.

Trắng đêm... kiếm sống

.

Bắt đầu từ bốn, năm giờ chiều hay chậm hơn, khi những ánh đèn đường đã được bật sáng, có những người dân lao động ở Đà Nẵng mới bắt đầu công cuộc mưu sinh của mình. Những con người với những công việc thoáng trông rất đỗi bình thường ấy, nhưng nếu ai trong chúng ta đã có một đêm đồng hành với họ mới thấy hết nỗi nhọc nhằn, vất vả của hành trình kiếm sống trong đêm...

Hơn 20 năm qua, đêm nào cô Sáu cũng thức trắng để mưu sinh.

Đã hàng chục năm trôi qua, cái rẻo đất nhỏ nằm bên hông chợ Cồn đã trở thành mảnh đất nuôi sống nhiều con người thuộc nhiều thế hệ của các gia đình sinh sống xung quanh khu vực chợ bằng việc kinh doanh các mặt hàng ăn uống về đêm. Chiều chiều, cứ mỗi tầm tan chợ là những người buôn bán đêm lại lục tục chuyển bàn ghế, hàng hóa của mình ra vị trí đã được chọn sẵn, để bày biện chuẩn bị cho một đêm mua bán.

Chị Hoa - bán xôi gà, cháo lòng ngay lối vào chợ Cồn phía đường Hùng Vương, vừa làm hàng cho khách, vừa kể: Ngày trước, vị trí này do mẹ chị bán, nay bà cụ đã không còn sức khỏe để thức trắng đêm nữa nên chị là người kế nghiệp. Chị nói: Những người buôn bán hàng ăn “lấy đêm làm ngày” như chị vất vả lắm.

Bán từ chiều tối cho tới ba, bốn giờ sáng mới xong, lục tục dọn dẹp về đến nhà, tắm rửa xong là gần 5 giờ sáng mới bước lên giường ngủ. Giấc ngủ kéo dài cho đến mười một, mười hai giờ trưa là phải dậy để lo chuẩn bị nấu nướng, gói ghém hàng hóa cho buổi bán hôm sau. Cứ thế, năm này qua tháng khác, mưa nắng tứ thời, hành trình của những người bán hàng đêm cứ mãi quẩn quanh từ nhà ra ngõ chợ.

Biết bao ngày đã qua, mảnh đất rộng chừng hơn trăm thước vuông ấy đã lặng lẽ ấp iu phận số của gia đình ông già bán phở; bà già bán bún thịt nướng, bánh xèo; chị bán bánh canh; cô bán bánh bèo, bánh bột lọc... rồi xa hơn một chút là chị bán khô mực nướng; cô bán hàng cà-phê... Xuôi dọc xuống  phía ngã tư Hùng Vương - Ngô Gia Tự là những quán bán cháo gà, xôi gà, bánh mì... cũng trắng đêm phục vụ thực khách. Chẳng biết từ bao giờ, dân ăn đêm ở chốn Đà thành gọi khu vực xung quanh ngã tư Ông Ích Khiêm - Hùng Vương này là “ngã tư quốc tế”. Đại loại là ở đây vào đêm khuya có thể tìm thấy nhiều thứ mình cần...

Cách quán chị Hoa chừng mấy bước chân là quán của chị Tý bán bánh canh. Chị Tý có thâm niên bán đêm ở khu vực chợ Cồn hơn một vài người khác, nên cũng nhiều kinh nghiệm hơn. Chị kể: Cái nghề lấy đêm làm ngày này nhọc nhằn lắm, kiếm được đồng tiền để lo cho cuộc sống gia đình, con cái ăn học, cha già mẹ yếu... có khi đến chảy máu con mắt vẫn chẳng dư dật gì nhiều. Những người bán đêm ở đây, khi mưa thuận gió hòa, hàng bán hết thì mỗi đêm cũng kiếm ngót nghét hai trăm nghìn chứ có bao nhiêu.

Chừng ấy tiền lời mà phải chi ra nhiều khoản lắm, tiền xe thồ chở hàng đi, về; con cái đến đêm phụ bán rồi cũng phải cho chúng nó chút đỉnh... Khách hàng chủ yếu là dân lao động nghèo, nên ăn uống cũng dè xẻn. Những người cùng bán hàng đêm ở khu vực này thường nói với nhau “nghề của họ là thứ nghề mà bỏ đồng tiền tròn, để bòn đồng tiền méo”. Chẳng qua là không biết làm gì khác nên chọn nghề bán hàng đêm này để kiếm kế mưu sinh, bán riết rồi quen, rồi thành mẹ truyền con nối.

Ngoài những người bán hàng đêm cố định, ở Đà Nẵng còn có những người đi bán hàng dạo vào ban đêm, đa số họ là đàn ông ở các tỉnh khác đổ về. Hàng hóa họ bán chủ yếu là: bánh chưng, chả giò, bắp luộc... Vào chập tối, hàng hóa chất sau yên xe gắn máy, rồi cứ thế dạo quanh khắp các phố phường. Làm nghề này có vẻ đơn giản hơn những người bán hàng cố định, thu nhập ổn định, với lại cũng chỉ độ một, hai giờ sáng là đã có thể về nhà trọ để nghỉ ngơi.

Xa trung tâm hơn là những con đường ven biển, ven đôi bờ thơ mộng của dòng sông Hàn. Cứ chập choạng tối là có người gồng gánh ghế, bàn, soong chảo ra kiếm một khoảnh nhỏ để làm “quán bình dân”. Thôi thì đủ cả những gì bình dân nhất có thể làm mồi nhậu, và đây cũng là điểm dừng chân của không biết bao nhiêu thực khách thích lang thang trong đêm.

Chủ nhân của những quán nhậu đêm này, có người xưa kia làm nghề đi biển, có người trồng rau, trồng hoa... Bây giờ nghề biển cũng chẳng thu nhập được nhiều, nghề trồng rau thì phải nhường đất cho công cuộc phát triển đô thị. Vậy là để có cái ăn, cái mặc, và các khoản chi tiêu hằng ngày khác... họ chỉ biết theo chân những người láng giềng, sắm sửa đồ đạc, xoay xở để mở quán nhậu vỉa hè mua bán trong đêm... Mệt nhọc thì vô chừng, nhưng cứ sau mỗi đêm miệt mài phục vụ, họ cũng kiếm được một khoản tiền lời đủ để gia đình không lâm vào cảnh khốn khó.

Ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm hay ngã ba Huế, nhiều năm qua cũng đã xuất hiện những người chạy xe ôm đêm. Công việc của họ là săn đón những người khách lỡ đường, khách vãng lai đến Đà Nẵng lúc đêm hôm, khuya khoắt.

Những quán đêm bên cạnh chợ Cồn.

 

Dần dần, ở đó đã hình thành nên những đội xe thồ tự quản, ban đêm ngoài việc chở khách kiếm sống họ còn phối hợp cùng lực lượng dân phòng và Công an địa phương để bảo vệ an ninh trật tự nơi địa bàn họ mưu sinh, kiếm sống. Nhiều anh chạy xe ôm ở ngã ba Hòa Cầm đã nêu cao tinh thần cảnh giác, bằng những vụ bắt trộm và tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng. Nhiều người trong số họ đã được nhận bằng khen của cơ quan Công an cấp quận, cấp thành phố, nhiều cá nhân điển hình đã được tuyên dương khen thưởng trong các đợt sinh hoạt cộng đồng...
7
Có thể nói, còn nhiều chuyện phải bàn xung quanh những ngành nghề, xung quanh những con người “trắng đêm kiếm sống” trong lòng đô thị. Ví như chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyện mở quán nhậu lộ thiên, vỉa hè ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; chuyện lấn chiếm vỉa hè nơi công cộng để làm nơi buôn bán; chuyện chèn ép khách đi xe ôm khi họ nhỡ độ đường... Nhưng dẫu sao đi nữa, trong thời buổi khó khăn này, những người vẫn trắng đêm để kiếm sống bằng những nghề lương thiện ấy, chúng ta hãy nên có cái nhìn sẻ chia hơn với họ.

Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.