.

Đứt lìa cánh tay vẫn chỉ huy tàu chiến đấu

.

Chuyến tàu đưa bác Lê Văn Tiếu từ Thanh Hóa vào thăm Vùng C Hải quân cập ga Đà Nẵng đúng ý định của lãnh đạo, chỉ huy Vùng. Đại úy Mai Xuân Hưởng, trợ lý tuyên huấn điện thoại cho tôi rồi hai anh em ra ga đón bác. Tôi hình dung anh “Bộ đội Cụ Hồ”, từng là nhân chứng sống, đi vào lịch sử bộ đội Hải quân với hình ảnh “giắt cánh tay trái bị đứt lìa vào cạp quần để tiếp tục chiến đấu” với nhiều khuôn vẻ.

Bác Lê Văn Tiếu đang kể về kỷ niệm chiến thắng trận đầu.

Nhưng rồi khi gặp bác, tôi không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục về hình ảnh một người chiến sĩ huyền thoại thật quá đỗi bình dị. Cái tuổi 82 chỉ làm da bác khô đi, nhưng phong thái thì vẫn tinh anh lạ thường. Và đặc biệt “quân hàm thượng úy” vẫn mới tinh hiện hữu trên đôi vai người chiến sĩ quả cảm đã mất một cánh tay trái này. Biết là bác mệt do đi trên một quãng đường dài, nhưng khi tôi hỏi chuyện về chiến thắng trận đầu, bác đã kể một mạch, hào hứng làm hai chúng tôi bối rối ghi chép không kịp. “Mỗi lần nhớ tới trận đánh đó, nó như là máu thịt của tôi”- Bác bắt đầu câu chuyện như thế.

Nhập ngũ năm 1949, năm 1964 Lê Văn Tiếu tốt nghiệp trường Hải quân với quân hàm Thiếu úy và được giữ cương vị Thuyền trưởng tàu HQ- 187. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ chỉ là cái cớ mà Chính phủ Hoa Kỳ dựng lên để lừa Quốc hội Hoa Kỳ cho quân đội leo thang phá hoại miền Bắc Việt Nam. Trước đó, địch cũng đã điều những chiến hạm lớn xâm nhập trái phép vào vùng biển nước ta. Tại khu vực Cửa Hội (Nghệ An) tàu Ma-đốc, một chiến hạm lớn thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã xâm nhập và có rất nhiều hành động khiêu chiến.

Không thể bị động và chậm trễ hơn, Bộ Tổng Tham mưu đã lên kế hoạch đánh tàu Ma-đốc. Nhiệm vụ ấy được giao cho Tiểu đoàn 135 - tàu phóng lôi vào Hòn Mê phục kích địch và sẵn sàng chiến đấu. 17 giờ ngày 4-8-1964, tàu HQ-187 do Lê Văn Tiếu chỉ huy với 27 chiến sĩ được lệnh ra cảnh giới ở phía bắc đảo Hòn Ngư, cách đất liền khoảng 10 hải lý. Tới vị trí trú quân, tàu được ngụy trang bằng vải bạt và án binh rất bí mật. 5 giờ sáng 5-8, cán bộ, chiến sĩ tàu có cuộc họp, chỉ huy tàu động viên anh em sẵn sàng chiến đấu, vì trước đó những dấu hiệu của một cuộc chiến đã rất rõ ràng. Vài bài tập chiến thuật nhanh trong đêm cũng đã hoàn tất.

12 giờ ngày 5-8, tốp máy bay đầu tiên của địch vượt qua núi Hồng Lĩnh ném bom vào thành phố Vinh rồi vòng ra khu vực Bến Thủy. Chúng tiếp tục bay lượn để tìm tàu của ta trên biển.  Sau đó tàu của ta bị địch phát hiện và bắn phá. Tiếp tục, tốp máy bay địch thứ 2, thứ 3 lao vào. Chúng đánh đài quan sát và bắn tàu HQ 187 rất quyết liệt. Lê Văn Tiếu chỉ huy anh em vừa chiến đấu vừa ẩn nấp để tránh tàu bị bắn chìm, đồng thời cung cấp những tin tức phát hiện được về bộ phận chỉ huy ở đất liền. Anh quan sát, cứ thấy máy bay  địch vào hướng nào thì điều khiển tàu hướng mũi vào nó nhằm hạn chế tiết diện mục tiêu và thu nhỏ tầm quan sát của kẻ địch. Chiếc máy bay đầu tiên của địch đã bị trúng đạn.

Tuy nhiên lúc này tàu HQ 187 cũng trúng đạn, máy hỏng. Đồng chí thuyền phó và chiến sĩ điều khiển ra-đa hy sinh. Lê Văn Tiếu bị thương rất nặng với cánh tay trái đứt chỉ còn lại một ít da, vết đứt tới sát nách. Anh nhờ đồng đội cắt đứt hẳn, nhưng anh em không ai dám làm việc đó vì nó quá nguy hiểm. Không thể làm chậm việc chiến đấu, Lê Văn Tiếu đã giắt cánh tay bị đứt còn lủng lẳng vào cạp quần và tiếp tục chiến đấu, chỉ huy tàu vòng tránh, đánh trả nhằm hạn chế thương vong. Cuộc chiến ngày 5-8 cũng đã nổ ra đồng loạt trên mặt biển và đất liền.
 
Khi chiếc tàu về tới phao số không an toàn thì cũng là lúc Lê Văn Tiếu bị choáng không còn biết gì do mất nhiều máu. Anh được đưa đi cấp cứu và điều trị. Những tin tức về chiến thắng trận đầu liên tục được báo về. Đó là chiến thắng oanh liệt của bộ đội Hải quân, Phòng không - Không quân và quân dân miền Bắc, mở màn cho những chiến thắng tiếp theo.

Kể tới đó, bác Tiếu đưa cho chúng tôi xem bức ảnh mà bác và các đồng đội đã chụp trước lúc bước vào cuộc chiến đầy khốc liệt. Một bức ảnh cảm động mà bác đã cất giữ nhiều năm nay. Còn hôm nay, bác lại nói với chúng tôi một niềm vui nữa: Quân chủng Hải quân vừa tặng bác một căn nhà tình nghĩa.

Bài và ảnh: TUẤN DUNG

;
.
.
.
.
.