Lịch sử họ Ông làng Phong Lệ (nay thuộc khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) sáng bừng bởi hai danh nhân làm rạng danh quê hương, đất nước: Ông Ích Khiêm (1829 - 1884) và Ông Ích Đường (1884 - 1908).
Lăng mộ Ông Ích Khiêm (Ảnh: N.T) |
Bao giờ nước Nam hết mía…
Theo những gì ông Trưng được nghe kể lại, ông Ông Ích Đường tuy không lẫy lừng, danh tiếng như ông Tiễu Phong Lệ (tên người đương thời gọi danh tướng Ông Ích Khiêm) nhưng lại là người có biệt tài và đặc điểm khác người: đi bộ rất nhanh, rất dẻo. Ông Đường đi từ nhà đến Tam Kỳ ngay trong đêm, đi ra Hải Dương chỉ trong ba ngày đêm rồi quay về cũng từng ấy thời gian để bàn tính chuyện đại sự. Còn dị tướng là lông tóc ông toàn thân mọc ngược khiến người ngoài nhìn vào rất sợ.
Có vẻ bề ngoài khác người, nhưng theo lời con cháu kể lại, Ông Ích Đường là người hiền lành, tình nghĩa. Trong cuộc sống đời thường, không nghe ông la mắng ai bao giờ. Có lẽ, tố chất hiền lành ấy là điểm ông thu hút được nhiều người, được nhiều người thương quý. Ấy vậy mà con người hiền lành đó lại can trường, khí phách trước cái chết.
Về cái chết thấm đẫm huyền thoại của người bác mình, ông Trưng kể: “Sau khi bị bắt, ông bị bọn giặc đem đi hành quyết, tên chánh tổng chém nhưng không được mới thuê hai sát thủ. Lúc đó ông nói: Chém một nhát mà rơi đầu thì chém, còn nhiều nhát thì không được. Hai tên sát thủ run sợ. Những người chứng kiến kể lại khi đầu ông rơi xuống thì trời đất mù mịt. Người ta sợ là sợ cái chỗ đó. Ông chết thành thần. Trước khi bị chém, ông còn có câu nói: “Giết Đường này còn trăm nghìn Đường khác nổi lên. Bao giờ nước Nam hết mía mới hết đường”. Đó là câu nói bất hủ đã được sử sách ghi nhận.
Ngược dòng quá khứ, trở về đời thứ 18 của dòng tộc Ông, Ông Ích Khiêm làm rạng danh dòng tộc khi trúng Hương khoa Cử nhân năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), sau đó được bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Trong sự nghiệp làm quan, ông 3 lần thắng trận và 5 lần được vua ban thưởng. Có tài hơn người, bản tính ngay thẳng, bộc trực, ông được nhà vua tin yêu nhưng đó cũng là cái họa dẫn đến những thăng trầm lúc cuối đời.
Lúc bị các gian thần cấu kết xu nịnh với triều đình, ông bị cách chức. Trở về quê nhà, ông mua những vùng đất như La Hường (Hòa Thọ Đông), Tây An (Hòa Châu), Cẩm Bình (Hòa Thọ Tây)... rồi phân phát cho bà con, họ tộc, dân làng làm ruộng. Ông tổ chức đắp đường, đào hệ thống kênh mương, nhờ đó, những cánh đồng được tốt tươi, việc đi lại dễ dàng.
Khi triều đình, vì nghe lời dèm pha xiểm nịnh của đám gian thần, đày ông vào nhà lao Bình Thuận, ông khảng khái chọn cái chết để bảo toàn khí tiết. Trong di chúc để lại trước khi uống chén độc dược, ông dặn dò gia đình nên tìm nơi bằng phẳng, vị trí thấp để chôn cất, tổ chức lễ tang hết sức đơn giản, tiết kiệm, không phô trương để tránh sự ganh ghét của kẻ xấu, làm ảnh hưởng đến cả gia đình.
Nhà bia Tưởng niệm Chí sĩ Ông Ích Đường tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Ảnh: V.T.L) |
|
Sau khi mất đi, di vật còn lại của Ông Ích Khiêm có chiếc áo bào nền xanh, viền vàng, thêu rồng, một thanh bảo kiếm có chạm khắc hàng chữ nho trên thân và vỏ bằng vàng thật. May mắn, cuốn di chúc ông viết tay vẫn còn, đang được gìn giữ và trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Ông Trưng nay đã tuổi già, sức yếu, không thể đảm đương được việc sưu tầm, ghi chép lịch sử, mà con cháu thì không có khả năng viết sử. Ngày 19 tháng 7 âm lịch năm nay, thành phố Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày mất Ông Ích Khiêm, thêm một lần nữa, ông Trưng và con cháu tộc Ông lại tha thiết mong được giúp viết nên cuốn sử của gia tộc - lịch sử của một dòng họ gắn liền với những thăng trầm của đất nước.
NGUYÊN THU