Suốt những ngày nằm viện, mặc dù được sự chăm sóc rất tận tâm của người nhà cũng như các y, bác sĩ, song rất hiếm khi thấy trên môi các bệnh nhân nở nụ cười. Ý nghĩ về bệnh tật vụt qua đầu, mặc cảm và lo sợ mơ hồ của người bệnh đã không cho phép họ nghĩ đến những gì sáng sủa trước mắt.
>> Bài 1: Những người không thấy mặt
Em T.P.N, quê ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, là sinh viên năm 2 Trường Đại học Bách khoa, đã qua thời gian điều trị 6 tháng. Trong lần tình cờ biết chuyện, em không giấu bệnh, nhưng cũng xin giữ kín thông tin để khỏi bị mọi người dè dặt.
Những cơn ho kéo dài liên miên và hay sốt vặt mà em cứ tưởng là mình viêm họng. Hồi đó, nghe mọi người nói bệnh lao cũng giống như bệnh phong (hủi), nếu biết được, mọi người sẽ xa lánh. Mặc cảm dồn nặng lên tâm trí, có lúc em chỉ muốn đâm đầu xuống sông cho chết. Vì không muốn ai biết, N. âm thầm chịu đựng, chỉ đến khi ho ra máu em mới đi thăm khám và điều trị ở Bệnh viện Lao phổi Đà Nẵng.
Trước khi đến bệnh viện, tôi cũng chỉ nghĩ chắc bệnh chỉ có ở người già. Vậy nhưng trong số những bệnh nhân nằm tại bệnh viện, có một số ở tuổi trung niên như anh Hải (tên đã thay đổi) – một thợ bả sơn cho các công trình xây dựng cũng bị nhiễm bệnh trong thời gian ăn ở cùng đồng nghiệp. Trước mắt anh là chuỗi ngày điều trị dài hạn.
Anh hiểu người đàn ông là trụ cột trong gia đình, phải kiếm tiền nuôi vợ con, không lẽ cứ nằm mãi một chỗ để gánh nặng đè lên vợ con. Đã bao lần thấy mình hơi khỏe, anh nhất mực không chịu uống thuốc. Dù vậy, nhưng vì vợ con, bác sĩ khuyên nên chữa dứt điểm, có nhiều người tái phát chỉ vì điều trị chưa đến nơi đến chốn. Những ngày ít ỏi có mặt trong bệnh viện, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân đã ra đi, chỉ vì phát hiện bệnh quá muộn.
Theo các bác sĩ, bệnh lao là một trong 3 bệnh nguy hiểm xuất hiện từ ngàn năm nay. Trước đây, lao được quy vào bệnh nan y, phải xa lánh, nhưng từ khi y học tìm ra thuốc chữa lao hữu hiệu, bệnh dễ dàng có thể chữa khỏi. Ngành Y tế đã nỗ lực tuyên truyền để mọi người hiểu rằng: Tiếp xúc đúng cách không có gì đáng lo ngại.
Dầu vậy, không phải ai cũng gạt bỏ được suy nghĩ cố hữu đã tồn tại từ lâu nay. Sống trong một khu xóm, chỉ nghe nói nhà ai đó có người mắc bệnh lao là y như rằng căn nhà đó ít người lui tới trò chuyện. Ông P.V.T, sống tại thành phố Đà Nẵng, từng mắc bệnh suốt mười mấy năm nay. Ông cũng không rõ nguyên nhân do đâu, và cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Chỉ sau này khi tuổi cao, sức khỏe yếu thì ông phát bệnh.
Ông nói: Trước đây, bạn bè thường kéo đến nhà ông rất đông, nhưng từ khi biết ông bị bệnh, họ thường viện cớ bận rộn. Hoặc khi nào nhà hàng xóm có đám cưới, đám giỗ, họ “loại” ông ra khỏi danh sách khách mời. Những ngày con cái thăm nuôi ông trong bệnh viện, ông ngại con cháu vất vả và sợ cả… khoảng cách. Ông muốn mình tự lo cho bản thân. Nhiều lúc ông không giấu được tâm trạng buồn tủi. Điều trị vừa đúng 6 tháng, ông khỏe mạnh và nỗi lo cũng mất dần.
Truyền thông về bệnh lao những năm gần đây cho biết, Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm bệnh lao xếp thứ hạng cao trên thế giới. Nhiều người bị nhiễm vi trùng lao có thể bị bệnh trong thời gian ngắn, nhưng có người sau nhiều năm, hệ miễn dịch suy yếu mới nhiễm bệnh. Nhiều người cứ ngỡ mình chỉ bị cúm hoặc viêm họng rồi tự đi mua thuốc uống, chỉ sau khi bị phát bệnh trầm trọng mới đến bệnh viện làm các xét nghiệm và chụp X-quang mới biết.
Đến nay, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu điều trị kịp thời và điều trị thích hợp theo thể trạng và thời gian. Dù không đến mức “ghê gớm” như mọi người vẫn nghĩ, nhưng bệnh lao vẫn cứ như một sợi dây vô hình ngăn cách sự gần gũi giữa con người với con người.
Nó lấy đi của một số người những suy nghĩ tích cực, ước mơ, niềm tin và khi không vượt qua được mặc cảm, họ lại có những hành động dại dột đáng tiếc. Vì vậy, chúng ta hãy chia sẻ, đó chính là nguồn động viên họ vượt qua nỗi đau thân xác, tin tưởng vào ngày mai luôn tươi sáng.
Ghi chép của DUYÊN ANH
.
.
Ghi ở một bệnh viện - Bài 2: Sự sống không chìm tắt
Thứ Năm, 13/08/2009, 08:03 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.