.
THỰC HIỆN CÁC KẾT LUẬN CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY

Cơ chế đột phá: Thoáng và vướng - Bài 2: Vẫn còn vướng cơ chế!

.

Mặc dù đã được Ban Thường vụ Thành ủy định hướng qua Kết luận số 06-KL/TU về “một số cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội” trên một số lĩnh vực, thế nhưng ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ cũng thừa nhận, thời gian qua, địa phương đã không triển khai được nhiều lắm như mong đợi. “Trước hết, về chủ quan, chúng tôi đã chưa nghĩ ra được những chính sách, cơ chế gì được xem là thực sự đặc biệt, vượt trội để đề xuất xem xét và thông qua.
 

Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê vẫn còn là bãi đất trống, mặc dù kế hoạch đề ra là hoàn thành vào năm 2007.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề nghĩ ra được nhưng lại không được phép làm vì vướng cơ chế, chính sách của Trung ương hoặc thành phố” - Ông Võ Văn Thương lý giải. Ví dụ cụ thể được Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ đưa ra là, trong năm 2008, quận Cẩm Lệ đã tiến hành khảo sát và lập đề án xin ý kiến tinh giản biên chế cán bộ ở cấp phường, bởi hiện nay, hệ thống và đội ngũ cán bộ cấp này thường chồng chéo, vừa gây lãng phí vừa giảm thu nhập của cán bộ, không đáp ứng được đời sống của họ.

Ý tưởng được quận Cẩm Lệ đưa ra là tập trung một số đầu việc có liên quan lại để một cán bộ phụ trách, nhằm đơn giản hóa việc quản lý, nâng cao năng lực làm việc và tăng thu nhập của cán bộ đó. Thế nhưng, việc này lại vướng vào cơ chế, chính sách cán bộ của các ngành liên quan từ Trung ương, bởi ban ngành nào cũng yêu cầu phải có cán bộ chuyên trách của ngành mình.

Từ ví dụ cụ thể này, ông Võ Văn Thương đề nghị thành phố nên rà soát, lập đề án và kiến nghị với Trung ương có những cơ chế thoáng cho Đà Nẵng thực hiện việc này, bởi theo ông, việc quản lý ở cấp xã, phường tại Đà Nẵng còn đơn giản do địa bàn tương đối hẹp, mật độ dân cư chưa lớn... so với một số thành phố lớn khác. Hoặc, nếu có thể thì tạo điều kiện để quận Cẩm Lệ thực hiện thí điểm cơ chế mới này!

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, ông Võ Văn Thương cho rằng, để xây dựng và thực hiện các cơ chế thoáng thì cũng phải tính toán đến đội ngũ cán bộ trên những lĩnh vực đó. Với những ưu tiên của mình, quận Cẩm Lệ đã từng có ý tưởng đề xuất mở rộng thêm phân cấp phê duyệt quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng; thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn... “Thế nhưng, nếu phân cấp như vậy thì phải tính toán đến việc tạo cơ chế xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên ngành sao cho xứng tầm, đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao. Để làm được việc này, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, thì cũng phải có sự giám sát, giúp đỡ của ngành chuyên môn cấp thành phố.

Đồng thời với cơ chế phân cấp, cũng phải xem xét đến các yếu tố hài hòa trong quản lý ở cấp thành phố, phải nghĩ đến lợi ích phát triển chung trong cơ chế mở đó!” - Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ nhìn nhận. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị có cơ chế nhằm mạnh dạn mở rộng mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND phường; luân chuyển, điều động cán bộ trẻ; bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường đang làm việc để nâng cao nhận thức, tầm nhìn và định hướng cụ thể trong thời gian công tác của mình...

Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, để tăng cơ chế tự chủ cho địa phương, thành phố cũng cần tính đến tăng thẩm quyền phân cấp một số lĩnh vực như quản lý điều hành nguồn thu, tăng ngân sách... “Nếu chỉ cấp 5 tỷ đồng để quận Liên Chiểu giải quyết những vấn đề của địa phương thì tôi e rằng, số tiền này sẽ không đủ trong thời gian tới, do nhu cầu ngày càng tăng cao, mà cần khoảng trên 7 tỷ đồng. Với số tiền đó, chúng tôi mới đủ khả năng giải quyết cấp bách việc đầu tư xây dựng cơ bản, an sinh xã hội... ở tầm của quận mà không phải chờ vào việc đề xuất lên thành phố” - Ông Dương Thành Thị nêu ví dụ cụ thể.

Trong quá trình thực hiện các kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, các địa phương cũng đã bộc lộ những hạn chế, nhiều nội dung đã được đề ra, nhưng đến nay, không hiểu vì lý do gì vẫn chưa triển khai thực hiện.

Việc xây dựng TTVH-TT quận Thanh Khê là một ví dụ. mặc dù đã được phê duyệt và đầu tư nhưng đến nay, dự án này vẫn còn là bãi đất trống. Trong khi đó, ngay từ tháng 9-2006, để cụ thể hóa Kết luận số 04-KL/TU, Chủ tịch UBND thành phố đã có Công văn số 5644/UBND-TH gửi UBND quận Thanh Khê và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều nội dung, trong đó có “Thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng TTVH-TT quận Thanh Khê, đến năm 2007 có sân bóng đá, sân khấu biểu diễn văn nghệ ngoài trời!” Đến nay, theo giải trình từ Sở VH-TT-DL thành phố, công trình có diện tích hơn 53 nghìn m2 này bị chậm trễ do “việc xây dựng hồ sơ dự án công trình không trọn vẹn, thiếu dự án tổng thể, chỉ tổ chức lập và xây dựng từng hạng mục riêng lẻ; trong quá trình đầu tư và khởi công xây dựng, do nguồn vốn được cấp hằng năm quá ít nên không đủ để tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục chính”. Được biết, toàn bộ công trình này đến nay chỉ mới được cấp vốn 2,5 tỷ đồng và cũng chỉ đủ để làm được 3/4 tường rào bao quanh!

Không chỉ một công trình này bị chậm, mà nhiều nội dung khác trong Kết luận số 04-KL/TU vẫn chưa triển khai. Đó là việc “khẩn trương hoàn thành quy hoạch lại Công viên 29-3 theo hướng thực hiện xã hội hóa một số hoạt động vui chơi giải trí về hướng Đông công viên; đến năm 2008 bàn giao công viên này cho quận Thanh Khê quản lý”; rồi “từ năm 2006, bổ sung vốn các chương trình mục tiêu cho quận 5 tỷ đồng/năm để quận chủ động trong đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng bức thiết”...

Câu hỏi về việc chậm triển khai thực hiện những nội dung trên, cũng như nhiều vấn đề khác được đề cập trong những kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy đối với sự phát triển của các địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, đang chờ một sự giải thích đầy đủ và thuyết phục từ các ngành chức năng, mà những công văn của UBND thành phố đã cụ thể hóa những phần việc và trách nhiệm của mỗi cơ quan khi thực hiện các kết luận này!

Bài và ảnh: Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.