(ĐNĐT) - Sau khi công bố bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại 3 cấp, thành phố Đà Nẵng tiếp tục bước vào giai đoạn tiếp theo của Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (Đề án 30). Giai đoạn này sẽ thực hiện khâu trọng điểm là rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính theo các tiêu chí về tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của chúng thông qua quá trình áp dụng vào thực tế.
Người dân có thể tham gia
Sự phản hồi từ phía người dân đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu tinh giảm 30% TTHC. Ảnh: Ngô Đồng |
Ông Huy cũng nói thêm: “Nếu chỉ cần một người dân bỏ qua hoặc chấp nhận làm việc với một TTHC “dư thừa”, cũng có nghĩa là họ đã thêm phần trăm cho sự tồn tại của thủ tục ấy”.
Tuy nhiên, để có được những phản hồi hiệu quả từ phía người dân, thì cái cần nhất vẫn là sự chuyên nghiệp trong cách làm việc, hướng dẫn và cái tâm của người cán bộ. Bởi không phải ai cũng có thể hiểu tường tận về nội dung, phạm vi áp dụng cũng như các tiêu chí kèm theo của mỗi TTHC, do đó, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cần giải thích rõ ràng, cụ thể trước những thắc mắc của người dân, đó là cách tốt nhất để kênh thông tin phản hồi luôn đi đúng hướng, tránh tình trạng nhiều người chỉ biết quan tâm đến lợi ích riêng của bản thân, mà không nhìn nhận theo cái chung, cái khách quan.
Ông Phạm Tấn Thanh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, cho biết, để người dân có thể tham gia trực tiếp vào quá trình cải cách TTHC công, mỗi khi có nghị định, quy chế, văn bản mới được ban hành, cán bộ của phường đều chọn lọc ra những điều khoản phù hợp với từng đối tượng cụ thể, sau đó in để gởi đến từng nhà. Tuy nhiên, ông Thanh cũng nhận định, hiệu quả của các việc làm này không cao, bởi với kiểu tuyên truyền ngang như hiện nay, người dân sẽ rất khó nắm bắt hàng loạt TTHC, để giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước, cũng như đưa ra được những đề xuất hợp lý. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, kĩ năng tuyên truyền của cán bộ xã phường còn hạn chế cũng đang là một trở ngại lớn trong việc công khai hóa các TTHC theo những cách đơn giản và gần gũi nhất, phù hợp với tình hình của từng địa phương.
Còn nhiều thủ tục chồng chéo, bất hợp lý
Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương, sau khi kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30, phải đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC. Ông Nguyễn Ngọc Huy cho biết, việc đơn giản hóa sẽ đa dạng, có thể bỏ hẳn quy định về một TTHC, nhưng cũng có thể giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp. Trong những năm qua, với việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, hầu hết những TTHC ở các cấp quận, huyện, xã, phường tại thành phố Đà Nẵng đều đã được công khai, minh bạch hóa, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết các đầu công việc.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường Tân Chính, quận Thanh Khê, dựa trên kết quả khảo sát của phường, có thể thấy hầu hết người dân đều tỏ thái độ hài lòng với các dịch vụ hành chính công, trên các lĩnh vực thông thường như đăng ký hộ tịch, kết hôn, khai sinh, khai tử... Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huy, hiện nay, trong một số lĩnh vực, các TTHC còn nhiều chồng chéo, bất hợp lý, nhưng chủ yếu đều là những thủ tục do Chính phủ ban hành, do vậy, sau giai đoạn rà soát, cần nhất là các kiến nghị, đề xuất của cơ quan các cấp tại địa phương, nhằm bổ sung, nâng cao tính thực tế của Đề án, có vậy mới có thể đạt được mục tiêu tinh giảm 30% thủ tục sau giai đoạn rà soát.
Những TTHC còn “rườm rà” mà ông Huy đề cập chủ yếu tập trung ở các lính vực giải tỏa, đền bù đất đai, xét chế độ trợ cấp cho các đối tượng chính sách, thuế…Cũng theo thông tin từ Sở Nội vụ thành phố, có hơn 75% khiếu kiện của người dân tập trung trên lĩnh vưc đất đai, nhà cửa, giải tỏa đến bù, cho thấy các TTHC trên lĩnh vực này còn chưa thống nhất, rõ ràng.
Ông Phạm Tấn Thanh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê cho biết, tại phường, có rất nhiều trường hợp tranh chấp đất đai, chứng nhận đền bù mà người dân không lưu giữ đủ giấy tờ nên rất khó giải quyết, nếu làm theo đúng quy định thì nhiều người dân chịu thiệt thòi, do vậy, những quy định, thủ tục trên lĩnh vực nhà cửa, đất đai vừa thừa lại vừa thiếu, nếu có thể thì cần tập trung tinh giảm ở mảng này, đồng thời bổ sung thêm những quy định mang tính thực tế hơn.
Trên lĩnh vực thuế, ông Lê Bá Tiến, Phó trưởng Phòng Tổng hợp Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, việc đẩy mạnh cải cách TTHC thuế sẽ giúp cơ quan Nhà nước thu thuế được nhiều đối tượng hơn, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế của doanh nghiệp và nhũng nhiễu của cơ quan chức năng. Các giải pháp mà ngành thuế tập trung thực hiện trong giai đoạn này là nghiên cứu các thông lệ tốt nhất của quốc tế để đưa ra các thủ tục về số lần khai thuế nộp thuế, cũng như là mẫu biểu báo cáo thuế để đảm bảo phù hợp với sổ sách kế toán của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cục Thuế Đà Nẵng đang thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ về những thủ tục, chính sách thuế hiện hành, và sẽ thực hiện tổng kết vào đầu tháng 9-2009.
Nhận định về mục tiêu tinh giảm 30% TTHC do Chính phủ giao, ông Huy khẳng định: “Nếu chúng ta biết tập trung vào những vấn đề then chốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và các cơ quan, sở, ngành, thì mục tiêu này có thể đạt được, tuy nhiên đó không thể là việc một sớm, một chiều”.
Ngô Đồng