Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng. |
Thưa Đại sứ, xin Đại sứ bình luận về việc Trung úy Mỹ William L. Calley, sỹ quan Mỹ duy nhất bị kết án sau vụ thảm sát thường dân Việt Nam ở Mỹ Lai năm 1968, lần đầu tiên xin lỗi các nạn nhân và gia đình của họ.
Đại sứ Lê Công Phụng: Sự kiện Mỹ Lai đã cách đây 41 năm. Có thể nói cuộc tàn sát ở Mỹ Lai là một trong những tội ác man rợ nhất mà Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, đất nước và văn hóa Việt Nam trong cả thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng sau sự kiện này đã có một làn sóng mới trong quá trình thức tỉnh nhân loại và dấy lên phong trào chống chiến tranh Việt Nam hết sức mạnh mẽ, buộc Mỹ phải tính đến chuyện rút quân khỏi Việt Nam, chấp nhận thất bại trong cuộc chiến tranh.
Tôi cho rằng phát biểu của ông Calley đúng là có muộn nhưng đây cũng là một việc làm tốt, bởi lẽ đây là những phát biểu của ông ta về sự ăn năn, hối hận, những lời xin lỗi đối với nạn nhân, các gia đình họ và Việt Nam. Và đó không chỉ là suy nghĩ của riêng ông ta. Đây thực sự là suy nghĩ của những đồng đội ông ta đã tham gia cuộc tàn sát, đồng thời cũng phản ánh suy nghĩ của đại bộ phận người dân Mỹ đối với sự kiện này.
Cho nên, tôi nghĩ tuy hơi muộn nhưng cũng rất tốt. Đây là một bước nữa làm cho nhân dân Mỹ, những người có lương tri thức tỉnh hơn, thấy rõ trách nhiệm của mình hơn đối với tội ác mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Và họ sẽ có trách nhiệm hơn với việc phải cùng hợp tác, phối hợp với Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thưa Đại sứ, nhân dịp này, Đại sứ đánh giá như thế nào về những việc phía Mỹ đã và đang làm để cùng Việt Nam giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh?
Đại sứ Lê Công Phụng: Từ sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ và chúng ta đã phối hợp nhiều trên các diễn đàn ở tất cả các cấp về vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, kể cả chính quyền Mỹ, nhân dân Mỹ, các trường học, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đều có sự đóng góp nhất định vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng phải nói rằng Mỹ làm chưa nhiều, chưa đủ.
Với tư cách là nạn nhân của cuộc chiến tranh, ngay sau chiến tranh, chúng ta với tinh thần nhân đạo, tính nhân văn của con người Việt Nam đã giúp Mỹ tìm kiếm những người Mỹ mất tích ở Việt Nam. Về việc này, chính quyền Mỹ, nhân dân Mỹ đánh giá rất cao thiện ý, sự khoan dung của nhân dân Việt Nam và của lãnh đạo Việt Nam.
Về phía Mỹ, họ cũng có làm, cũng đã hợp tác với chúng ta trong việc tìm kiếm những người Việt Nam, nhất là về hồ sơ. Họ cũng đã hỗ trợ chúng ta trong việc xử lý các chất nổ, bom mìn còn sót lại; hỗ trợ chúng ta trong việc tẩy rửa chất độc da cam. Một số tổ chức của Mỹ, trong đó có cả các tổ chức do người Việt đứng đầu, đã giúp chúng ta chữa chạy, giúp đỡ những người tàn tật sau chiến tranh, những người bị dị tật do chất độc da cam. Có tổ chức đã làm với chúng ta cả hai chục năm nay.
Có thể nói dư luận Mỹ rất quan tâm đến việc xử lý hậu quả chiến tranh. Chính quyền Mỹ có quan tâm ở mức độ nhất định. Các tổ chức của Mỹ tìm mọi cách để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là sự hợp tác, hỗ trợ của chính quyền Mỹ đối với việc xử lý hậu quả chiến tranh.
Nhưng như tôi đã nói ban đầu, chính quyền Mỹ có làm, nhưng chưa đủ. Mặt khác, họ còn có sự lẩn tránh, chạy tội với những tội ác, với những hậu quả mà họ đã gây ra. Ví dụ như tòa án Mỹ bác bỏ việc các tổ chức, các chính giới của thế giới cũng như của Việt Nam kiện Mỹ về chất độc da cam.
Tôi cho rằng trong thời gian tới, họ phải làm mạnh hơn nữa. Nhưng ở đây cũng phải hiểu một điều là quan hệ Việt Nam-Mỹ càng được thúc đẩy thì sự hợp tác của hai bên, đặc biệt là sự sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ của chính quyền Mỹ đối với việc xử lý hậu quả chiến tranh càng có những biểu hiện tích cực hơn.
Quốc hội Mỹ đã dành quỹ nhất định cho việc tẩy rửa chất độc. Các bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các tổ chức của Mỹ cũng đã từng bước tính đến việc tăng cường hơn nữa hỗ trợ về vật chất đối với việc xử lý hậu quả chiến tranh.
Nên tôi tin rằng, với phát biểu của ông Calley, cùng với phong trào hiện nay mà nhân dân Mỹ và các tổ chức Mỹ đang vận động, trong thời gian tới chính quyền Mỹ sẽ ý thức được hơn trách nhiệm của họ, không trốn tránh, chạy tội như lâu nay.
Xin Đại sứ cho biết nhận định của mình về quan hệ Việt Nam-Mỹ hiện nay và trong thời gian tới, những vấn đề chính cần giải quyết và thực hiện để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ ngày càng phát triển hơn?
Đại sứ Lê Công Phụng: Quan hệ Việt Nam-Mỹ trong thời gian qua phát triển thuận lợi, nếu không nói là rất thuận lợi. Sự hợp tác giữa hai bên được tăng cường, củng cố trên nhiều lĩnh vực, kể cả về an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học kỹ thuật.
Trong thời gian tới, tôi cho rằng chiều hướng này sẽ tiếp tục phát triển. Chính quyền mới của Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục cùng với Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương. Chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 15 năm bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ vào năm 2010.
Hai bên đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện này. Chúng ta đang thu xếp để tới đây Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Mỹ. Hai bên đang bàn việc Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Mỹ. Phía Mỹ cũng đang chuẩn bị cho một số quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ thăm Việt Nam. Hai nước có rất nhiều vấn đề phải bàn, phải chuẩn bị cho năm sau, chuẩn bị cho đà phát triển quan hệ trong thời gian sắp tới.
Trước hết là thực hiện những thỏa thuận đã ký kết giữa Việt Nam và Mỹ, những thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Mỹ. Thứ hai là phải tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề mà hai bên quan tâm vì lợi ích của mỗi bên, không chỉ là vấn đề kinh tế, chính trị, giáo dục song phương, mà cả những vấn đề như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh khu vực - những vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm.
Đặc biệt, sang năm Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nếu theo dõi, chúng ta sẽ thấy Mỹ đã có những bước chuyển trong việc tăng cường, củng cố quan hệ của mình với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là tổ chức ASEAN và các nước thành viên ASEAN.
Sang năm, khi Việt Nam làm Chủ tịch, thì việc Việt Nam hợp tác với Mỹ để quan hệ giữa Mỹ và ASEAN gắn kết hơn nữa là hết sức cần thiết. Cho nên sắp tới, trong các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao cũng như các cấp, các ngành giữa hai nước, chắc chắn hai bên sẽ tiếp tục bàn phải làm sao để Việt Nam thực hiện tốt chức năng Chủ tịch ASEAN, làm sao Việt Nam cùng với Mỹ thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ giữa Mỹ với ASEAN, cũng như sự gắn kết của Mỹ đối với khu vực.
Và khi Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào sang năm, tôi cho rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Việt Nam tham dự hội nghị và thăm Việt Nam. Nếu Mỹ và ASEAN thỏa thuận được việc gặp gỡ cấp cao thì cũng không loại trừ khả năng Tổng thống Barack Obama đến Hà Nội dự hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN, và cũng không loại trừ khả năng Tổng thống Obama sẽ thăm song phương Việt Nam.
Cho nên, quan hệ Việt Nam-Mỹ hiện nay đã phát triển thuận lợi, cơ sở để thúc đẩy, tăng cường quan hệ đó đã tương đối ổn định. Trong tương lai, chúng ta nhìn thấy được, với chính quyền mới của ông Obama, cùng với quyết tâm của cả hai bên, chắc chắn quan hệ Việt Nam-Mỹ sẽ được cải thiện.
Xin cảm ơn Đại sứ!
(TTXVN/Vietnam+)