.

Đưa pháp luật vào cuộc sống

.

Mấy năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn Đà Nẵng được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, với nhiều nội dung, phương thức đa dạng, phong phú, tạo cho mọi người dân tiếp cận, gần gũi với pháp luật; các nội dung, phương thức tuyên truyền ngày càng đáp ứng với yêu cầu đưa pháp luật vào cuộc sống.

Tài liệu hỏi-đáp pháp luật về trật tự an toàn giao thông do Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng biên soạn, phát hành.

Ngoài các văn bản pháp luật phải tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, liên tục liên quan đến các vấn đề như an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, dân số, các ngành còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới mà xã hội đang quan tâm như: cán bộ-công chức, quốc tịch (sửa đổi), thuế thu nhập cá nhân, chất lượng sản phẩm - hàng hóa, quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp, phòng chống ma túy, Đặc xá, tương trợ tư pháp.

Các quy định pháp luật của các bộ, ngành ở Trung ương và của UBND thành phố có liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân như quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, đăng ký kinh doanh, phí, lệ phí, các quy trình thủ tục đầu tư, hộ khẩu, hộ tịch, công chứng, chứng thực, quy chế dân chủ ở cơ sở đã được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp. Đặc biệt, trong thời gian gần đây các cấp, các ngành đã linh hoạt lồng ghép Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc tuyên truyền, phổ biến các Luật cán bộ - công chức, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản khác của địa phương.

Trong phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác tuyên truyền miệng được sử dụng rộng rãi thông qua nói chuyện chuyên đề, thảo luận, trao đổi, đối thoại, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn  để giải đáp, nâng cao kiến thức pháp luật. Bình quân hằng năm, ở cấp thành phố có 300 - 400 lớp tuyên truyền miệng, thu hút 30.000 người; ở cấp quận, huyện, xã, phường có 3.000 - 4.000 lớp, thu hút 500.000 - 600.000 người tham dự.

Các tài liệu pháp luật được biên soạn, in ấn đa dạng, chú trọng hơn về hình thức,  hấp dẫn người đọc, người xem, như tài liệu hỏi - đáp, sổ tay, tờ gấp, tờ rơi, bản tin (giới thiệu văn bản mới, nêu gương điển hình); với hơn 20.000 - 30.000 cuốn tài liệu được phát hành mỗi năm. Bên cạnh đó, ở 56/56 phường, xã đã có tủ sách pháp luật, gần 70 câu lạc bộ pháp luật ở các hội, đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân) và các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên báo, đài của thành phố, v.v...

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, nhất là ở cơ sở. Vẫn có lúc, có nơi thực hiện công tác này mang tính hình thức, phong trào; chưa chú trọng nhân rộng các mô hình; một số nơi chỉ mới dừng lại quán triệt pháp luật trong cán bộ, công chức ở cơ quan mình, chưa lồng ghép, phối hợp đưa ra cộng đồng dân cư; một  số nơi chưa huy động, thu hút hết số đối tượng cần phải quán triệt các văn bản pháp luật trong các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
 

Tủ sách pháp luật ở phường Xuân Hà.

 

Ngoài ra,  các tổ chức đoàn thể (nhất là Công đoàn doanh nghiệp) chưa phát huy hết vai trò trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, dẫn đến người dân thiếu am hiểu pháp luật; việc đầu tư kinh phí cho các tủ sách pháp luật phường, xã còn hạn hẹp, chưa bố trí không gian đặt tủ sách phù hợp, thiếu nghiên cứu, chon lọc, bổ sung các loại sách, tài liệu nên ít thu hút người dân đến đọc, nắm bắt pháp luật, v.v... 

Thiết nghĩ, trong thời gian đến các cấp, các ngành chức năng từ thành phố đến cơ sở cần có biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa pháp luật ngày càng gần gũi với mọi người dân, giúp cho họ am hiểu và thực hiện tốt những quy định của pháp luật.

LÂM THẢO

 

;
.
.
.
.
.