.

Loạn “cò” - Bài 3: Qua “cò”... như có phép màu

.

Muốn vay vốn NH, làm lại chứng minh thư, mua nhà đất…, nếu tự làm có khi phải chờ dài cổ, thậm chí bị làm khó dễ, nhưng chi tiền cho “cò” mọi việc diễn ra như có phép màu. Vậy “cò” dựa vào đâu mà giải quyết mọi việc nhanh  gọn như vậy?
        
        >> Loạn “cò” - Bài 2: Ớn ... “cò” ngân hàng
        >> Loạn “cò” - Bài 1: Mánh kiếm tiền của “cò” nhà đất

Tự làm… thì chờ nhé!

“Cò” đang mời khách có nhu cầu làm CMND lấy gấp.

Trong vai người đi làm chứng minh nhân dân (CMND) tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) - Công an thành phố Đà Nẵng, khi vừa bước ra ngoài cửa, một người đàn ông khoảng 40 tuổi xưng tên Linh dồn dập hỏi: “Đi làm CMND hả em. Làm được chưa?”. “Hộ khẩu bị trục trặc nên chưa làm được. Bây giờ không biết tính sao đây, trong khi đang cần gấp chứng minh để đi công tác xa” - tôi đáp lại.
 
“Chuyện nhỏ, chú em có muốn anh giúp không? Làm hôm nay, ngày mai có liền”. “Vậy chi phí hết bao nhiêu?” - tôi hỏi tiếp. “300 nghìn đồng” - anh Linh ra giá. Sau khi giải thích với anh Linh về hộ khẩu đang bị vướng mắc, nên phải về Công an quận xin xác nhận mới làm chứng minh được. Nghe xong, anh Linh xin số điện thoại và hẹn có gì sẽ liên lạc lại, khi tôi xác nhận được hộ khẩu. Ngay buổi chiều cùng ngày, anh Linh đã chủ động gọi điện cho tôi và hỏi xem đã xác nhận được hộ khẩu chưa để còn đến Phòng PC13 làm thủ tục cấp lại CMND cho kịp thời gian.

Cuộc trao đổi qua điện thoại giữa hai bên, tôi mới nhận ra Linh không chỉ có “nghề” làm CMND “giùm” mà còn có thể “giúp” khách hàng làm nhiều loại giấy tờ khác. Cũng qua điện thoại, tôi thông báo với anh Linh đã làm CMND ở quận rồi, và có giấy hẹn 1 tháng sau đến lấy được.

Tôi đề nghị anh Linh có lấy CMND ngay được không? “Ở thành phố thì còn được, chứ ở quận thì chịu rồi vì có quen ai đâu” - anh Linh nói. “Vậy ngoài làm CMND, anh còn làm gì nữa không để sau này em dẫn mối cho” - tôi hỏi. “Thì… hộ chiếu nữa” - anh Linh ậm ừ trả lời. Được đà, tôi hỏi tiếp: “Vậy làm hộ chiếu chí phí bao nhiêu?”. “Đã làm đâu mà nói chi phí. Khi nào làm sẽ thông báo giá sau” - anh Linh đáp lại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khi người dân đến làm thủ tục cấp lại, cấp mới CMND tại Phòng PC13 cũng như các quận, huyện đều có cán bộ hướng dẫn cụ thể về thủ tục. Nhưng do thời gian từ ngày làm đến ngày trả kết quả kéo dài nên nhiều người cần gấp, buộc phải nhờ “cò” làm giúp.

Vì sao “cò” làm được?

Sở dĩ thông qua “cò”, mọi chuyện sẽ được xử lý nhanh gọn là do “cò” có mối quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác. Chẳng hạn khi khách hàng nhờ dịch vụ đáo hạn NH làm thủ tục vay vốn với số tiền khoảng 500 triệu đồng từ NH, thấp nhất khách hàng phải trả chi phí cho dịch vụ này không dưới 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền trên đâu phải dịch vụ làm đáo hạn “nuốt” cả. Một lần theo chân anh T.T.L - dịch vụ đáo hạn N.N trên địa bàn quận Thanh Khê đi làm thủ tục vay vốn cho một người bạn, tôi mới thấy mọi việc khi qua dịch vụ đều được giải quyết nhanh gọn. “Trung bình một tháng có bao nhiêu khách hàng đến nhờ anh vay vốn hay đáo hạn NH?” - tôi hỏi. “Tháng nào cao điểm cũng được vài chục khách”. “Thế thì bợ đủ tiền rồi. Vậy nghề này có gặp rủi ro không?”.
 
“Rủi ro thì không nhưng đâu dễ kiếm tiền thế chú em!”. “Vậy một DN muốn vay vốn NH khoảng 1 tỷ đồng nhờ anh làm hồ sơ sẽ hết bao nhiêu chi phí?”. “Tùy từng khách hàng, nhưng giá thấp nhất cũng phải 40 triệu đồng, với điều kiện hồ sơ vay vốn của DN đó vướng mắc “nhẹ nhàng” thôi!”. Anh L. còn cho hay: “Chú tưởng làm một bộ hồ sơ vay vốn 1 tỷ đồng cho khách hàng thì dịch vụ đáo hạn “nuốt” cả 40 triệu đồng hả. Không có đâu, còn phải chung chi nhiều khoản lắm.

Chẳng hạn muốn công chứng - chứng thực giấy tờ, làm giấy phép kinh doanh... được giải quyết nhanh cũng phải chung chi chút ít. Tuy nhiên, những khoản chi trên không đáng kể, khoản chi nặng nhất đối với dịch vụ đáo hạn NH là tiền “lại quả” cho nhân viên của NH phối hợp với dịch vụ đáo hạn NH làm thủ tục hồ sơ vay vốn”. “Vậy giả sử khách hàng muốn vay vốn ở ngân hàng A, trong khi dịch vụ đáo hạn lại không quan hệ với NH này thì phải từ chối khách hàng hả?.
 
“Người vay vốn thì khó quen với NH, chứ làm dịch vụ như tụi anh mà không quan hệ với NH thì đói hả. Tụi anh chỉ từ chối khách hàng có nhu cầu vay vốn ít, hoặc khi khách hàng không chấp nhận mức chi phí dịch vụ đưa ra” - anh T.T.L. nói.

Đã có không ít trường hợp thông qua “cò” giải quyết công việc từ mua nhà, đất; vay vốn NH... và nhiều việc khác đã bị mất tiền oan; thậm chí nhiều trường hợp còn mất tiền một cách vô lý khi qua “cò” làm giùm, trong khi mọi chuyện chính người dân tự làm được. Vậy làm gì để “cò” hết “đất” làm ăn? Câu trả lời xin nhường lại cho các đơn vị, cơ quan..., nơi thường xuyên có “cò” xuất hiện. Nhưng để tránh mất tiền oan, trước hết mọi người nên né “cò”.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.