi, về, chứ gặp lúc nước ròng thì chỉ có cách duy nhất là neo ghe đứng đợi...Chúng tôi cũng thế, theo con nước đang lên, chú Ba nổ máy cho ghe xuôi về Đà Nẵng, kết thúc hành trình gần một đêm thức trắng cùng những người dân lao động mưu sinh bằng nghề chở cát trên sông.

Một ngày mới lại đến, tôi tìm đến trụ sở của lực lượng Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng để tìm hiểu thêm đôi điều về những chiếc ghe cát đang ngày đêm lưu hành trên vùng sông nước này. Ông Lê Sáu -Đội phó Đội Thanh tra giao thông cơ động chuyên trách đường sông cho biết: Tuyến đường sông của Đà Nẵng không dài như các địa phương khác. Ghe chở cát cũng chỉ chừng hơn một trăm chiếc của cả hai địa phương. Hằng ngày, nếu tính lưu lượng thì có khoảng 250 chuyến hoạt động.

Đa số những người làm nghề này, kể cả người có ghe và cả những người chạy thuê cho chủ bãi đều là dân nghèo khó. Hầu hết trong số họ có trình độ hạn chế, hiểu biết về xã hội không nhiều. Túng bấn quá thì phải tìm kế mưu sinh chứ nhiều ghe chở cát trên sông hiện nay không đủ các loại giấy tờ hợp lệ. Khi mình kiểm tra để bảo đảm an toàn thì họ lại cứ ơ hờ, chẳng quan tâm mấy... Nhiều người vì muốn chở thêm vài khối cát để kiếm vài chục nghìn đồng mà phải trả giá cả sinh mạng.

Ông Sáu nói tiếp: Mới đây, ghe chở cát của gia đình ông Phạm Ngọc Hòa (44 tuổi), trú xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) chở theo vợ và 3 con nhỏ, trong lúc đang lưu thông trên sông Cẩm Lệ thuộc phường Hòa Xuân đã bị chìm giữa dòng, do nước tràn vào khoang. Ông Hòa bị thương nặng, người vợ bị nước cuốn trôi mất tích, may là 3 đứa con được những người chạy đò ngang cứu sống...
Hiện nay, lực lượng chuyên trách đường sông thì mỏng, phương tiện không đáp ứng đủ, kinh phí hạn hẹp... nên mọi nỗ lực của anh em khi thực thi công vụ cũng chỉ lòng vòng ở mấy từ “lực bất tòng tâm”.

Qua bài viết này, chỉ mong rằng những người đang làm nghề chở cát trên sông ngày càng ý thức hơn sự hiểm nguy và hậu quả nặng nề từ những tai nạn trên sông, để tuân thủ một cách tốt nhất những quy định về an toàn giao thông đường thủy. Lực lượng chức năng cũng sẽ được đầu tư nhiều hơn về người và phương tiện để giám sát và bảo đảm an toàn giao thông trên vùng sông nước này.

Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.