.

Khát vọng tuổi trẻ

Ở huyện Hòa Vang hiện nay, bên cạnh lớp trẻ ly nông, ly hương thì vẫn còn đó những thanh niên vươn lên trong khó khăn, vất vả để thỏa ước khát vọng của mình, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Không giống như nhiều thanh niên nông thôn khác tìm giải pháp thoát ly lên thành phố Đà Nẵng lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Bình ở Hòa Vang chọn vùng đất khe Răm, thôn An Định, xã Hòa Bắc để lập nghiệp. Lúc đầu hai vợ chồng chỉ có đôi bàn tay trắng, dựng tạm túp lều che nắng che mưa, sáng lên phát băm dọn rừng trồng cây, tối về làm bạn với bóng đèn dầu.
 
Mọi nhu cầu sinh hoạt nơi đây đều rất thiếu thốn, khó khăn. Nhưng với tinh thần không chịu khuất phục trước gian khó, anh chị cần mẫn “lấy ngắn nuôi dài” phát dọn khu đất trống quanh nhà trồng mía, rồi bán mía nuôi bò, bán bò trồng rừng. Cứ thế, vòng tròn này đã giúp kinh tế gia đình anh khấm khá đi lên. 

Tại thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên, ai cũng biết cửa hàng bán vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng do anh Đỗ Đình Thạnh làm chủ. Từ cửa hàng chuyên cung cấp phân bón và thức ăn cho gia súc, gia cầm, anh Thạnh vay mượn hơn 300 triệu đồng đầu tư mở dịch vụ cung cấp vật liệu xây dựng. Khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng như anh phải co cụm, thậm chí giải nghệ do giá cả biến động thì cửa hàng anh vẫn ăn nên làm ra với doanh thu trên dưới 70 triệu đồng/năm. Hiện nay, anh đã trang bị cho cửa hàng 2 xe tải, 1 xe ben và 1 ô-tô 4 chỗ ngồi.

Cần cù đâu chỉ có nông dân, lập thân đâu chỉ nhờ học vấn, câu nói này ứng vào trường hợp của anh thanh niên Lê Minh Toàn, thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước. Vào trước năm 2000, phong trào nuôi gà công nghiệp của thôn Nhơn Thọ 1 nói riêng, xã Hòa Phước nói chung rất phát triển. Toàn vay mượn 30 triệu đồng xây dựng 2 trại gà, mỗi trại 500 con.

Sau khi nuôi đến 4 tháng tuổi, gà bắt đầu đẻ rộ. Trung bình mỗi ngày, Toàn thu khoảng 850 quả trứng, tương đương 50kg, với giá khoảng 20 ngàn đồng/kg thì thu nhập hằng ngày gần 1 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu vào, hằng năm Toàn thu lãi ròng hơn 72 triệu đồng. Đặc biệt, những ngày giáp Tết Nguyên đán 2009 vừa qua, trứng gà công nghiệp tăng lên 24 ngàn đồng/kg, hai trại gà của Toàn trúng đậm. Hiện nay, trại gà của Toàn có hơn 1.000 con.

Cũng vì không chịu cảnh nghèo, cậu sinh viên Nguyễn Bá Lộc (xã Hòa Phong) nỗ lực học ngày học đêm để giành suất học bổng và tranh thủ đi làm gia sư cốt có tiền về đầu tư làm kinh tế. Ky cóp mãi cộng với khoản tiền vay ngân hàng, Lộc quyết định đào ao thả cá. Qua gần 3 năm lăn lộn với thương trường, với mọi gian khó, buồn vui, đến nay, cơ nghiệp của cậu sinh viên này có hơn 2,5 vạn ếch giống, ếch con, 2 tấn cá trê gần đến ngày thu hoạch và hơn 100 con thỏ giống và thương phẩm.

Từ mô hình này, hằng năm Lộc thu về gần 50 triệu đồng lãi ròng. Công ty TNHH một thành viên Lộc Bảo Trâm do Lộc làm chủ chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 7 năm nay, chuyên cung cấp, thu mua giống nuôi, trồng thủy sản sẽ là đòn bẩy để Lộc thỏa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mỗi người một hướng đi riêng, nhưng đều tựu trung ở khát vọng đổi đời từ nỗ lực của bản thân trên những thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, số thanh niên thành đạt trong môi trường sản xuất-kinh doanh trên địa bàn huyện Hòa Vang không nhiều; số đông còn lại đang loay hoay tìm nguồn vốn và nâng cao kiến thức làm kinh tế. Hiện chỉ có 25 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ phát huy hiệu quả, phần lớn còn lại sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún thiếu tính bền vững.

Số thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất hay phục vụ cho quá trình lập nghiệp trên địa bàn Hòa Vang không nhiều. Trong lúc, chính sách vay vốn cho thanh niên nông thôn còn bị bó hẹp và chưa thật sự mở rộng cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Do vậy, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thanh niên, trong đó đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn, nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phát triển kinh tế nông thôn.

HẠ SƠN

;
.
.
.
.
.