.

Ngột ngạt hẻm nhỏ

.

Ngột ngạt, đó là cảm giác của những người sống trong những con hẻm nhỏ. Sống trong những con hẻm nhỏ ấy, vô số bất tiện đã làm cho chất lượng cuộc sống kém đi khi thiếu ánh sáng mặt trời và một bầu không khí trong lành, nhưng lại thừa những va chạm khó tránh khỏi, mà chính họ là nạn nhân lẫn nhau.

Hẻm 44 Nguyễn Văn Linh đã trở thành một chiếc “ống” dài thiếu ánh sáng và khí trời.

Con hẻm 586 Ông Ích Khiêm có thể nói là một “hình mẫu” tiêu biểu như thế. Bắt đầu từ đường Ông Ích Khiêm trước số nhà 586, với bề rộng chỗ lớn nhất chưa đến 2 mét, còn nơi hẹp nhất chỉ hơn một mét, cứ thế “rồng rắn” nối vào chợ Mả Vôi, rồi rẽ vào hẻm 44 của đường Nguyễn Văn Linh, còn một nhánh khác chạy dài đến bàu Vĩnh Trung-Thạc Gián. Zích zắc như thế nhưng con hẻm này lại ken kín nhà dân, với vô số đường xương cá đấu nối vào hẻm.

Chính vì mật độ lưu thông luôn trong tình trạng quá tải, nên cũng không lạ khi con hẻm này thường xuyên có tiếng còi xe của những người nóng ruột muốn thoát ra khỏi hẻm. Chật chội là vậy nhưng chỉ vài chục mét là một lều quán “mọc” lên lấn gần hết lối đi. Thế nhưng cũng còn chỗ mà cựa quậy, không như những hàng xóm cách đó vài chục mét là hẻm 44 của đường Nguyễn Văn Linh, theo những người dân sống tại đây cho biết:

“Không khí còn không có để mà thở, lấy đâu để làm ăn”. Hẻm chỉ rộng khoảng 1,2 mét, còn phía trên đã bị bịt kín bởi những nhà ở đường Nguyễn Văn Linh lấn ra khoảng 0,6m và những nhà trong hẻm này cũng lấn ra khoảng chừng đó nữa. Vì vậy, con hẻm này giống như một cái ống dài, dù là ban ngày nhưng lúc nào cũng tối thui, trong nhà lúc nào cũng phải bật đèn.

Nói về sự bất tiện khi phải sống trong những con hẻm nhỏ, ông Đặng Đình Quảng, từng có 20 năm làm tổ trưởng tổ 5 phường Tân Chính cho biết: “Tôi đã có gần 50 năm sống ở con hẻm 236 này, nên tôi thuộc từng ngõ ngách nơi đây. Khoảng gần 20 năm trở lại đây, việc xây dựng cơi nới trái phép gần như đã chấm dứt, vì chính quyền địa phương giám sát chặt.

Nhưng đã quá muộn. Nhiều con hẻm đã bị lấn chiếm, co thắt lại khiến lối đi chỉ còn lọt một chiếc xe máy”. Ông kể, đường quá hẹp như vậy nên lắm lúc hai người chạy xe máy ngược chiều nhau đã cãi vã vì không ai chịu nhường ai. Tuy nhiên, điều làm ông lo lắng nhất chính là với con hẻm quá zích zắc này, lỡ có xảy ra hỏa hoạn thì không biết làm sao để xe cứu hỏa vào.

Bên cạnh nỗi lo “bà hỏa ghé nhà” thì những người dân sống trong con hẻm 131 Lý Thái Tổ còn có chuyện phiền phức khác. Đó là suốt ngày phải chỉ đường cho người đi lạc vào hẻm. Vì là hẻm cụt, nên nhiều người chạy xe vô đến khi hết đường phải đứng lại hỏi đường. Đặc biệt, những nhà có con nhỏ thì rất sợ cảnh phải chỉ đường cho người đi lạc này, vì tiếng xe máy nổ, đèn pha chiếu vào nhà khiến trẻ con đang ngủ cứ giật mình khóc.

Đặc biệt, người dân rất sợ những bếp than tổ ong từ những quán ăn trong hẻm. Bà H.T.N sống tại kiệt 12 Hoàng Diệu cho biết, do bệnh tim nên mỗi khi hít phải mùi than tổ ong cháy, người hồi hộp khó thở. Nhưng cũng phải ráng chịu vì đó là kế sinh nhai của hàng xóm, và chính con bà cũng sống bằng nghề bán bún trong một con hẻm trên đường Trần Cao Vân. Trong khi đó, ông N.Đ.T sống trong con hẻm 108 đường Điện Biên Phủ thì có nỗi khổ khác:

Cuối hẻm 586 Ông Ích Khiêm là chợ Mả Vôi, việc đi lại rất khó khăn.

 

Trước đây, khu vực này gần bến xe nên nhà nào cũng mở thêm nhà trọ. Nay mặc dù bến xe chuyển đi nhưng cho thuê phòng trọ vẫn tồn tại. Khách đến đây đi xe máy, nhiều lúc 1, 2 giờ sáng họ ầm ầm đến thuê phòng, vài tiếng đồng hồ sau lại ầm ầm đi. “Mỗi lần như thế, lại giật mình, mất ngủ, nhưng biết sao được, đó là kế sinh nhai của hàng xóm”, ông phân trần.

Hàng trăm mối bất tiện và cảnh chịu đựng lẫn nhau như vậy đang diễn ra suốt bao nhiêu năm nay. Biết vậy nhưng rất khó để thay đổi, vì đa số người dân sống trong những con hẻm nhỏ này có thu nhập thấp và không ổn định. Còn việc chờ thành phố chỉnh trang đô thị, mở rộng hẻm như một vài nơi đang làm thì chưa biết bao giờ!

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.