Trong guồng quay của cơ chế thị trường, nông dân trẻ (NDT) ở vùng nông thôn Đà Nẵng đua nhau đi tìm việc làm ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... và ngay tại nội thành Đà Nẵng. Họ để lại ruộng vườn cho cha mẹ, vợ con canh tác và chấp nhận cuộc sống tha phương kiếm việc và có tiền...
Hễ tìm được việc là đi
Trên cánh đồng chuyên canh dưa hấu ở Thạch Nham Tây (Hòa Nhơn) hầu như chỉ có những nông dân luống tuổi. |
|
Đa số NDT ly hương làm nghề thợ nề. Anh nào chưa biết nghề thì phụ hồ, sau một vài năm là thành thợ chính. Anh Trần Văn Lanh (Thạch Nham Đông, Hòa Nhơn) có 5 sào ruộng nhưng quanh năm giao phó cho vợ con canh tác để theo chân chủ thầu, xây dựng hết công trình này đến công trình khác. Chị Hòa, vợ anh, vừa nuôi con dại vừa “vật lộn” với công việc đồng áng. Mặc dù vậy, chị vẫn tươi cười, khoe rằng: Nhờ ảnh đi làm xa, kinh tế gia đình mới bảo đảm. Lúc bí, mình thuê người làm, tiền một ngày làm của ảnh kêu được hai công đấy!
Anh Phạm Xê (Nam Sơn, Hòa Tiến) bao năm tất bật cấy cày, nhưng cũng không khá lên được. Một ngày có người “dẫn mối”, anh đã vào TP. Hồ Chí Minh theo nghề thợ xây. Anh chăm chỉ lao động, chắt chiu dành dụm, đều đặn gửi tiền về cho vợ con và đã xây được nhà cửa khang trang. Anh Nguyễn Đức Tá (La Bông, Hòa Tiến) thì ngược lên Tây Nguyên và cũng theo đuổi nghiệp thợ nề, lâu lâu mới về nhà một lần.
Chị Nguyễn Thị Vân, vợ anh, hôm sớm nhọc nhằn với nửa mẫu ruộng và cả đàn heo. Chị xởi lởi bộc bạch: Có chồng ở nhà, các công việc nặng nhọc ảnh làm hết, mình chỉ làm những việc nhẹ; bây giờ ảnh đi làm xa thì việc nặng việc nhẹ mình đều cáng đáng tất, nhưng có như thế thì đời sống gia đình mới khá lên.
Cũng ở thôn La Bông, ông Trương Nỗi đã hơn 80 tuổi, hàng ngày vẫn phải đi làm đồng, bởi người con trai của ông-anh Trương Mãi-mấy năm nay cứ bám theo các nhà thầu ở nội thành Đà Nẵng. Anh Mãi cùng một tốp NDT nơi đây hằng ngày đi phụ hồ ở các công trình xây dựng, trưa ăn cơm quán, nghỉ ở vỉa hè, sẩm tối mới về đến nhà, tuy thu nhập không cao nhưng cũng có đồng ra đồng vào.
NDT tìm được việc làm trong các công ty, xí nghiệp.TRONG ẢNH: Tại một phân xưởng của Công ty May Tuấn Tài ở xã Hòa Châu. |
|
Qua tìm hiểu cho thấy, NDT ly nông diễn ra theo 2 dạng: vừa ly nông vừa ly hương và ly nông mà không ly hương. Ở dạng thứ nhất, họ đi các tỉnh khác làm ăn, cả năm mới về một lần. Khi họ về, thấy gia đình rộn rã sửa nhà, mua ti-vi, xe máy là chứng tỏ trong năm qua họ làm ăn thắng lợi, còn nếu vẫn im ắng là biết ngay người đi xa làm ăn thất bại.
Những NDT ly nông nhưng không ly hương chủ yếu là đi làm thợ nề, phụ hồ, hoặc làm công cho các cơ sở sản xuất-kinh doanh ở nội thành Đà Nẵng theo kiểu sáng đi chiều về. Kiểu ly nông này vẫn tranh thủ được thời gian để làm công việc đồng áng. Khi đến mùa vụ, họ có thể thu xếp công việc để phụ giúp gia đình.
Anh Ngô Văn Lâu-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu cho biết: Trên địa bàn xã có gần chục dự án quy hoạch-giải tỏa, nhưng cả nơi giải tỏa và nơi không giải tỏa, NDT vẫn đua nhau thoát ly nông nghiệp. Sinh ra từ ruộng lúa, vườn rau nhưng thửa vườn đám ruộng không giữ chân họ được. Hễ tìm được việc là họ đi. Trên đồng ruộng ngày càng thưa vắng dần những thanh niên trẻ khỏe, thay vào đó là người già và phụ nữ.
Đất lành chim đậu
Những người già ở quê... |
Ở vùng lúa Hòa Châu-Hòa Phước (Hòa Vang), cứ đến mùa thu hoạch là nhiều tốp thanh niên người Thanh Hóa đến liên hệ nhà dân xin ở nhờ để đi làm thuê. Nhà anh Lâu, bà Năng, bà Thanh (Hòa Châu)..., mỗi nhà thường xuyên có gần chục thanh niên ở nhờ. Tại nhà anh Lâu, chúng tôi gặp anh Giới và anh Đại vừa đi làm cho một gia đình bên cạnh về.
Cầm mũ quạt mồ hôi, anh Giới bộc bạch: Chúng em bắt đầu vào làm ở Đà Nẵng từ năm 2001, hồi ấy công mỗi ngày chỉ được 25.000 đồng, còn bây giờ mỗi ngày chúng em được trả năm, bảy chục nghìn đồng. Đối với người nông dân ở quê em, một ngày làm được chừng ấy tiền là rất quý!
Những năm qua, NDT ở các tỉnh phía Bắc vào Đà Nẵng kiếm việc làm ngày càng nhiều. Biết mình không có chuyên môn nghiệp vụ, họ không tìm đến các công ty, xí nghiệp hoặc các khu vực nội thành, bởi ở đó họ không có cơ hội tìm được việc mà chi phí ăn uống lại đắt. Hơn nữa, ở nội thành họ khó lòng tìm được chỗ ở nhờ.
Chính vì vậy, nơi lý tưởng mà họ chọn là vùng lúa Hòa Châu-Hòa Phước-Hòa Tiến (Hòa Vang) hoặc các địa bàn tương tự. Hễ tạo được mối quan hệ tốt với chủ nhà là họ điện về quê rủ thêm anh em, bà con cùng vào làm. Những nông dân này rất cần cù, siêng năng, làm cho ai cũng dốc hết sức, ở nhờ nhà nào là gặt lúa giúp cho nhà ấy, chủ nhà có trả tiền cũng không nhận. Họ sống thật thà, chất phác, chi tiêu hết sức tiết kiệm, dành dụm chắt chiu từng đồng để gửi về giúp gia đình.
Hồi mới vào Đà Nẵng, các nông dân ly hương làm cho gia chủ theo hình thức tính tiền ngày công, nhưng gần đây hai bên thường thanh toán theo kiểu khoán gọn. Cụ thể như trong việc thu hoạch lúa được tính tiền từng “công đoạn”: ôm dồn lúa sau khi đã cắt, mỗi sào 30.000 đồng; đứng máy tuốt lúa, mỗi sào 15.000 đồng; vác lúa bao từ đồng về nhà, tùy theo khoảng cách xa gần, mỗi bao từ 2-5 nghìn đồng...
Một cán bộ UBND xã Hòa Phước nhận xét, NDT ở các tỉnh phía Bắc vào đây lao động rất giỏi, dù cày đất, ban ruộng hay đánh trối tre, bửa củi, chở đá..., họ làm tất tật, không nề hà bất cứ việc gì, mà giá tiền công cũng chỉ dao động từ 50-80 nghìn đồng. Ông Phan Thứ-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong cho biết, trong xã có hàng trăm NDT ở phía Bắc đến làm ăn nhưng họ chưa làm gì ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
NDT các nơi đến làng đá Non Nước học nghề làm đồ đá mỹ nghệ. |
|
Anh Đức cũng người Thanh Hóa đang ở nhờ trong nhà bà Bảy tại xóm Đông (Hòa Châu) nói: Em vào đây làm ăn đã được mấy năm, đời sống gia đình ở quê cũng đã khá lên nhiều nhờ những đồng tiền mà em gửi về hằng tháng.
Ở đây có rất nhiều công việc, vào mùa thu hoạch em đi làm cho bà con nông dân, khi gặt hái xong em lại đi phụ hồ cho các công trình xây dựng. Hiện em làm việc tại khu chung cư phía nam cầu Cẩm Lệ. Siêng năng và tằn tiện, chúng em đứa nào cũng dành được mỗi tháng một vài triệu gửi về giúp gia đình. Em rất biết ơn những người dân Đà Nẵng đã hết lòng giúp đỡ chúng em.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM