.
NHÂN NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM (10-8)

Mẹ - mênh mông biển trời

.

Người mẹ già 71 tuổi hai tay bồng bế hai đứa con, lẽ ra đã phải cho bà đàn cháu ngoan. Hai con của mẹ, người 35 tuổi, người 32 tuổi, mãi không chịu lớn khôn lên.

71 tuổi, mẹ Thê vẫn chưa dám rời con nửa bước.

Khác với cuộc sống đầy bụi khói của xe cộ và cảnh bán buôn ra vào trước mặt nhà, sau hàng rào lưới, nhà mẹ Hoàng Thị Thê (tổ 16, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) như một góc hang tối om, lắng tai thật kỹ cũng khó nhận ra tiếng động từ ngôi nhà này. Người hàng xóm bảo: “Cứ xô cửa vào đi. Bà ở tít phía dưới lau rửa buổi sáng cho hai đứa nhỏ”. Quanh khu vực này, ai cũng rành rẽ hoạt động trong ngôi nhà có một bà lão và hai đứa con nhiễm chất độc da cam.

Mỗi ngày con lại càng bé bỏng

Nhà mẹ Thê khá rộng cho 3 người ở, nhưng mọi sinh hoạt dường như cụm lại trong một góc bếp. Đó là nơi nấu ăn, tắm giặt và là chỗ đặt hai chiếc giường cho ba mẹ con.

Phía giường ngoài, người con út Trần Thị Ty Nga (32 tuổi) ngồi buồn, khẽ gật đầu khi nhìn thấy người lạ. Giường bên cạnh, người anh cả Trần Đức Nghĩa (35 tuổi) cơ thể co quắp, liên tục nghiến răng kin kít. Mẹ Thê, tóc đã bạc, đôi bàn tay nhăn nheo ở tuổi 71 nhưng là người mạnh khỏe nhất để lo toan mọi việc trong ngôi nhà này.

Tất cả sinh hoạt của Nghĩa và Nga do người mẹ già vun vén. Mẹ Thê bảo: “Hồi mấy đứa còn ẵm ngửa, ngó mà dễ chăm sóc hơn. Chừ làm chi cũng cần có thêm người phụ. Chén cơm đút tới nửa tiếng chưa xong. Tay bác trật gân miết vì đỡ hai đứa nặng quá”. Bà Thê đã có lần thuê người giúp việc, nhưng được vài tháng thì không thuê nữa vì không còn tiền trả công.

Nhờ người em họ không chồng (68 tuổi) thi thoảng sang đỡ đần chuyện cơm nước, bà Thê có thêm đôi chút thời gian ngồi canh “hiệu lệnh” của con. Ngày hai cử, Nga phải uống thuốc an thần, nếu không sẽ khó ngủ hoặc đập phá đồ đạc. Nghĩa thì không cần uống thuốc, nhưng khi đòi hỏi bất cứ điều gì chỉ biết ré lên. Mỗi lần Nghĩa ré, bà Thê ào tới làm đủ kiểu cho đến khi con vừa lòng. “Gãi đầu, không xong. Ngoáy tai, không xong. Gãi lưng, Nghĩa yên. Vậy là đúng yêu cầu rồi”, mẹ Thê nói.

Khổ nhất có lẽ là chuyện con đi đại tiện. Nghĩa không tự bài tiết, nên cứ 2 tháng/lần, mẹ Thê cho em uống thuốc xổ ruột. Người mẹ già kê sẵn cái thau bên giường ngồi canh con lên cơn đau quặn. Có khi đến ngày hôm sau, Nghĩa mới đi được và đi liên tục trong vài ngày.

Bác sĩ đầu hàng, còn mẹ thì không!

Chào đời, Trần Đức Nghĩa xinh xắn, thông minh như bao đứa trẻ bình thường. Nghĩa học đến lớp 6 thì đột nhiên phát bệnh. Thầy cô lo một học trò sáng dạ phải nghỉ học ngồi nhà, nên thay nhau đưa đón em đến lớp. Cho đến ngày Nghĩa không gượng được nữa. Em ốm liên tục, cơ thể suy nhược. Bà Thê bán vàng lấy tiền đưa con chạy chữa khắp các bệnh viện nhi trong Nam, ngoài Bắc.

Hết tiền, bệnh cũng chẳng hết. Bác sĩ thành thật khuyên bà nên để dành tiền bồi bổ cho con, bởi bệnh của Nghĩa không có thuốc nào chữa được. Bà cho Nghĩa về lại Đà Nẵng chữa bằng phương pháp châm cứu. Càng châm, chân Nghĩa càng teo lại. Đến lúc này, bà mới nghe lời bác sĩ cho con về sống chung với bệnh tật. Xoa đôi bàn chân cong veo, so le của Nghĩa, mẹ Thê cho biết: “Cơ thể cháu cứ rút dần. Nhiều năm nay chỉ nằm một chỗ. Lưỡi cũng thụt luôn”.

Trần Thị Ty Nga lớn lên trong sự kỳ vọng lớn lao của vợ chồng bà Thê, ông Rạm. Tốt nghiệp cấp 2, Nga vẫn là cô bé học khá và là học sinh duy nhất của xóm đậu vào lớp 10 trường công lập. Chiếc áo dài thời học sinh của cô bé Nga còn được mẹ cất kín trong rương như một kỷ vật. Rồi một ngày, thầy hiệu trưởng phát hiện em bước đi mệt nhọc, khác cái vẻ nhanh nhảu của đám học trò cùng lứa.

Một lần nữa, bà Thê đưa con chạy chữa khắp nơi. Có số tiền 139 triệu đồng do di dời giải tỏa, bà vét sạch đưa Nga vào viện. Vị bác sĩ nhân từ lặng im cầm hồ sơ bệnh lý cuộn tròn nhét vào áo khoác của bà. Bà Thê chết điếng. Linh cảm cho bà biết, Nga cũng nhiễm chất độc giống Nghĩa.

Trước tình cảnh hai đứa cháu bỗng dưng lăn ra vặn vẹo, bại liệt, trí não đần độn dần, họ hàng nội ngoại của vợ chồng bà hốt hoảng bán bò, bán trâu làm lễ cúng, tu sửa mồ mả, xây dựng nhà thờ, với hy vọng cầu xin ơn trên xá tội nếu gia đình vô ý làm điều gì khiến ông bà phật ý. Bà Thê kể: “Giờ họ hàng vẫn còn kêu, tại nhà bà mà cả họ nghèo”.

Để chồng ở nhà chăm sóc con trai, bà Thê cắp nách đưa Nga đến các chùa ở tận miền Tây xin thuốc. Hai mẹ con nằm vật vờ ngoài nắng mấy ngày trời đợi tới lượt. Ông Rạm vẫn tin, biết đâu nhờ phước chủ may thầy, Nga sẽ khỏi bệnh. Nhưng vừa trông thấy con gái tiều tụy hơn cả lúc đi, ông Rạm quỵ ngã và mất sau đó không lâu. Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhưng có lẽ, cuộc chiến để giành sự sống cho con với ông Rạm mới thực sự khốc liệt.

20 năm, mẹ thức cùng trăng

Ai đó đã nói rằng: Có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ. Nhưng với những ai chưa từng trải qua cơn đau thắt để tạo nên một sinh linh, cũng đều có thể bị lay động bởi sự tròn đầy của trái tim người mẹ. Mẹ Thê nhẩm tính 20 năm rồi bà không đi đâu xa. Ra chợ mua ít thịt cá cũng không dám đi quá ba chục phút. Lỡ ai đó tình cờ gặp hỏi “Ai như bà Thê rứa hè?”, bà cũng giả lơ đi luôn, sợ câu chuyện bên đường làm mất nhiều thời giờ.

Trên chiếc giường của Nghĩa, bà Thê nằm bên cạnh hằng đêm trở lưng cho con. Vài phút trở người một lần, nên hình như đã 20 năm, bà chưa biết giấc ngủ dài. “Thức đêm hoài, sợ nhìn ra cửa sổ mịt mù nên bác khóa kín cửa lại”, bà Thê nói.

Bà có sở thích ngồi thiền từ nhiều năm nay. Mỗi ngày bà dành 60 phút, sau rút còn 30 phút thở trong tĩnh lặng. Nhưng gần đây, sức khỏe Nghĩa và Nga giảm sút, hay đòi hỏi, la ré nên bà thiền mà tâm vẫn nơm nớp lo sợ chừng chừng.

Bà Thê cũng đã dò hỏi xem có trung tâm nào nhận nuôi giúp Nghĩa và Nga khi tuổi bà ngày một già thêm, nhưng không nơi nào dám nhận. Bởi nuôi hai em phải cần hai người 24 giờ/ngày kề cận không rời.

Đôi lúc yếu lòng, mẹ Thê chạnh nghĩ buông xuôi tất cả. Nhưng sau phút giây ấy, bà thấy mình tàn nhẫn với hai đứa con dại khờ nên cố gắng như bao nhiêu năm vẫn thế. “Rủi mai này bác già yếu thì ai chăm sóc Nghĩa và Nga?”. Mẹ Thê cắt ngang câu hỏi của tôi: “Thôi đừng hỏi câu nớ, cô ơi!”. Không thể nói thêm lời nào trước lúc tạm biệt, chỉ biết cúi đầu trước một Người Mẹ.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.