.

Ông "Thần tài" bán vé số

.

(ĐNĐT) - Thoáng thấy ông "Thần tài" dạo bước trên đường Phan Châu Trinh, một ngân hàng thương mại đã mời ông vào thắp nén nhang để mong kinh doanh phát đạt. Ở một ngã tư bên chợ Cồn, gặp lại ông "Thần tài", người đàn ông chủ quán nước ven đường mời ông vào, tặng ông một món tiền nho nhỏ để cảm ơn 3 tờ vé số ông bán hôm ngày 5-8 đã trúng giải tám.

Niềm tin vào may mắn

"Thần tài vé số" Trương Minh Tấn trên đường phố Đà Nẵng.
"Thần tài" đến TP Đà Nẵng từ ngày 1-8 sau gần nửa năm dạo bước ở Nha Trang, Quy Nhơn. Ngày 3-8 ông xuất hành, từ đó đến nay, vé của ông đã 2 lần trúng giải tám. “Những người mua vé số trúng hay không là do công ty xổ số quyết định chớ không phải tui bán ra là trúng nha. Con người ai cũng thích sự lạc quan, họ mua vé số có nghĩa là đang hy vọng một điều gì tốt đẹp hơn, nên tui đóng vai "Thần tài" đi bán vé số để cho người ta có thêm niềm tin thôi”, "Thần tài" nói.

"Thần tài" tên thật là Trương Minh Tấn (SN 1954 tại xã Thuận Lợi, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước). Tuổi thơ cơ hàn và cuộc sống chật vật của cả gia đình và của cả 3 anh em ông trên bước đường mưu sinh đã khiến ông luôn tâm niệm có một sự may mắn nào đó đang chờ đợi mình ở phía trước mà mình phải luôn tồn tại để đón nhận nó.

Sau 1975, 2 người em của ông làm công nhân, còn ông đi bộ đội. Năm 1982 ông xuất ngũ và đi học trung cấp sư phạm rồi được điều chuyển về Đồng Nơ, vùng cao tỉnh Bình Phước giáp biên giới Campuchia dạy học. Mười năm gắn bó với học sinh đồng bào thiểu số với biết bao kỷ niệm. Trường chỉ là mái tranh vách đất, thầy giáo 27 tuổi, nặng 58 kg, còn học trò thì chỉ thua thầy vài ba tuổi, bởi hơn 90% đồng bào dân tộc mù chữ. Sau 10 năm dạy học ở đây, trải qua hàng chục cơn sốt rét rừng liên miên, người thầy giáo vùng cao chỉ còn 45 kg. Lúc đó, phong trào vận động giáo viên lên vùng cao tại TP.Hồ Chí Minh được nhân rộng, đội ngũ giáo viên nhà trường được bổ sung, ông Tấn đang làm Phó Hiệu trưởng đã yên tâm cáo bệnh về sinh sống tại TP.HCM.

Hai năm sau đó, ông ở nhà phụ vợ mở quán cơm. “Mình là đàn ông mà suốt ngày quanh quẩn bên vợ cũng chán, tôi mới nghĩ mình phải kiếm việc gì làm cho có ích”, ông nói. Một buổi trưa tháng 3-1996, sau khi dọn dẹp hàng quán xong xuôi, ông Tấn ngồi trầm tư ở một quán nước ven đường thì có một người đàn ông đến mời mua vé số. “Ông bán vé số mỗi ngày được mấy trăm tờ?”, ông Tấn hỏi. “Làm gì có mấy trăm tờ ông, vé số 2.000 đồng/tờ, hoa hồng là 250đ/tờ, nhưng bán ra cũng có chừng vài chục tờ thôi vì nhiều người bán lắm”. Nghe vậy ông Tấn nhẩm tính, tiền hoa hồng bán 10 tờ mới ăn được 1 dĩa cơm trị giá 2.500đ, ít ỏi quá.

Rồi người bán vé số cũng đi, để lại cho ông Tấn một suy nghĩ miên man: “Ai cũng mong muốn đổi đời, ai cũng khao khát được may mắn thì vé số phải tiêu thụ mạnh, nhưng mình bán làm sao để họ mua vé số của mình nhiều hơn người khác?”

Chợt ông nhớ về ngân hàng Tín Nghĩa Thần Tài ở Sài Gòn trước 1975 dùng hình tượng ông Thần Tài để tạo cho khách hàng niềm tin may mắn. Từ đó ông nghĩ ra việc hóa trang thành ông "Thần tài" bán vé số, mưu sinh cho chính mình và mang lại may mắn cho người đời. 

"Thần tài vé số xuyên Việt"

Mang lại niềm hy vọng cho mọi người và mưu sinh cho chính mình.
Mượn hình ảnh các ông Phúc, Lộc, Thọ, ông mày mò vẽ lại mẫu và đặt thợ cắt may trang phục "Thần tài". 5 giờ 30 phút sáng hằng ngày, ông thức dậy, tùy tiết trời mà chọn một trong năm bộ trang phục của mình. Người ta gọi ông là "Thần tài vé số... xuyên Việt", bởi bước chân của ông đã rong ruổi mọi miền nước.

Ông có phương châm bán vé số là không mời mọc người mua, mà chỉ dùng những lời chúc của mình để mang lại niềm vui cho khách. “Đối với những cửa hiệu, tiệm buôn, lời chúc mua may bán đắt, thuận mua vừa bán của tôi sẽ mang lại sự phấn khởi, vui vẻ cho chủ tiệm và khách hàng vào thời điểm khởi đầu một ngày mưu sinh”.

Theo chân ông xuống phố, có người gọi ông và than vãn sao mua hoài mà không trúng. Ông nhẹ nhàng nói : “Trúng hay không là do cái phước mỗi người, cô chú cứ lạc quan đi rồi niềm vui sẽ đến bất ngờ”. Theo ông Tấn, mình nên an ủi và động viên người ta vài câu như vậy sẽ giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Đại lý vé số Trung Hậu trên đường Trường Chinh cho biết, người bình thường bán vé số khoảng 100 vé/ngày, hoa hồng 50 ngàn đồng. Còn đối với ông Tấn, tiền gối đầu của ông 2 triệu, ông được nhận 500 vé/ngày và hầu như ngày nào cũng bán sạch.

Một lần trên đường Lê Lợi, tôi nghe câu chuyện của ông với một người mua vé số. “Nếu lỡ trúng số thì biết gặp "Thần tài" ở đâu để hậu tạ ông?” Ông Tấn nói: “Tui đi khắp mọi miền đất nước, nếu như không gặp tui, anh có thể mua trái cây cúng Thần tài trong nhà, vì đó cũng là tui mà”. "Thần tài" Trương Minh Tấn nói cười rồi bước đi, tiếp tục hành trình gieo may mắn cho đời và mưu sinh cho chính bản thân cùng gia đình mình.

Lục Ngạn

;
.
.
.
.
.