.
GIẢM TNGT ĐƯỜNG SẮT

Cần một “barie ý thức”

.

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ năm 2002 đến nay, tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra gần 120 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó, đoạn đường từ Ngã ba Huế đến Hòa Cầm chiếm hơn 70% tổng số vụ. Riêng 6 tháng đầu năm nay xảy ra 3 vụ TNGT, làm chết 4 người, tất cả đều xảy ra trên đoạn đường này.

Bồng con nhỏ trên tay, nhưng người phụ nữ này vẫn băng qua đường sắt, cho dù cách đó khoảng 20 mét có lối đi dân sinh.

Xuất phát từ thực tế này, theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, tháng 10-2007, Công ty Quản lý sửa chữa đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, quận Cẩm Lệ tiến hành đóng 27 đường ngang trái phép qua đường sắt trên đoạn đường từ Ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, chỉ để lại 7 đường cần thiết cho người dân đi lại.
 
Bên cạnh đó, ngoài trạm gác barie tại Ngã ba Huế, công ty đã xây thêm 4 trạm nữa trên đoạn đường sắt chỉ hơn 5km này. Đặc biệt, công ty “cắm” hẳn một đội sửa chữa thường xuyên tại đây để kịp thời khắc phục những sự cố nhỏ nhất nhằm bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu chạy qua đây. Về phía địa phương, cụ thể là hai phường Hòa An và Hòa Phát, Ban ATGT quận Cẩm Lệ đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền và thực hiện ký cam kết không xâm phạm đến hành lang an toàn đường sắt. Thế nhưng xem ra tất cả những nỗ lực trên chỉ đem lại kết quả rất ít ỏi.

Theo quan sát của chúng tôi trên đoạn đường sắt ngắn này, gần như nhìn đâu cũng thấy vi phạm, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đường sắt. Sau rất nhiều lần bị Đội Giám sát an toàn đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng đập bỏ những bậc tâng cấp do người dân xây để vượt qua những vị trí đường ngang bị đóng, đến thời điểm hiện nay, hầu như tất cả đều được xây trở lại.

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được bà Ngô Thị H., chủ một cơ sở bán đá trang trí trên đường Trường Chinh cho biết với một tâm trạng khá bức xúc: “Mấy ông nghĩ răng chứ làm ăn có con đường mà bịt lại thì mua bán với ai. Nếu để khách hàng đi vòng cả cây số để đến chỗ mình thì họ đi chỗ khác mất”. Thế nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề an toàn tính mạng cho khách hàng của mình thì bà H. lại biện bạch rằng: “Tôi sống ở đây từ trước giải phóng đến giờ có thấy người nào tại đây chết do xe lửa cán đâu, chủ yếu là người từ nơi khác đến thôi”.

Người buôn bán biện minh như vậy, còn với những người không kinh doanh gần đường sắt cũng chọn cách đi tắt qua đường sắt bất cứ chỗ nào họ muốn. Một ví dụ điển hình là từ con hẻm 744, người dân muốn ra đường Trường Chinh là cứ vô tư  đi cắt ngang qua đường sắt, mặc dù chỉ cần đi thêm khoảng 20 mét nữa là đến đường Lê Trọng Tấn đi ra đường Trường Chinh rất thuận lợi. Chúng tôi phát hiện có 4 vị trí đường ngang đã đóng trước đây bị người dân phá ra để đi trở lại. Điều đáng lo ngại là tại những vị trí đã bị phá này, không những người đi bộ băng qua đường rất nhiều mà còn là điểm để vận chuyển hàng hóa, vật dụng…

Theo anh Huỳnh Mai, nhân viên làm việc tại trạm barie Ngã ba Huế, ý thức rất kém của người dân mới là vấn đề đáng lo nhất. Rất nhiều lần nhân viên của trạm bị người đi đường chửi vì đóng barie không cho họ “tranh thủ” băng qua đường, dù tàu đang đến rất gần. Đặc biệt, một số người đi đường hăm dọa, thậm chí rượt đánh nhân viên trực vì “đóng barie”. Chính vì sự thiếu ý thức của một số người mà việc đóng barie bằng điện phải chuyển sang bằng sức người, vì vừa đẩy barie, vừa thổi còi, vừa… năn nỉ mà cũng không cản được nhiều người cố băng qua đường.

Dọc theo đoạn đường sắt này còn có khoảng hơn 10 trang thờ do người dân tại đây lập nên. Mỗi khi thành phố lên đèn thì những trang thờ này lại nghi ngút khói hương. Nhiều người cho biết, tại vị trí có trang thờ đều là nơi đã từng xảy ra tai nạn đường sắt làm chết người, thậm chí xảy ra nhiều lần. Vì vậy, họ lập trang thờ này cầu mong tai nạn không xảy ra nữa.

Mong muốn của nhiều người dân sống dọc theo tuyến đường sắt này là vậy, vì thế rất cần xây dựng một “barie” trong ý thức của một số người lâu nay đã chủ quan. Nếu không ý thức được sự nguy hiểm khôn lường từ những đoàn tàu ngày đêm chạy qua nơi đây, thì có xây hàng rào ngăn cách cao bao nhiêu, hay có thêm những trạm barie vẫn không thể ngăn được người ta băng qua đường sắt.
  
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.