.

Loạn “cò” - Bài 1: Mánh kiếm tiền của “cò” nhà đất

.
Người dân hay doanh nghiệp (DN) có nhu cầu mua nhà, đất, vay tiền ngân hàng, làm chứng minh thư… nếu muốn được giải quyết nhanh, chỉ cần chi tiền cho “cò” là “OK”. Thế nhưng đâu phải “cò” nào cũng làm ăn uy tín, nếu khách hàng không cẩn trọng, rất có thể bị “cò” đưa vào bẫy, thậm chí còn mất tiền oan.

Từ tháng 5-2009 trở lại đây, khi thị trường bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng có xu hướng ấm dần lên, cũng là lúc “cò” bắt đầu xuất hiện nhiều để thực hiện các vụ làm ăn không vốn, nhưng vẫn hốt bạc từ nghề này.

Nghề bán nước bọt

Trong vai người đi mua đất, tôi tìm đến khu dân cư Hòa Phát, thuộc phường Hòa Phát (Cẩm Lệ) để thăm dò. N.Đ.C, người làm nghề môi giới nhà đất lâu năm ở đây trầm tư: “Lại là ông hả? Đầu năm ông bạn nghe tui mua lô đất này thì bây giờ đã lời 20 chai rồi (20 triệu đồng –PV)”. “Vậy lô đất này giờ bao nhiêu?” - tôi hỏi. “320 chai. Nhưng nếu ông “OK”, tui chỉ lấy tiền hoa hồng 1%, còn qua “cò” khác chắc chắn sẽ không có giá này đâu” - anh C. xởi lởi nói.

Lân la dò hỏi được chủ lô đất trên, tôi mới biết giá đích thực được rao bán có 305 triệu đồng, nhẩm tính nếu mua lô đất này qua “cò” coi như mất thêm khoảng 15 triệu đồng. Điều làm tôi bất ngờ, khi chủ sở hữu lô đất này khẳng định không hề biết “cò” là ai, bởi theo ông, việc bán đất chỉ được thông báo tại khu dân cư, chứ quan hệ với “cò” làm gì cho phiền toái.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, làm nghề “cò” đất không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nếu thị trường BĐS “nóng” thì “cò” còn dễ kiếm sống, còn không thì cả năm trời cũng chẳng kiếm được đồng nào. Thế nhưng, không phải vụ làm ăn nào “cò” cũng kiếm được tiền một cách dễ dàng, trái lại cũng không ít lần “cò” đã bị cả bên mua-bán “lật kèo” tiền hoa hồng theo cam kết đã giao ước.

Tuy nhiên, nghề môi giới BĐS cũng có đủ mánh để kiếm tiền một cách dễ dàng, hơn nữa lại chẳng phải bỏ ra một đồng vốn nào. Cách đây 4 tháng, anh T. (Liên Chiểu) đành phải ngậm ngùi “biếu” không cho “cò” 3 triệu đồng mà chẳng biết than vãn với ai. Theo anh T., sau khi được “cò” giới thiệu cho khu đất khá đẹp, anh đã đặt cọc cho “cò” 3 triệu đồng và ký cam kết 5 ngày sau sẽ giao đủ tiền và nhận đất, và nếu bên nào vi phạm sẽ bị phạt chính số tiền đặt cọc trên.

2 ngày sau, anh T. nhận được thông tin từ “cò” đất khác phán rằng, lô đất anh đang định mua có nhiều u ám, đại loại như đất có mồ mả, nhiều người định mua nhưng khi đi xem thầy đành chấp nhận mất tiền đặt cọc… “Nói thật, mua đất để mở quán kinh doanh mà nghe nói vậy, thôi thì chấp nhận mất vài triệu đồng cho rồi” - anh T.
tiếc nuối.

Khi “cò” “chơi” nhau

Minh bạch hóa thông tin về thị trường BĐS trên sàn sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến giao dịch. TRONG ẢNH: Khách hàng đến tham khảo thông tin về giá nhà đất tại SGD-BĐS Cường Hưng Thịnh.

 

Vào thời điểm hưng thịnh của thị trường BĐS, khách hàng có thể dễ dàng gặp “cò” đất ở bất cứ nơi đâu, từ quán cà-phê, quán nhậu, thậm chí cả nơi công sở… Chỉ cần khách hàng có nhu cầu mua nhà đất, nếu qua “cò” sẽ được hướng dẫn tận tình, chi tiết; thậm chí “cò” còn vẽ ra được từng vị trí của con đường, khu đô thị mới trong tương lai tại khu vực khách hàng cần mua đất.

Theo quy luật, hoạt động sôi động nhất của “cò” đất thường tập trung ở những khu vực đang có nhiều dự án lớn sắp được triển khai; đồng thời các trung tâm, văn phòng môi giới nhà đất cũng đua nhau mọc lên khắp nơi với đủ chiêu để kéo khách hàng đến với mình.

Giới “cò” đất cũng cạnh tranh quyết liệt. Kiểu cạnh tranh của “cò” đất cũng có nhiều chiêu thức và thủ đoạn khác nhau. Chẳng hạn, chỉ cần một khu đất được rao bán, ngay lập tức đã có hàng chục “cò” biết thông tin, vì thế khi “cò” này tìm được mối bán thì đã có “cò” khác nhảy vào phá đám, rỉ tai khách hàng bằng những thông tin thất thiệt về khu đất như: “Đất đang tranh chấp đấy mà! Có người đã mất trắng tiền cọc vì định mua khu đất này... Sao anh (chị) dại thế, mua khu đất này coi chừng mất tiền oan đó!”…, nhằm triệt phá mối làm ăn của “cò” đã dẫn khách đến.

So với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì số lượng sàn giao dịch (SGD) BĐS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, lượng khách đến mua – bán BĐS qua sàn lại chiếm tỷ lệ khá thấp so với hoạt động mua-bán thông qua “cò” đất hiện nay. Sở dĩ khách hàng chưa quen đến việc mua-bán BĐS qua sàn là do hoạt động môi giới của các sàn giao dịch BĐS còn khá xa lạ với khách hàng, hơn nữa tính chuyên nghiệp ở các sàn chưa cao.
 
Nhưng có thể khẳng định rằng: Việc ra đời của các SGD BĐS là bước đi đúng cho sự phát triển của hoạt động môi giới nhà đất trong thời gian tới. Ông Võ Văn Cường, đại diện SGD BĐS Cường Hưng Thịnh cho biết: Hoạt động môi giới BĐS chuyên nghiệp không những làm minh bạch thông tin về thị trường BĐS, mà nó còn tránh cho khách hàng gặp rủi ro trong mua - bán nhà đất.
 
Khi chất lượng dịch vụ tại SGD ngày càng được khách hàng quan tâm sẽ tạo nên yếu tố cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà môi giới chuyên nghiệp. “Để tránh rủi ro khi mua – bán nhà đất, tốt nhất khách hàng nên tìm đến các SGD BĐS uy tín để khỏi bị hớ”- ông Cường khuyến cáo.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.