.
PHIÊN HỌP THỨ 22 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XII

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của hai dự án Luật Cơ yếu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề lớn của hai dự án Luật Cơ yếu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

* Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ?

Cho ý kiến về vấn đề có nên đặt Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ hay thuộc Chính phủ hoặc thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho phù hợp với tính chất hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, một số đại biểu nhất trí với ý kiến đề xuất của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh là Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu. Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ , giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với hoạt động cơ yếu trong phạm vi cả nước. Có ý kiến cho rằng nên đặt Ban Cơ yếu ở Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng sẽ phù hợp với tính chất hoạt động là “cơ mật, đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia”...

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận bày tỏ băn khoăn nếu thuộc vào Bộ Nội vụ để Bộ trưởng có trách nhiệm quản lý về công việc, thực tế Bộ Nội vụ không thể quản lý công việc như bổ nhiệm, tăng lương… Thẩm quyền này là do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu cho phù hợp với thực tế. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị không nên để Ban cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Chính phủ, bởi sẽ gây khó khăn khi Luật đi vào thực tế đời sống.

Về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật, vì hiện nay người làm công tác cơ yếu ngoài lực lượng vũ trang đang được hưởng chế độ, chính sách như Quân đội, Công an. Quy định như dự thảo Luật đảm bảo sự công bằng trong đãi ngộ, có tác dụng động viên, khích lệ người làm công tác cơ yếu yên tâm phục vụ trong lĩnh vực đặc thù này.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ đối tượng được hưởng chế độ, tránh chung chung. Bởi trên thực tế nhiều ngành khác như Quân đội, Ngoại giao… cũng có lực lượng cơ yếu, vậy đối tượng này có hưởng hay không?

* Nhất trí tên gọi là Luật khám bệnh, chữa bệnh

Cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ đã nhất trí giữ nguyên tên gọi của Luật là Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân về công tác khám bệnh, chữa bệnh, góp phần chấn chỉnh tình trạng quá tải của các bệnh viện, y đức xuống cấp của một số cán bộ y tế hay như sự phân biệt đối xử trong khám chữa bệnh…

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đề cao vấn đề y đức để đưa vào trong Luật, như vậy sẽ đảm bảo được vấn đề cốt lõi của chất lượng dịch vụ y tế và nhân dân sẽ được hưởng lợi. Việc đưa vấn đề y đức vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sao cho ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm soát…

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.