.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác lao động Việt Nam - Lào

.

(ĐNĐT) - Ngày 14-8, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Việt Nam phối hợp cùng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội (LĐ&PLXH) CHDCND Lào tổ chức hội nghị Bộ trưởng Việt Nam-Lào về hợp tác lao động lần thứ nhất.



Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Việt Nam; bà Onchanh Thammavong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ LĐ&PLXH Lào cùng đại diện các bộ, ngành và các địa phương có chung đường biên giới của 2 nước Việt Nam và Lào.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐTB&XH , do đặc điểm tình hình nên hiện nay mới chỉ có lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về số lượng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 20.000 lao động và cán bộ kỹ thuật Việt Nam thường xuyên làm việc tại Lào. Trong đó, có 15.000 lao động đi làm việc theo các chương trình, dự án hợp tác, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức kinh tế của hai nước. Khoảng 5.000 lao động còn lại là lao động của các tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Lào sang Lào làm việc tự do.


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tính đến nay, Chính phủ Lào đã cấp phép cho 174 dự án của các nhà đầu tư Việt Nam với số vốn 899 triệu USD. Trong đó phần lớn dự án tập trung đầu tư trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng các dự án thủy điện Xêkaman, Sê-Kông, tiếp đến là dự án thủy điện Luôngphrabang... Những dự án này có nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật để triển khai rất lớn.


Khó khăn nhất hiện nay của lao động Việt Nam tại Lào là làm việc tại những nơi có điều kiện khó khăn, xa khu dân cư, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, có nơi khoảng cách từ công trình đến thị trấn gần nhất cũng gần 40km. Việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chính sách của hai nước trong thủ tục xuất nhập cảnh, đăng ký lưu trú, giấy phép lao động và các loại lệ phí, thuế, bảo hiểm y tế … cần có những quy định phù hợp để khuyến khích được các nhà đầu tư trong việc huy động lực lượng lao động, đồng thời triển khai các dự án đúng thời hạn và hiệu quả. Bên cạnh đó, quy định hiện hành của Lào cũng làm cho người lao động và các doanh nghiệp Việt Nam gặp một số khó khăn, như việc quy định hạn ngạch 10% đối với lao động phổ thông, 20% đối với lao động kỹ thuật, thuế 10% thu nhập của người lao động...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và Lào trong thời gian qua không ngừng phát triển. Hai bên đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác lớn, sẽ thu hút nhiều lao động Lào và Việt Nam. Đây là điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác lao động giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời việc sử dụng lao động, cán bộ kỹ thuật Việt Nam tại các dự án đầu tư cũng là cơ hội tốt để đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động của nước bạn Lào anh em. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề mà 2 nước cần phải bàn bạc, cụ thể hóa những quy định và đi đến thống nhất để tạo điều kiện cho việc hợp tác lao động giữa hai nước ngày càng phát triển nâng tầm cao hơn, phù hợp với tình hình thực tế và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.

* Chiều 14-8, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ LĐ&PLXH Lào Onchanh Thammavong đã đến thăm Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng. Sau khi  tham quan cơ sở vật chất, các trang thiết bị điều trị người bị chấn thương, dị tật bẩm sinh, bà Onchanh Thammavong mong muốn trong thời gian tới Việt Nam hỗ trợ Lào trong việc triển khai một trung tâm chấn thương chỉnh hình để điều trị cho những thương binh và người bị khuyết tật tại Lào.

Tin và ảnh: Việt Dũng

;
.
.
.
.
.