.

Sức lan tỏa của một cuộc vận động lớn

Nhà thơ Tố Hữu đã có lần viết nên một cảm giác rất thật khi được gặp Bác Hồ: Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta / Ta bỗng lớn ở bên Người một chút. Nay Bác đã đi xa trọn Bốn Mươi năm nhưng dường như mỗi người chúng ta cùng có chung một cảm giác:
 
Người vẫn đâu đây trong cuộc sống thường nhật của mình, Người vẫn tỏa sáng. Tỏa sáng mỗi khi có một chút mờ ám trong những tính toan nhỏ nhen vị kỷ; trong những giây phút không tự đấu tranh chống lại những cám dỗ vật chất tầm thường. Và tỏa sáng cả khi chúng ta đạt được những thành công, bởi đã học tập và làm theo đạo đức của Người. Đó là sự tỏa sáng tự nhiên, tự giác của mỗi người khi nghĩ về Bác.

Sự tỏa sáng ấy càng được nhân lên nhiều lần nhờ những cuộc vận động lớn mang ý nghĩa xã hội rộng rãi.Mấy năm trước, Đảng ta đã phát động đợt học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai năm vừa rồi, Đảng lại phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn hệ thống chính trị và trong các tầng lớp nhân dân.

Đây là một đợt sinh hoạt chính trị - đạo đức rộng lớn, mang ý nghĩa cần thiết, cấp bách trong điều kiện hiện nay. Hình như, trong cuộc vật lộn mưu sinh với cơ chế thị trường, đôi khi chúng ta có phần nương nhẹ hai chữ “đạo đức”. Cuộc vận động này như một lời nhắc nhở, một yêu cầu, và cao hơn, là một quyết nghị về việc phải tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng thông qua tấm gương đạo đức ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, xây dựng niềm tin trong xã hội.

Đạo đức có những nội dung gắn với vấn đề giai cấp, chẳng hạn, đạo đức cộng sản, đạo đức của người cộng sản. Nhưng cũng có những nghĩa rất đời thường, chẳng hạn như hãy làm một người tử tế, sống và hành động theo những chuẩn mực đạo đức đã hình thành như một nếp nghĩ, nếp sống cộng đồng. Trong con người Bác, có cả những tiêu chuẩn đạo đức gắn với tính giai cấp vô sản, nhưng đồng thời cũng có những nét đạo đức rất đời thường, gần gũi với những con người bình thường, ai cũng có thể phấn đấu học tập và làm theo..

Đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm những thành tố gì? Có thể nói, không có lời giải thích nào giản dị mà sâu sắc hơn, nôm na mà thâm thúy hơn những lời dạy của Bác, qua đó toát lên đạo đức của người đảng viên, và hiểu rộng ra đạo đức của mọi người trong xã hội. Nói về đạo đức con người, Bác nhấn mạnh và giải thích 5 chữ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

Bác giải thích: “Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí đồng bào...”... “sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ”... “Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng”... “Trí vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt”... “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng.

Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè nhút nhát”... “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình... Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ” (1). Những tiêu chuẩn đạo đức ấy không chỉ dành cho người có chức có quyền - dĩ nhiên những người ấy là phải chí công vô tư hơn cả - mà mọi người đều phải làm theo phương châm sống ấy.
 
Trong điều kiện thi hành pháp lệnh dân chủ hiện nay, còn phải hiểu thêm một khía cạnh khác của đạo đức, đó là phải có tinh thần làm chủ, coi công việc chung là công việc của chính mình. Trong một lần gặp mặt cảm động của các cán bộ lão thành từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm ở Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Lang, một cán bộ lão thành có kể lại câu chuyện gặp Bác khi Bác đến thăm mỏ than Apatit Lào Cai từ những năm Sáu Mươi của thế kỷ trước, khi ông còn làm Giám đốc ở đấy.
 
Bác dặn cán bộ phải gương mẫu, đồng thời Bác cũng căn dặn công nhân phải tham gia quản lý. Lúc ấy mọi người có vẻ như không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của lời căn dặn của Bác. Bởi vì quản lý thì đã có giám đốc, quản đốc, trưởng ca... Nhưng Bác giải thích quản lý ở đây là phải làm chủ máy móc mà mình đang sử dụng; và phải tham gia góp ý vào công việc của xí nghiệp... Đó chính là đạo đức nghề nghiệp của con người mới.

Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác. Chỉ nói riêng về vấn đề đạo đức, mặc dù trong khuôn khổ của một bản Di chúc ngắn gọn, cô đúc, Bác vẫn dành những lời tâm huyết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
 
Và Bác kính yêu của chúng ta cũng không quên nội dung giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, những đoàn viên thanh niên: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Khi tiếp nhận chủ trương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hẳn không phải không có người chưa thật sự tin vào thành công của cuộc vận động này. Nhưng thực tế đã chứng minh, khi có được chủ trương đúng, lại có cơ sở sâu sắc gắn với đạo lý của dân tộc thì chắc chắn cuộc vận động ấy sẽ đem lại kết quả, và sức lan tỏa của nó sẽ thực sự xa rộng.

Bên cạnh các cuộc thi kể chuyện ở tất cả mọi ngành mọi cấp, mọi địa phương, cần khẳng định sức lan tỏa - đồng thời cũng là chiều sâu của cuộc vận động này, chính là mỗi người, từ cấp lãnh đạo cho đến từng người dân, đều có một “cuộc phát động” của riêng mình để làm theo đạo đức của Bác từ những việc làm bình thường hằng ngày, luôn tạo sự trong sáng trong tâm hồn, xứng đáng với tấm gương đạo đức của Bác.

8-2009
      
BÙI CÔNG MINH

(1) Trích dẫn theo Hồ Chí Minh toàn tập, t5, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, tr.251-253.

;
.
.
.
.
.