.
Khai mạc Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC:

ABAC đưa ra các khuyến nghị phục hồi kinh tế khu vực

.

* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam ủng hộ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư

(ĐNĐT) - Sáng 25-8, kỳ họp lần thứ 3 năm 2009 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) chính thức khai mạc tại Đà Nẵng, với sự tham dự của gần 200 đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực, các quan chức và nhà nghiên cứu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh tham dự phiên khai mạc.

Chủ đề của ABAC năm 2009 là “Xây dựng tiến tới mục tiêu Bogor về một cộng đồng”, trong đó có 3 nội dung cụ thể là: thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, xây dựng mô hình phát triển bền vững, đẩy mạnh xây dựng năng lực và tăng cường kết nối.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chào mừng các thành viên ABAC.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự buổi khai mạc và có bài phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự kỳ họp. Chủ tịch nước tin tưởng rằng kỳ họp sẽ đưa ra được những khuyến nghị thiết thực đệ trình lên lãnh đạo APEC trong cuộc đối thoại cuối năm nay.
 
Việt Nam đánh giá cao những khuyến nghị tại kỳ họp thứ 2 của ABAC diễn ra tại Brunei gửi lãnh đạo và các Bộ trưởng thương mại APEC có nội dung tập trung vào các vấn đề: Không tạo thêm rào cản thương mại, giảm chi phí giao dịch thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thực hiện các biện pháp kích thích tài chính thúc đẩy nhu cầu toàn cầu và có quan tâm đến khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa vòng đàm phán Doha kết thúc thành công.

Phát biểu trước các đại biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tích cực hội nhập với thế giới và triển khai thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế song phương và đa phương. Việt Nam ủng hộ việc APEC cần thể hiện vai trò đi đầu trong tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư để vươn tới mục tiêu Bogor và tầm nhìn của khu vực tự do mậu dịch của Châu Á-Thái Bình Dương.

Thực hiện đầy đủ cam kết về việc ngăn chặn các biện pháp bảo hộ

Dự báo năm nay, thương mại toàn cầu có thể sụt giảm 9% so với năm 2008 do khủng hoảng kinh tế. Do đó, nội dung ưu tiên của kỳ họp lần thứ 3 ABAC năm nay sẽ tập trung thảo luận giải quyết những thách thức hiện tại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra bằng cách thúc đẩy chương trình hợp tác APEC nhằm đạt được mục tiêu Bogor về môi trường thương mại, đầu tư tự do và cởi mở trong khu vực.

Quang cảnh kỳ họp.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC từ tháng 11-1998, nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên 21 nền kinh tế. Tổng GDP của APEC chiếm 55% GDP toàn cầu và tổng giá trị giao dịch thương mại của APEC chiếm 49% tổng thương mại toàn cầu.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện khá rõ nét bản lĩnh và sự năng động của một nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh. Một số sản phẩm của Việt Nam như gạo, hạt tiêu, hàng may mặc, giày dép... đã có vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế.

Việc ABAC Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức kỳ họp đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới gặp khó khăn như hiện nay cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ta tiếp cận trực tiếp với các doanh nhân hàng đầu của khu vực APEC, để cùng trao đổi, hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư và thương mại.

Kỳ họp của ABAC kết thúc vào trưa ngày 27-8.
Các đại biểu dự kiến đưa ra 10 khuyến nghị đối với các Bộ trưởng Kinh tế APEC và 3 kiến nghị đối với lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC. Trong đó, đáng chú ý là những kiến nghị: thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, thuận lợi hóa các dòng chảy thương mại và vốn đầu tư.

Theo ABAC, thời điểm hiện nay rất phù hợp để các nền kinh tế áp dụng các biện pháp thuận lợi hóa thương mại và thực tế hóa 280 tỷ USD tiềm năng tăng trưởng thương mại trong nội khối APEC đã được Ngân hàng Thế giới xác định. APEC nên đẩy mạnh hợp tác hài hòa các thủ tục hải quan thông qua việc áp dụng Sáng kiến một cửa APEC nhằm giảm thêm 5% chi phí giao dịch vào năm 2010; tích cực hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ABAC kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC thành lập liên minh thương mại điện tử và cơ cấu kinh doanh điện tử phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, trong hội nghị lần này, ABAC kêu gọi các nền kinh tế APEC thực hiện đầy đủ cam kết về việc ngăn chặn các biện pháp bảo hộ, nhất là ở giai đoạn sau khủng hoảng. Lãnh đạo APEC cần giữ đúng cam kết, không đưa ra thêm bất cứ rào cản thương mại nào.

Vì theo quan sát, hiện đang có xu hướng tiêu cực là tăng cường bảo hộ bằng cách tạo thêm các rào cản thương mại mới. Có thể về hình thức, những rào cản này là phù hợp với quy định của WTO, song chúng trái ngược với tinh thần của các cam kết G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) và lãnh đạo APEC. Để đạt được hiệu quả, lập trường nhất quán này cần được áp dụng đối với bất kỳ biện pháp nào, bao gồm cả kích thích tài chính, nếu như biện pháp đó ảnh hưởng không tốt tới thương mại và đầu tư. Và đối với các biện pháp bảo hộ như vậy, nếu đã được áp dụng ở nền kinh tế nào đó thì cần rút lại trong thời gian sớm nhất.

Kiến nghị thứ ba mà ABAC gửi lên các lãnh đạo cấp cao APEC lần này là các thành viên APEC khi thực hiện các biện pháp kích thích tài chính thì nên hướng tới mục tiêu thúc đẩy nhu cầu toàn cầu chứ không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy nhu cầu trong nước như hiện nay. Các giải pháp tài chính nên đẩy mạnh hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả khối APEC vì khu vực này đóng góp rất lớn việc tạo công ăn việc làm cho người lao động.

ABAC (APEC Business Advisory Council) là Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, được các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thành lập tháng 11-1995 với mục tiêu tư vấn cho các nhà lãnh đạo về những vấn đề quan trọng hàng đầu liên quan tới hoạt động kinh doanh trong khu vực. ABAC gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên. Mỗi nền kinh tế APEC chỉ được chỉ định tối đa 3 đại diện, lựa chọn từ khu vực kinh tế tư nhân để tham gia ABAC. Ngoài 3 thành viên chính thức còn có thành viên dự khuyết.

ABAC là một cơ chế đối thoại đặc biệt trong khuôn khổ APEC giữa các đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo APEC về các ưu tiên trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ. Thông qua ABAC, cộng đồng doanh nghiệp có thể góp tiếng nói chung của mình vào quá trình hoạch định chính sách hợp tác kinh tế chung và xây dựng các chương trình, dự án và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư trong khu vực.

SƠN TRUNG
;
.
.
.
.
.