.

Lý giải sự nghèo - Kỳ 3: Những lối thoát...

.

Trở lại ngôi nhà của anh Đặng Văn H. ở phường An Hải Tây - gia đình lập “kỷ lục” với 17 nhân khẩu trong diện hộ đặc biệt nghèo, chị Nguyễn Thị Cúc, cán bộ xóa đói giảm nghèo của phường cho biết: Lúc đầu, đoàn khảo sát quyết định không đưa gia đình này vào hộ đặc biệt nghèo, bởi toàn là sức dài vai rộng hết, đang trong độ tuổi lao động, chỉ có một người bị bệnh tâm thần đã được hưởng chế độ.

Những đối tượng cứu tế, bảo trợ thường xuyên cần có chính sách mới trong chương trình mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo”. TRONG ẢNH: Chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.

Thế nhưng, suy đi tính lại, bàn mãi, chúng tôi đã quyết định đưa gia đình này vào diện đặc biệt nghèo; bởi cái họ cần không phải là vốn vay giải quyết việc làm nữa, mà chính là những căn hộ chung cư. Với gia đình này, chỉ cần cấp cho họ vài ba căn hộ chung cư là mọi chuyện ổn thỏa hết!

Lý giải cho chuyện này, ông H. cũng thật thà tâm sự: Nếu nói mấy đứa con không làm thì cũng tội, vì cả ba cặp vợ chồng chúng nó đều cong lưng ra làm, chẳng có đứa mô ngồi không hết, nhưng việc lúc có lúc không. Làm được đồng mô, chúng đều góp gạo với cả nhà thổi cơm chung. Rứa là chẳng đứa mô vươn lên, bứt ra được khỏi căn nhà ni hết!

Trong khi đã không có đồng tiền dành dụm, gia đình ông còn mắc nợ tiền đất Nhà nước 33 chỉ vàng từ năm 1997; tiền đền bù chỉ đủ để xây căn nhà rộng 53m2 cho cả gia đình, gói ghém từ đó đến giờ. “Tiền làm ra không đủ ăn với trả nợ, nói chi đến chuyện làm nhà cho chúng ở riêng. Mấy đứa sau chắc cũng như ri thôi” - Ông H. trăn trở. Chị Cúc ví von: Nhà ni bây giờ giống như mấy con cua trong giỏ; con mô bò lên được trên miệng thì con khác cũng kéo xuống thôi. Chỉ có cách tách ra thì con nào giỏi mới bò đi xa được!

Còn với chị Phạm Thị B., ở tổ 21, phường Hòa Hiệp Nam, thì vấn đề với chị không còn là chuyện nhà cửa, con cái học hành nữa, mà chính là một công việc với thu nhập ổn định để chị có thể xoay xở trong cuộc sống. “Sức mình còn dư, có thể tính toán làm ăn được, nhưng kẹt cái là thiếu vốn nên cứ luẩn quẩn miết với ba cái ve chai, mấy hột vịt lộn... Có tiền thì mới tính ra đường được!” - Chị than thở, rồi ước chi được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng để buôn bán nhỏ, kéo mấy đứa con vô hỗ trợ để nâng thu nhập gia đình lên.

Theo bà Trần Thị Hồng Vân, Trưởng phòng XĐGN-BTXH (Sở LĐ-TB-XH thành phố), thì qua khảo sát ban đầu ở 938 hộ đặc biệt nghèo của thành phố về nhu cầu vượt qua khó khăn, 49 hộ có nhu cầu về nhà ở chung cư, 74 hộ có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, 41 hộ muốn vay vốn để mở rộng sản xuất, 72 hộ gia đình cần giúp học nghề và giải quyết việc làm, 10 hộ yêu cầu hỗ trợ phương tiện sản xuất... Bên cạnh đó, trong số 938 hộ, có đến 55,7% số hộ gia đình có người trong diện bảo trợ xã hội đang cần được giúp đỡ.

Trước những thách thức đặt ra trong vấn đề giải quyết hộ đặc biệt nghèo, nhất là những hộ đã nằm trong diện nghèo nhiều năm trước, đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố cho biết: Chúng tôi phải khảo sát thật kỹ nhu cầu của từng hộ và từ đó phân loại các nhóm đối tượng để có giải pháp phù hợp.

Với số đông những hộ gia đình có người nằm trong diện bảo trợ xã hội, chúng tôi đề xuất nâng mức hỗ trợ để bù vào mức cứu tế, hỗ trợ... của Nhà nước và thành phố mà họ hiện hưởng, dự kiến lên bằng với mức chuẩn nghèo mới của thành phố (500 nghìn đồng/người/tháng đối với đô thị và 400 nghìn đồng/người/tháng đối với nông thôn-NV). Mức hỗ trợ này dự kiến sẽ ngốn của ngân sách từ 32 tỷ đồng hiện nay lên khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm.
 
Đồng thời, từ đó sẽ đưa những người này ra khỏi diện đặc biệt nghèo. Với những hộ có lao động, nhưng không nuôi sống nổi cả gia đình, gặp khó khăn về vốn, chúng tôi sẽ có giải pháp vận động các hội, đoàn thể... tại địa phương hướng dẫn biện pháp làm ăn. Đồng thời, ngành Lao động-Thương binh-Xã hội sẽ tính toán thu gọn 294 tỷ đồng dành cho người nghèo thành phố hiện nay, với phương án rút vốn đến hạn những hộ đã thoát nghèo bền vững, để nâng mức cho vay lên bình quân 10 triệu đồng để các hộ đặc biệt nghèo đầu tư làm ăn. “Chúng tôi sẽ tập trung “giải quyết” cả hai đầu:
 
Hỗ trợ đối tượng cận thoát nghèo để họ thoát nghèo nhanh và bền vững; với đầu dưới cùng là hộ đặc biệt nghèo thì vừa hỗ trợ, vừa cho vay vốn để vượt lên, tạo nền tảng để đi tiếp ra khỏi diện đặc biệt nghèo, sau đó thoát nghèo” -Ông An bày tỏ.

Để làm được điều này, ông Nguyễn Văn An cũng mong muốn các ngành liên quan như: Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính... cần tích cực hơn trong việc huy động, phân bổ nguồn lực tài chính một cách kịp thời, khoa học để tạo điều kiện kích thích cho các hộ nghèo và đặc biệt nghèo làm ăn, vươn lên. Bên cạnh đó, ngành sẽ có giải pháp ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo ở cơ sở để có khả năng bám sát tình hình của mỗi hộ nhằm có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy kịp thời, đúng lúc và đúng đối tượng.
 
“Chúng tôi sẽ kiên quyết đề nghị loại bỏ các đối tượng có sức lao động nhưng chây ỳ, ỷ lại, không chịu lao động ra khỏi diện nghèo; đồng thời có những ràng buộc đối với những hộ gia đình đặc biệt nghèo hoặc diện nghèo nhưng sinh con thứ ba trở lên để họ có trách nhiệm hơn với gia đình cũng như xã hội” - Ông Nguyễn Văn An đưa ra những khuyến cáo đối với các hộ chây lười và sinh đông con.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của các ngành chức năng cũng như cơ sở, cần sơ kết rút kinh nghiệm và nâng tầm của Công văn 949/CV-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc hỗ trợ giải quyết hộ đặc biệt nghèo, tình trạng học sinh bỏ học và thiếu niên vi phạm pháp luật lên một cấp, tạo hiệu quả rộng lớn trong toàn xã hội và nâng cao trách nhiệm của các ngành, hội, đoàn thể... các cấp.

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để góp phần thực hiện một cách cơ bản cả hai mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo” và “Không có học sinh bỏ học” vừa được đổi mới trong chương trình “5 không” của thành phố.

Phóng sự của Nguyễn Thành

(*) Vì lý do tế nhị, chúng tôi không nêu tên thật một số nhân vật trong bài viết này.



;
.
.
.
.
.