.

Nứt nhà dân do thi công cao ốc

.

Kể từ khi triển khai thi công công trình Trung tâm Tài chính Dầu khí (TTTCDK) tại Đà Nẵng (lô A2.1+300, đường 30 tháng 4), cuộc sống của hơn chục hộ dân ở sát cạnh công trình thuộc tổ 24, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu không chỉ ngày đêm mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn lớn, rung, bùn cát chảy đầy, mất vệ sinh môi trường mà còn nơm nớp lo sợ khi thấy nhà mới xây đã có hiện tượng lún và nứt tường, trần nhà… do ảnh hưởng của việc khoan đóng cọc nhồi, thi công móng và 2 tầng hầm của công trình.

Quá khổ vì thi công cao ốc

Việc khoan đóng cọc nhồi, thi công phần móng và tầng hầm của công trình cao ốc gây sụt lún, nứt nhà dân lân cận.

Công trình TTTCDK tại Đà Nẵng do Tổng Công ty TCDK Việt Nam (PVFC) làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 5-11-2008 và xây dựng trên khu đất có diện tích 1.257m2 với quy mô 15 tầng cao và 2 tầng hầm; dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 22 tháng thi công. Kể từ tháng 3-2009, khi đơn vị thi công công trình là Công ty Xây lắp Dầu khí miền Trung (PVC-MT) tiến hành giai đoạn khoan cọc nhồi và tường vây thì cuộc sống của các hộ dân tổ 24, phường Hòa Cường Bắc ở xung quanh công trình bị đảo lộn.

“Ngày cũng như đêm, nhiều người dân mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn quá lớn, độ rung mạnh. Đơn vị thi công hút bùn lên cho chảy tràn lan ra ngoài, bùn đất lấp đầy các hố ga, cống rãnh, vỉa hè, mặt đường… rất nhớp nhúa và bốc mùi hôi rất khó chịu!”  bà Phạm Thị Lộc ở lô 279 bức xúc phản ánh. Chưa hết, ngày 23-6, hộ ông Trịnh Văn Nam tá hỏa khi phát hiện ra tường, dầm, trần nhà mình có nhiều vết nứt. Tiếp đó, 9 hộ dân khác cùng ở sau lưng công trình cũng phát hiện nhiều vết nứt không chỉ trên tường, mà cả trần nhà, dầm và trụ.

Ông Lê Sáu ở lô 281 vừa bấm đèn pin chỉ cho chúng tôi những vết nứt dọc tường, trần nhà, dầm, trụ của cả 3 tầng nhà, vừa bức xúc phản ánh: “Phải vay mượn tiền của bà con, họ hàng để xây căn nhà này, thiết kế xây dựng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp giấy phép xây dựng, mới chỉ vào ở được hơn 1 năm, nhưng nay toàn bộ cả 3 tầng nhà đều bị nứt hết.

Trận mưa lớn hôm trước, nước mưa thấm xuống khắp nơi rồi chảy thành dòng y như nhà tôn bị dột vậy. Cũng do bên công trình, người ta khoan và đóng cọc nhồi quá sâu, những hơn 150 mét trong lòng đất, rồi việc hút bùn để làm móng và đào đất làm 2 tầng hầm, luôn rung mạnh do khoan đóng cọc nhồi và việc phá bê-tông, khiến 10 nhà dân ở cùng dãy này bị sụt lún và nứt!”.

Sớm giám định, khắc phục và bồi thường thiệt hại

Ông Đoàn Thiên Khoát - Phó Tổng Giám đốc PVC-MT, đơn vị thi công công trình cho biết: “Công trình đã được chủ đầu tư ký hợp đồng mua bảo hiểm với Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam cho đối tượng thứ 3 trong quá trình thi công. Trước khi thi công phần khoan cọc nhồi và tường vây cho tầng hầm, ngày 21-11-2008, đơn vị thi công đã kết hợp với BQL xây dựng, Tư vấn quản lý dự án và UBND phường Hòa Cường Bắc tiến hành lập biên bản xác định hiện trạng nhà ở của các hộ dân gần kề công trình, được các bên thống nhất và chụp ảnh lưu giữ từng nhà, tổng cộng 10 hộ được lập biên bản.

Trong quá trình tiến hành thi công giai đoạn đại trà khoan đóng cọc nhồi và tường vây (từ tháng 3-2009), đơn vị thi công luôn cử cán bộ giám sát và lập các điểm quan trắc biến dạng cho các công trình lân cận; cũng đã hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị hút bùn đất ở hố ga, cống rãnh vỉa hè và vệ sinh mặt đường; thời gian thi công sau ngày 5-8 không còn phá bê-tông nữa, sẽ giảm thiểu tiếng ồn…
 
Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân về hiện tượng nứt nhà, đơn vị thi công đã cùng với BQL dự án, Tư vấn quản lý dự án, đơn vị bảo hiểm công trình và đơn vị giám định độc lập cùng kiểm tra, tiến hành lập biên bản giám định hiện trường cho từng nhà và được các hộ dân thống nhất, tổng cộng có 10 hộ được lập biên bản giai đoạn 1. Ngày 4-8-2009, thông qua UBND phường Hòa Cường Bắc, đơn vị thi công, các đơn vị liên quan và các hộ dân đã tiến hành họp bàn phương án và thời gian xử lý cho việc xác định đền bù”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, người dân tiếp tục khiếu kiện vì không đồng ý với cách giải quyết của đơn vị thi công và các bên liên quan. Tại cuộc họp giữa các bên liên quan và 10 hộ dân được tiến hành vào sáng 15-8 tại trụ sở UBND phường Hòa Cường Bắc, ông Nguyễn Lê Xuân Vinh - đại diện đơn vị Tư vấn quản lý dự án giải thích:

“Biện pháp thi công phần móng và tầng hầm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tường chống sạt lở được đổ bê-tông dày 60cm và sâu hơn 20 mét; việc thu bùn và đào đất chỉ nằm trong khu vực thi công chứ không hút phạm vào bùn đất dưới móng nhà dân như phản ánh. Cuộc họp ngày 4-8 đã xác định thời điểm sau ngày 15-10-2009 tiến hành giám định lần 2 là vì dự kiến lúc này công trình đã xong việc thi công phần móng và 2 tầng hầm, việc ảnh hưởng đối với các công trình lân cận đã được giảm thiểu.

Do yêu cầu của các hộ dân là giám định, xác định đền bù thiệt hại ngay, nên đơn vị giám định độc lập cần tiến hành giám định ngay trong vòng 1 tuần, sau đó các bên liên quan xác định giá trị đền bù thiệt hại giai đoạn 1. Nếu sau này tiếp tục ảnh hưởng thì tiếp tục giám định và xác định giá trị đền bù giai đoạn 2 và cả quá trình về sau khi công trình đã được đưa vào sử dụng”.
 
Cuộc họp cũng đã thống nhất: “Từ nay đến cuối tháng 8-2009, thực hiện giám định cho 10 nhà dân và hoàn thành việc xác định giá trị đền bù đối với căn nhà của ông Lê Sáu. Đến 20-9-2009 phải hoàn thành việc xác định đền bù cho 9 hộ dân còn lại”. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng đã hứa là sẽ có trách nhiệm vệ sinh, dọn vét bùn đất, sơn lại tường cho nhà dân do bùn bôi bẩn…

Theo chúng tôi, thời gian tới, đơn vị thi công cùng các bên liên quan và người dân cần hợp tác thiện chí, tránh để vụ việc rơi vào chiều hướng căng thẳng, khó giải quyết. Đơn vị thi công cũng cần thường xuyên dọn vệ sinh; giảm thiểu tiếng ồn, nhất là giữa trưa và đêm khuya…, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.