.

Nước sạch đô thị?

.

Không cứ gì ở nông thôn mà ngay tại đô thị, nơi mật độ dân cư đông đúc vẫn còn khá nhiều khu vực chưa có nước sạch đúng tiêu chuẩn. Một bộ phận cư dân phải dùng nước ngầm tại chỗ cho sinh hoạt hằng ngày.

Những dãy nhà ở khu vực Trung Nghĩa phường Hòa Minh (Liên Chiểu) sát mương nước thải bị ô nhiễm, vẫn phải dùng nước ngầm tại chỗ cho đời sống hằng ngày.

Theo số liệu từ Công ty Cấp nước Đà Nẵng, hiện ở 3 quận nội thành có 96.037 hộ với 379.502 người, chiếm 77,7% dân số được dùng nước sạch đã qua xử lý, trong đó địa phương có tỷ lệ người dùng nước sạch nhiều nhất là quận Hải Châu 86,1%, tiếp đến là Thanh Khê 81,5%, Sơn Trà 58,9%. Địa phương có số người dùng nước sạch ít nhất trong các quận là Ngũ Hành Sơn 32,2%, Cẩm Lệ 37,6%, Liên Chiểu 45,3%. Ở huyện Hòa Vang, đến nay chỉ có 2.703 hộ, chiếm tỷ lệ 9,4% dân số được dùng nước sạch.

Tại những khu vực chưa có hệ thống cấp nước thủy cục, người dân bất đắc dĩ phải dùng nước ngầm tại chỗ, để hạn chế ô nhiễm, họ đóng giếng cách xa công trình vệ sinh và xây bể lắng lọc. Có hộ đi xa chở nước sạch từ nơi khác về, hộ khá giả thì dùng nước đóng bình để đun nấu. Ở các tổ 1-2 phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), nước thải từ KCN Hòa Khánh một dạo tràn qua, ngấm xuống lòng đất, người dân bơm lên dùng, từ đó tỷ lệ người nhiễm bệnh tăng đột biến.

Công luận từng phản ánh tình trạng khan hiếm nước sạch tại đây, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Hơn 500 hộ dân khu vực Trung Nghĩa, phường Hòa Minh có nhà ở sát các mương nước thải quanh năm nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối và cách khu xử lý nước thải của thành phố không xa. Thế nhưng 100% hộ dân ở khu vực này phải dùng nước ngầm tại chỗ do hệ thống nước sạch chưa được lắp đặt. Nhà chị Nguyễn Thị Kim Liên, ở tổ 1, chỉ cách mương nước thải chừng chục mét.
 
Chị phàn nàn: “Kiến nghị trên đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ lâu mà chẳng được quan tâm. Không dùng nước giếng biết dùng nước gì bây giờ. Ở đây, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm do mương nước thải, dùng lâu ngày nhất định sẽ bị bệnh”.

Trong các phường, Hòa Hiệp Bắc có số hộ dùng nước sạch thấp nhất, chỉ 120 người của 47 hộ trên tổng số 13.838 nhân khẩu toàn phường, chiếm tỷ lệ 0,9%. Tiếp theo đó là phường Hòa Hiệp Nam cũng chỉ có 14,3% số hộ. Khu vực dân cư đông đúc như phường Hòa An (Cẩm Lệ) cũng chỉ có 18,6% trong số gần 14 nghìn nhân khẩu dùng nước sạch. Hay như ở Phước Mỹ (Sơn Trà), nơi quá trình chỉnh trang đô thị diễn ra đã nhiều năm nay, thế nhưng cũng chỉ có 19,8% hộ dân có nước sạch... Điều này cho thấy, nhiều khu vực ở đô thị nước sạch khan hiếm khá trầm trọng.

Trao đổi về thực trạng cấp nước sạch đô thị nêu trên, ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho rằng: Nhiều năm qua, thành phố đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho khu vực đô thị. Hàng chục công trình đã đưa vào sử dụng. Hiện công suất cấp nước đạt 130 nghìn m3/ngày đêm.

So với các thành phố khác, tỷ lệ dân dùng nước sạch như hiện nay là cao. Tuy vậy, với 77,7% dân số khu vực nội thị dùng nước sạch, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Hiện công ty đang trình HĐND thành phố phê duyệt một số dự án đầu tư và sẽ xúc tiến trong thời gian tới, sớm đưa nước về cho các khu dân cư chưa có nước sạch.

Hy vọng, thời gian không xa, ở Đà Nẵng không còn khu dân cư đô thị phải dùng nước ngầm tại chỗ cho sinh hoạt.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.