.

Nghĩa tình người lính

.

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tuyến biên giới biển dài 89 km, gồm 17 phường ven biển của thành phố. Những năm qua, nhờ chính sách đổi mới của Đảng và những chủ trương đúng đắn của thành phố nên đời sống nhân dân vùng biển có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng từng bước được chỉnh trang, xứng đáng với vị thế của thành phố đô thị loại 1.
 

Quân y BĐBP khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con phường Hòa Hiệp Bắc.

Bên cạnh đó cũng còn không ít hộ gia đình kinh tế khó khăn, một số trẻ em ở các làng chài còn thất học. Nhiều gia đình không có phương tiện để đánh bắt xa bờ, người dân tìm kế sinh nhai bằng cách khai thác tôm, cá ven bờ, biển động lên núi kiếm củi, đốt than; ở nhà  tạm, đến mùa mưa bão phải sơ tán, tìm chỗ nương thân.

Trước tình hình đó, BĐBP thành phố đã bàn bạc thống nhất trong toàn lực lượng tìm biện pháp nâng cao dần đời sống kinh tế, văn hóa cho bà con nơi đây. Được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền  các cấp, các đơn vị BĐBP đã mở đợt vận động quyên góp rộng rãi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ mỗi người một ngày lương và đã được mọi người đồng tình ủng hộ.

Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, chỉ trong một thời gian ngắn phát động, số tiền quyên góp được hơn 30 triệu đồng để mua sách vở, giấy bút tặng các em học sinh nghèo, số còn lại dùng để hỗ trợ cho một số gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Bên cạnh đó, cán bộ Quân y các đơn vị đã đến từng địa bàn khó khăn để khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch và giúp nhau làm kinh tế.

Nhiều gia đình trước đây thuộc diện nghèo đói nay đời sống kinh tế đã tạm ổn định. BĐBP còn xác định, muốn xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cho bà con thì việc làm đầu tiên là phải xóa mù chữ. Vì vậy, các lớp học tình thương, lớp học chống tái mù chữ do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các đồn Biên phòng tổ chức dần được hình thành ngay trên các địa bàn biên phòng với những “thầy giáo quân hàm xanh” đứng lớp.
 
Lúc đầu còn gặp rất nhiều khó khăn, anh chị em đã đi vận động từng em học sinh đến lớp, vận động quyên góp từng quyển sách, tập vở để tặng cho các em. Rồi phải mày mò tự soạn giáo án, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, phương pháp giảng dạy của các giáo viên chuyên nghiệp để truyền đạt kiến thức cho các em. Ngoài dạy chữ, những thầy giáo “quân hàm xanh” còn dạy các em về đạo đức làm người, bồi dưỡng cho các em cái hay, cái đẹp của cuộc sống, biết yêu quý cha mẹ, anh em, quê hương, làng xóm.

Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố còn vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa  nhằm góp phần bù đắp những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại đối với anh em thương, bệnh binh, những người có công với cách mạng ở các vùng biên phòng trên địa bàn thành phố; nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Diết, quê Điện Bàn - Quảng Nam, có chồng và 3 con là liệt sĩ.

Ngoài ra, BĐBP còn tổ chức phong trào tặng sổ tiết kiệm, đi tìm địa chỉ đỏ, giúp các gia đình chính sách, sửa chữa nhà cửa, thu hoạch mùa màng với hàng nghìn ngày công lao động. Nhiệm vụ thầm lặng của những người lính Biên phòng đã hòa đồng vào với dân, tạo nên điểm tựa vững bền trong người dân vùng biển.
  
Bài và ảnh: BÁ VĨNH

;
.
.
.
.
.