.
Rút kinh nghiệm tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND thành phố

Đại biểu nào cũng bình đẳng như nhau

.

(ĐNĐT) - Các thành phần có liên quan phải bình đẳng với mọi đại biểu HĐND thành phố khi dự tiếp xúc cử tri (TXCT) và phải trả lời ngay những vấn đề cử tri bức xúc. Đại biểu không báo cáo lại diễn biến kỳ họp mà dành thời gian nghe cử tri nói. Không còn HĐND huyện, quận, phường, “cánh tay” của HĐND thành phố cần vươn dài đến cơ sở để lắng nghe nguyện vọng của cử tri.

Đó là những vấn đề trọng tâm của buổi họp rút kinh nghiệm về công tác phối hợp tổ chức TXCT của đại biểu HĐND thành phố do Thường trực HĐND và Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức ngày 21-8.

Nơi có vấn đề bức xúc phải có người trả lời

TXCT ở nơi nào có bức xúc, các cơ quan có trách nhiệm phải tham dự và trả lời ngay. Trong ảnh: Cử tri phường Thạc Gián, quận Thanh Khê phát biểu ý kiến trong một buổi TXCT.

Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề thành phần tham dự buổi TXCT , đáng quan tâm nhất là đại diện UBND thành phố, các sở, ngành và Ban quản lý dự án đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư. Thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều vấn đề nảy sinh khi thực hiện nên đây là nội dung được cử tri quan tâm nhiều nhất. Có những vấn đề cử tri bức xúc cần phải được đại diện ngành có trách nhiệm giải trình, giải thích ngay tại buổi TXCT.

Đại biểu Ngô Văn Dũng (tổ đại biểu quận Hải Châu) nêu một sự “chưa bình đẳng” giữa các đại biểu HĐND thành phố: Khi đại biểu là lãnh đạo cấp cao của thành phố TXCT thì các cơ quan, sở, ngành cử đại diện đi theo đầy đủ, thậm chí là dư. Báo, đài đưa tin cũng rầm rộ. Ngược lại, đại biểu có chức vụ thấp hơn hoặc không có chức vụ đi TXCT thì... “trụi lủi”. Mà không phải đại biểu nào cũng có chức vụ, có thẩm quyền nắm hết những vấn đề cử tri nêu để trả lời ngay. Đại biểu mà cứ nghe rồi hứa sẽ ghi nhận để kiến nghị cơ quan có trách nhiệm thì cử tri không thỏa mãn, đặc biệt là những vấn đề cử tri đang bức xúc.

Ông Mai Văn Trà, Phó Chủ tịch MTTQ quận Ngũ Hành Sơn, nói: Mặt trận quận mời đại diện các ban quản lý dự án rất khó vì họ cũng “coi mặt đặt tên” đại biểu mới đi. Nếu đại biểu không phải là lãnh đạo thành phố thì họ không đi. Những vấn đề mắc mứu, bức xúc không được trả lời ngay tại buổi TXCT thì lần sau dân sẽ không đến nữa.

Ý kiến của đại diện Ủy ban MTTQ một số quận phản ánh: Một số đại biểu HĐND thành phố không tham dự đầy đủ các buổi TXCT, cá biệt có đại biểu xuất hiện tư tưởng “chợ chiều”, không dự kỳ họp thứ 14 của HĐND thành phố và bỏ cả TXCT. Đại biểu nên nói ngắn gọn trong TXCT, dành thời gian nghe và trao đổi lại với cử tri. Không cần thiết báo cáo lại diễn biến kỳ họp HĐND vì đã được báo chí tường thuật rồi. Về phía Mặt trận các quận, huyện, khi tổng hợp ý kiến cử tri cần phân loại vấn đề thuộc địa phương mình và vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố để đại biểu tiện giám sát việc trả lời ý kiến cử tri.

Mở “Văn phòng đại diện” tại quận, huyện

Đại biểu Bùi Văn Tiếng: Mở VPĐD tại quận, huyện để đại biểu HĐND thành phố gần dân hơn.

Nhiều ý kiến yêu cầu hoạt động của đại biểu HĐND thành phố cần sâu sát cơ sở hơn. Thực tế sau 4 tháng thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, HĐND thành phố không còn tiếp nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri theo kênh riêng truyền thống như trước đây. Đại biểu Bùi Văn Tiếng (tổ đại biểu quận Thanh Khê) đề xuất Thường trực HĐND thành phố nên lập “Văn phòng đại diện” (VPĐD) của HĐND thành phố tại mỗi quận, huyện.

Tại đây, bố trí một chuyên viên chuyên ngành luật làm việc thường xuyên và có nhiệm vụ tiếp nhận kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri, giúp tổ đại biểu làm công tác dân nguyện, thu thập thông tin, giám sát việc thực hiện kiến nghị của HĐND thành phố có liên quan đến địa phương. Có VPĐD, đại biểu gần dân hơn, nắm thông tin nhanh hơn. Đại biểu Tiếng cho rằng: “Chúng ta đã giảm được 1.358 đại biểu HĐND huyện, quận, phường, tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn. Nay bố trí 7 chuyên viên cho VPĐD của HĐND thành phố tại các quận, huyện thì không tốn kém bao nhiêu”.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Dương Thành Thị (tổ đại biểu quận Liên Chiểu) đề xuất sử dụng phòng làm việc của Thường trực HĐND quận, huyện trước đây bố trí cho chuyên viên của Văn phòng HĐND thành phố. Một số ý kiến bổ sung: Tổ đại biểu HĐND thành phố tại quận, huyện cần phân công thành viên trong tổ đến làm việc tại VPĐD mỗi tuần từ 1-3 buổi tiếp công dân. Đây là bước chuẩn bị cho tương lai sau năm 2011 và khi thành phố thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, lúc đó sẽ có đại biểu HĐND thành phố chuyên trách làm việc ở quận, huyện.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa khẳng định sẽ khắc phục biểu hiện “chưa bình đẳng” trong việc mời các thành phần tham dự TXCT. Thường trực HĐND và Thường trực Ủy ban MTTQ sẽ mời đại diện các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm dự TXCT để trả lời, giải trình ngay những vấn đề cử tri bức xúc mà không đợi tới kỳ TXCT tiếp theo mới trả lời.

Thường trực HĐND thành phố sẽ xem xét việc bố trí chuyên viên của Văn phòng HĐND thành phố về làm việc tại quận, huyện. Đây cũng là một cách làm hay cần đưa vào nội dung rút kinh nghiệm khi kết thúc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Bài và ảnh: Sơn Trung

;
.
.
.
.
.