.

Lý giải sự nghèo - Kỳ 2: Tiếp cận những “bến không chồng”

.

Vặn vẹo qua vài con hẻm nhỏ, cuối cùng, chúng tôi cũng dừng lại được trước căn nhà của chị Phạm Thị B., tổ 21, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Chưa kịp mừng vì lần ra địa chỉ giữa trưa hè nắng gắt, thì chị cán bộ xóa đói giảm nghèo của phường thả một câu:

        >> Lý giải sự nghèo - Kỳ 1: Vẫn trông chờ “trời sinh cỏ”
 

Rất nhiều phụ nữ đơn thân khó khăn trong việc phát triển kinh tế gia đình. TRONG ẢNH: Nhiều phụ nữ phải tìm kế sinh nhai trong môi trường độc hại ở Bãi rác Khánh Sơn.

“Chị B. đi mua ve chai rồi!” Đang lừng khừng muốn quay xe thoái lui, thì một người đàn ông cạnh nhà xăng xái: “Mấy anh chị vô nhà, để tui đi kêu hắn, chắc loanh quanh đây thôi mà!” Nói rồi, anh thò tay vô túi quần, rút chiếc điện thoại di động ra, điệu nghệ: “Mi ở mô rồi? Ờ ờ, rứa về nhanh lên, có mấy anh chị trên phường lên kiếm tề!”. Ngồi chưa nguội tóc, có một người đàn bà lọc cọc phóng chiếc xe đạp vô dựng bên gốc dừa trước sân, xăng xái tháo nón, gỡ chiếc khẩu trang, chào khách. Một khuôn mặt tròn căng, môi cười, mắt cười lúng liếng mặc cho cái nắng vẫn hầm hập ngoài trời.

Có lẽ, cũng cái cười đó mà đứa con gái út sinh ra và lớn lên trong xóm nghèo Nam Ô những ngày sau giải phóng, đã làm cho những chàng trai mới lớn thèm khát nhưng ái ngại. Lui cui trong xóm lao động nghèo, rồi tình yêu cũng đến, nhưng không chịu bén duyên, mà chỉ đậu trái để rồi sinh ra một đôi con gái khi chị mới vừa bước vào tuổi hai mươi. Không than van, oán trách, chị đặt  hai cái tên thiệt đẹp: Trúc Thanh và Trúc Mai; để hai đứa con lớn lên cũng đẹp rạng ngời như cái tên mẹ đặt.

Lặn lội nuôi con, mỗi chiều, chị chở thùng trứng vịt lộn, cọc cạch đạp xe xuống tận đường Nguyễn Chánh, bán cho đến tận khuya mới về. Nhan sắc của người thiếu phụ một lần sinh con, vừa mới chớm qua tuổi hai mươi, cộng với những ngày tháng vò võ, tình yêu lại kết trái lần lượt vào năm 1998 và năm 2000, thêm cho gia đình một trai, một gái nữa! Bốn đứa con trở thành gánh nặng đè lên vai, lại thêm trứng vịt lộn bán mỗi ngày mỗi ế, không biết do nhan sắc sút giảm hay gặp thời khủng hoảng, mất việc làm, nhiều người đi bán trứng vịt quá.
 
Chị đành chuyển sang thu mua ve chai. Giắt điện thoại di động bên mình, nhưng ngày giỏi lắm đi từ sáng tới chiều cũng chỉ kiếm được 20-30 nghìn. Gặp thời khó khăn lạm phát, với thu nhập đó, gia đình chị “bỗng dưng” trở thành “hộ đặc biệt nghèo”.

“Nói thiệt, thấy cán bộ xuống khảo sát rồi đưa mình vô diện hộ đặc biệt nghèo, cũng dị! Vì trước đây, thấy mình nghèo, phường cũng đã vận động lo xây cho căn nhà tình thương, mắc điện nước, hỗ trợ may quần áo cho mấy đứa nhỏ... Nhưng bây giờ, bốn đứa con còn đi học, ngày giỏi lắm thu nhập chừng nớ. Ăn còn không đủ, huống chi lo quần áo, sách vở cho mấy đứa con. Nên đành cắn răng! Ước chi có cái vai của người đàn ông trong nhà, đỡ đần bớt chút!” - Chị chua chát nói về phận mình.

Không chỉ có chị B. thuộc dạng “bến không chồng” lại ở vào diện “hộ đặc biệt nghèo” của phường Hòa Hiệp Nam này. Theo thống kê, toàn phường Hòa Hiệp Nam có đến 49 hộ trong tổng số 69 hộ đặc biệt nghèo mang chữ lót đặc trưng là “Thị”, chiếm 71%. Ông Phạm Trưng, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội của UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, dường như sự nghiệt ngã luôn bám lấy số phận những người phụ nữ bất hạnh ở đây! Số đông trong những gia đình “không có nóc” ấy, là do người đàn ông trụ cột trong gia đình sớm ra đi vì tai nạn, bệnh tật... như gia đình chị Nguyễn Thị Q. (tổ 11), Lê Thị Mộng X., Nguyễn Thị K. (tổ 12), Nguyễn Thị M. (tổ 14)...
 
Sự ra đi của những người chồng, không những để lại sự hụt hẫng trong lòng những người vợ trẻ về một chỗ dựa vững chắc, mà là một gánh nặng với số đông con. Như chị Q. có 4 đứa con từ 10 tuổi đến 17 tuổi; chị K. 3 đứa con từ 14 đến 21 tuổi; chị X. 3 con từ 14 đến 24 tuổi, chị M. 3 con từ 13 đến 20 tuổi... Những đứa con ấy đều đang ở trong tuổi ăn tuổi học, chẳng biết làm gì để đỡ đần gánh nặng trên vai những người mẹ trẻ đang thiếu chồng, thiếu cả công ăn việc làm.
 
Vì thế, điệp khúc “đông người phụ thuộc, thiếu lao động” đã trở đi trở lại trong phần nguyên nhân nghèo của bản kê khai của toàn phường. “Như thế thì hỏi sao không nghèo đặc biệt được!” - Ông Phạm Trưng than thở.

Nhưng có lẽ, tỷ lệ 71% số hộ đặc biệt nghèo ở phường Hòa Hiệp Nam vẫn còn là con số thấp so với một địa phương khác cũng trong quận Liên Chiểu là phường Hòa Minh - nơi được xem là cái “rốn nghèo” của thành phố trong thời gian gần đây. Trong số 24 hộ đặc biệt nghèo của phường này, có đến 18 chủ hộ là nữ, chiếm 75%.

Giải thích nguyên do của cái “rốn nghèo” cũng như tỷ lệ chủ hộ “phụ nữ” cao như vậy, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết, cứ hễ nơi nào của thành phố giảm nghèo là y như rằng tỷ lệ hộ nghèo ở Hòa Minh lại tăng lên; do những hộ khó khăn từ các địa phương khác đến theo chủ trương di dời giải tỏa, chỉnh trang đô thị; mới đây là sự xuất hiện của những căn hộ liền kề dành cho phụ nữ đơn thân.

Trong số 24 hộ đặc biệt nghèo của toàn phường, thì có đến 15 hộ ở chung cư và nhà liền kề. “Thế nhưng, đó là do chỉ tiêu về số lượng hộ đặc biệt nghèo do quận giao xuống, chứ nếu để bình xét một cách thẳng băng theo tiêu chí của thành phố, thì số hộ đặc biệt nghèo của Hòa Minh không thấp hơn các phường khác được, do chênh lệch thu nhập, hoàn cảnh giữa các hộ là không lớn. Bên cạnh đó, nhiều hộ phụ nữ đơn thân ở nhà liền kề, hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn chưa được đưa vào diện đặc biệt nghèo do còn vướng một số thủ tục khác!” - bà Đặng Thị Xuân Lan, người có thâm niên chuyên trách xóa đói giảm nghèo của phường Hòa Minh bày tỏ thêm.

Không nằm ở địa bàn có tỷ lệ “bến không chồng” cao như ở quận Liên Chiểu (65,4%), huyện Hòa Vang chỉ có 55,4% số hộ gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có chủ hộ là nữ. Nhưng theo cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH huyện, thì có một “kỷ lục” thật buồn là hộ gia đình ở thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn có đến 9 người con. “Kỷ lục” được xác lập bởi người phụ nữ Trần Thị L. mới chỉ sinh năm 1964 này không có chồng nhưng trong 15 năm, chị đã sàn sàn sinh ra 9 đứa con; đứa đầu tiên ra đời năm chị đã 28 tuổi và đứa thứ 9 vừa mới tròn 2 tuổi!

“Không thể chấp nhận, nhưng đành chấp nhận!” - Anh cán bộ này than thở; bởi anh biết, không đưa vào diện hộ đặc biệt nghèo thì không biết bao giờ hộ này mới ra khỏi cuộc sống khốn khổ với đàn con nheo nhóc như hiện nay.

Phóng sự của Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.