Không chỉ những người chồng sáng say, chiều xỉn mới đánh vợ, đập con. Nhiều ông chồng sáng cắp cặp da, thắt cà vạt đi làm, ra xã hội nói năng điềm đạm vẫn có hành vi bạo lực theo kiểu của người “mạnh chân, khỏe tay”. Và khi các cán bộ phụ nữ can thiệp, họ cũng lập luận rất… chồng: Vợ tui, tui chửi. Đồ nhà tui, tui đập.
Dưới đây là một số trường hợp bạo lực gia đình (BLGĐ) thuộc tầng lớp trí thức, từng được các cán bộ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tiếp nhận giải quyết. Trong đó, có người là giảng viên, có người là thông dịch viên, cán bộ Nhà nước, hưu trí…
1- Hai vợ chồng cùng là cán bộ có vị trí xã hội và trình độ tương xứng. Mỗi lần người vợ đi công tác, người chồng ở nhà cứ cách 5 phút lại gọi điện thoại “hỏi thăm” một lần. Bị chồng “khủng bố” điện thoại trong lúc đang làm việc, chị tắt máy. Sau cuộc họp 1 tiếng đồng hồ, mở lại điện thoại, chị nhìn thấy 19 cuộc gọi nhỡ của chồng. Lo sợ chồng giận, chị gọi điện cho con trai ra sân bay đón mẹ thay vì nhờ anh. Hay tin, anh đòi đi đón vợ và không quên vác theo… con dao để hù!
2- Biết tin anh X. bị nêu danh trước công luận về hành vi BLGĐ, ông tổ trưởng tổ dân phố nơi anh ở bật ngửa vì quá ngạc nhiên. Anh X. nổi tiếng trong khu phố vì sự lành tính. Đến một đứa trẻ, anh cũng không bao giờ dám làm phiền.
Chòm xóm không kêu ca gì về cuộc sống của hai vợ chồng anh. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, ông tổ trưởng mới biết, đằng sau con người giỏi giang và “hiền như cục đất” ấy là một ông chồng thường khiến vợ ngất lên, xỉu xuống vì quá bức xúc.
Anh X. không đánh vợ mà hay mang những kỷ vật của bố vợ ra sỉ nhục. Lý do là trước đây, giữa anh và bố vợ có một sự hiểu lầm khiến anh nghĩ ông đã dùng quyền lực để xử ép anh. Trước khi mất, ông có để lại lời nhắn tâm sự về động lực khiến ông đã có hành động như vậy. Và tất cả cũng chỉ vì muốn tốt cho anh. Song, anh X. không tin và vẫn mang mối hận đến nhiều năm sau.
3- Chị đã ly hôn, có công việc ổn định và một đứa con trai 5 tuổi. Rồi chị gặp người chồng thứ 2, một cán bộ hưu trí, chênh chị vài chục tuổi. Ông trở thành người bảo bọc cuộc đời hai mẹ con và muốn chị nghỉ việc để ông được chăm lo tất cả. Tưởng thực sự tìm được bến đỗ, chị làm theo lời ông. Tháng đầu tiên, ông đưa chị 1,5 triệu đồng để chi tiêu trong gia đình.
Tháng thứ hai, ông đưa 1 triệu đồng. Tháng thứ ba, 500 ngàn đồng. Và tháng thứ tư là không có đồng nào cả. Chưa qua tháng thứ năm, chị lại ly hôn một lần nữa. Chị tâm sự, ông đã thay đổi hoàn toàn so với con người mới hôm nào đã khiến chị về chung sống.
Từ một người đứng đắn, biết quan tâm, chăm sóc cho cả chị lẫn bé trai, ông trở nên lạnh nhạt, chửi chị là đồ ăn bám và không thèm đoái hoài đến đứa trẻ. Chị không hiểu, liệu ông có mối hận nào với đàn bà hay không? Có phải chị là một nạn nhân trong sự trả đũa nào đó không? Ly hôn xong, chị trở lại báo tin vui cho cán bộ phụ nữ với vẻ mặt đầy sinh khí: Mình đã cảm thấy cuộc sống dễ thở hơn nhiều.
Các cán bộ Hội Phụ nữ cho biết, hành vi của các ông chồng trên đều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi đi sâu vào sự việc, các chị đã rút ra nhiều nguyên nhân, và trong đó có lý do tiêu cực từ phía người vợ. Không có lửa, làm sao có khói, đề tài này chúng tôi xin đề cập trong một bài viết khác.
HƯỚNG DƯƠNG