.

Ghi ở một bệnh viện - Bài 1: Những người không thấy mặt

.

Có lẽ, không nơi nào như bệnh viện, mọi nỗi đau thân xác của con người không thể kìm nén vào trong. Bệnh tật khởi phát khiến người ta đau đớn, bi quan, mặc cảm và thiếu niềm tin… Những dòng ghi chép dưới đây là một sự chia sẻ, cảm thông với những số phận không may mang trong mình căn bệnh lao, phổi.

 

Nằm lui sau bến xe, phía cuối đường Nguyễn Huy Tưởng là lối đi toàn những đá dăm lởm chởm, dẫn đến những dãy nhà khang trang nằm tựa lưng núi. Đây là nơi điều trị cho những người mắc các chứng bệnh về lao, phổi. Người ra vào không ồn ã như các bệnh viện khác, chỉ thấy những khuôn mặt được che kín đằng sau tấm khẩu trang khó có thể đọc được tâm trạng.

Ai đến đây cũng vậy, phải dắt sẵn trong mình một cái khẩu trang. Chẳng thế mà những quán xá bên ngoài toàn bán khẩu trang và nước đóng chai. Khẩu trang trở thành bức bình phong che chắn cho người muốn bước chân vào nơi có tên là Bệnh viện Lao phổi Đà Nẵng. Chắc một điều, đối với người bình thường, nếu không phải là bác sĩ, chẳng có người thân nằm viện, có ai lại “dại dột” tìm vào cái nơi dễ lây lan, nhiễm bệnh này.
 
Năm dãy nhà mới đưa vào sử dụng vài năm nay, vẫn còn mới. Thoáng đãng và sạch sẽ. Trên những chiếc giường bệnh trải ga  trắng toát, những người bệnh ốm o, nhỏ thó, lòi cả xương vai lúc nào cũng thấy ho sù sụ. Có người nhấc không nổi bước chân mỗi khi trở dậy bước đi đâu đó. Trên đầu giường của những người bệnh nặng, thường có thêm bình ôxy loại lớn. Cái dây dẫn từ bình ôxy cắm vào hai lỗ mũi bệnh nhân cứ sủi bong bóng như thể toàn bộ tính mạng phụ thuộc vào cái bình ấy. Các căn phòng đầy những bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Tất cả đều mang mạng che kín mặt.
 
Trong hành lang của dãy nhà cấp cứu, người nhà bệnh nhân bao giờ cũng chực sẵn, để cần là có ngay. Không ai buồn trò chuyện, vài câu hỏi han xã giao với nhau để lấp khoảng trống. “Nhà ở mô?”: “Quảng Nam”, “Bệnh lâu chưa”: “Mới”, “Bệnh ni có hồi điều trị tới cả năm lận”, “Ừ”… Những câu hỏi, đáp cụt lủn, ngắn gọn, nghe khô khốc.

Đêm tĩnh mịch, bệnh viện buồn đến nao lòng. Những ngày thứ bảy - chủ nhật, số người khỏe khoắn ở gần được người nhà đưa về gia đình. Còn những người ở xa, cứ như sống trong sự biệt lập. Đơn giản, bệnh nhân cũng chẳng thể đi đâu, ngoài chỗ nằm. Thời gian dài dằng dặc, tiếng ho của bệnh nhân mỗi lúc một khan hơn rồi chìm tắt.

Có ai đó, khạc cả bãi máu lên trên nền nhà vệ sinh không kịp dội, rồi nằm bật lên giường không muốn nhúc nhích. Ai không chịu được cảnh tượng ấy, chắc sẽ dễ ám ảnh đến quên ăn. Trong phòng bệnh, người già cũng như trẻ, chỉ toàn thấy ho và khạc nhổ. Không gian lằng lặng như tiếp thêm những cử chỉ yếu ớt của người đang mang bệnh.

Những người bệnh thường ít nói, lầm lì, trầm cảm hoặc không thể nói vì sức khỏe yếu, có khi gắng nói thì giọng họ lại run lên bần bật. Người nhà đi nuôi bệnh thì không thể không nói, đôi khi buồn, họ giải khuây bằng mấy tờ báo hoặc cùng trò chuyện với nhau trên băng ghế chờ. Vào đây cả tháng, nhưng nhiều người không biết mặt nhau chỉ một lẽ.
 
Họ ý thức rất rõ về một căn bệnh lây lan qua không khí, hơi thở và nước bọt. Không như người bệnh ở một số bệnh viện khác, người ta rõ mặt nhau, cùng san sẻ chút cháo, chút sữa, xin nhau chút nước sôi. Nhưng ở đây tuyệt nhiên không, dù thiếu, người ta không dám xin và nếu cho cũng không dám nhận vì sợ lây bệnh đến mức... không cần thiết.
 
Một vài người nhà bệnh nhân trải chiếu dưới gốc cây trứng cá để ngả lưng buổi trưa. Khẩu trang vẫn đeo nguyên trên mặt. Ít thấy cái căng-tin nào vắng hoe đến mức buồn tẻ như vậy. Cà-phê không, khói thuốc lá không, chẳng mấy người có tâm trạng ngồi ăn uống nơi đây. Có lẽ vì tâm lý.

Quan niệm về bệnh lao thật khủng khiếp đến độ người ta sợ hãi không dám đứng gần hay ngồi trên giường bệnh, uống chung một ly nước, đi chung một nhà vệ sinh. Và nếu không có cái khẩu trang làm vật cản, mầm bệnh sẽ lây lan như thế nào? Đã có không ít người nhà vì chủ quan mà vô tình phơi nhiễm khi chăm nom người bệnh. Thoáng trong giờ ăn trưa hoặc tối, bệnh nhân mới kéo khẩu trang xuống, có người kỹ hơn chỉ kéo lưng chừng dưới vòm miệng.

Những lúc ấy, trên khuôn mặt của họ hiện lên nét buồn bã, má xọp hẳn, mắt vô hồn. Trong bệnh viện, thi thoảng có một vài cá nhân nào đó đến làm từ thiện. Họ đến các căn phòng, trực tiếp trao quà, tiền cho các bệnh nhân. Họ không hỏi gì nhiều, cũng không thấy tường tận khuôn mặt vì mang khẩu trang.

Qua ánh mắt chỉ có thể đoán được tấm lòng của người khỏe mạnh muốn chia sớt những khó khăn bệnh tật đối với bệnh nhân. 50 ngàn, 100 ngàn đồng, hoặc có thể nhiều hơn, không ai biết. Cả người cho và nhận không bộc lộ nhiều cảm xúc, dù biết rằng trong nay mai, nếu được gỡ cái khẩu trang kia, đâu đó trong cuộc sống đời thường có chạm mặt nhau, người ta cũng nào biết.

Ghi chép của DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.