27 năm qua, bước chân của ông như đôi hài vạn dặm hết ngược lên biên giới lại xuống đồng bằng, tất tả lo liên hệ với thân nhân liệt sĩ đưa đồng đội của mình về yên nghỉ nơi quê nhà. Theo lời ông nói, cứ mỗi khi “gặp” được một đồng đội cũ ở hẻm núi hay triền sông là y như mình trẻ lại một tuổi thì nay ông đã trẻ hơn 100 tuổi khi đã tìm kiếm, quy tập hơn 100 hài cốt liệt sĩ. Ông là Trần Thanh Bình, ở tổ dân cư số 1 - thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong.
Bản đồ “sống”...
Ông Bình (người thứ 2 từ trái sang) cùng với vợ và hai người con của liệt sĩ Đỗ Xuân Tiền tại khe đá hồ Đồng Nghệ. |
Từ đây, ông đã trải qua nhiều vị trí như Trưởng ban Trinh sát Trung đoàn 31, Trung đoàn 141, Đại đội trưởng Đại đội 2 Hòa Vang, Đại đội Đặc công ở cánh trung Mặt trận 4, v.v... Đơn vị ông tham gia nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn vào lúc bấy giờ như trận đánh 3 ngày, 2 đêm chiếm đình Bồ Bản (Hòa Phong), tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ, diệt gọn tiểu đội biệt kích ngụy trên hồ Đồng Nghệ (Hòa Khương)... Và cũng chính trong những trận đánh này, ông đã bao lần lặng lẽ tiễn biệt các đồng chí, đồng đội của mình để tiếp tục vững tay súng trong các trận đánh ác liệt về sau.
Hòa bình lập lại, với khả năng sử dụng thành thạo máy định vị, “đọc” được bản đồ quân sự (UMT) cũng như biết rõ vị trí các trận đánh do đơn vị thực hiện nên ông Bình lặn lội về lại các chiến trường xưa để tìm dấu tích đồng đội. “Tôi không biết sao mình lại thoát hiểm qua nhiều trận đánh như thế. Mà đã còn sống thì phải có trách nhiệm tìm ra các anh để đưa về quê hương cho ấm lòng người đã khuất. Quặn thắt lòng khi nhớ lại nhiều đồng đội còn rất trẻ, khi ngã xuống vẫn chưa về thăm quê một lần.
Và hiện nay các anh vẫn còn “nương tựa” đâu đó trên dãy Trường Sơn bạt ngàn...” - ông Bình trầm ngâm. Cũng chính trăn trở này đã thôi thúc ông thu xếp chuyện nhà, nhiều lần cơm đùm, cơm gói đi tìm đồng đội. Mặc dù được ví như một bản đồ “sống”, nhưng ông Bình cũng đã bao phen đi về tay không. “Ngày xưa, do trận chiến ác liệt quá nên chúng tôi lo hậu sự cho các anh cũng đơn giản. Nay tìm lại thì vật đổi sao dời, mọi dấu tích đều bị vùi dập bởi bom đạn và thời gian” - ông Bình thổ lộ. Ngay chính mộ của anh trai ông là Trần Điểm cũng phải hơn 10 lần lên Hòn đá Đà Nẵng (Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang) ông mới tìm ra hài cốt.
Vẹn tình đồng đội
Từ sau ngày về hưu (1986), ông Bình có thêm thời gian thực hiện ước nguyện của mình là đi tìm hài cốt đồng đội. Ông cho biết, với trên 3 triệu đồng tiền lương hưu cộng với chế độ thương binh mỗi tháng cũng đủ để ông thực hiện 2 đến 3 chuyến “về nguồn”. Tuy vậy, nhiều khi ông cũng phải ứng thêm của vợ để quyết tìm cho được các anh. Đơn cử như trong chuyến hành trình lên huyện Tây Giang (Quảng Nam), ông cùng vài người bạn phải cắt đường lên sát biên giới Lào - nơi Bệnh viện Quân y 79 (Quân khu 5) đóng để khoanh vùng, phát dọn cây cối, lần tìm từng dấu vết dù nhỏ nhất để phát hiện vị trí nơi đồng đội đang nằm.
Qua gần 7 ngày đấu cật với gió Lào cùng nhiều khó khăn của cảnh rừng thiêng nước độc, ông đã phát hiện, quy tập được 18 hài cốt liệt sĩ. Hay trường hợp đi tìm hài cốt của người đồng đội chí thân là Đỗ Xuân Tiền (Hưng Yên). Ông nhớ, khi đánh tiểu đội biệt kích ngụy tại hồ Đồng Nghệ vào tháng 5 năm 1969, Đỗ Xuân Tiền bị thương nặng và hy sinh. Dù trực tiếp chôn cất nhưng khi ông lên tìm lại thì chỉ thấy toàn nước và đá.
Nhớ lời bạn trăn trối cuối cùng là được đưa về quê cho gần vợ, gần con nên trong nhiều năm liền, ông Bình lặng lẽ lên đây lật từng hòn đá, rẽ từng bụi cây để tìm hài cốt và trong một lần tình cờ ngồi nghỉ chân trong khe đá, ông “tìm” ra bạn đang nằm yên nghỉ bên trong. Thế là ông tức tốc liên hệ vợ và con của bạn ra rước chồng, cha về quê. Ngày làm lễ truy điệu, ông Bình vui mừng khôn tả, qua bao tháng năm nằm lặng lẽ trên ngọn đồi hoang vắng, nay bạn ông đã về quê.
Cứ phát hiện mỗi hài cốt là ông cảm thấy lòng mình như trút đi một gánh nặng. Ông tâm sự: “Hiện nay còn rất nhiều hài cốt đồng đội của tôi vẫn chưa tìm thấy. Tôi nguyện với lòng mình, nếu còn sức lực ngày nào là sẽ cố gắng tìm và quy tập đưa các anh về quê”.
HẠ SƠN