.

Vô tư khai thác nước ngầm

.

Bất chấp sự cảnh báo của các cơ quan chức năng về tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi, thiếu khoa học, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm và kéo theo nguồn nước bị ô nhiễm, hiện trên địa bàn thành phố, hằng ngày vẫn có nhiều hộ dân ngang nhiên khoan giếng, trong khi đó chẳng thấy các ngành chức năng kiểm tra và xử lý.

Nhà nhà cùng khoan giếng

Nhiều khu dân cư vẫn phải sử dụng nước giếng khoan vì chưa có nước máy.

Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng khoan giếng khai thác nước ngầm không chỉ diễn ra ở khu dân cư chưa có hệ thống nước máy, mà ngay cả những khu vực nước máy được lắp đặt đến tận nhà nhưng người dân vẫn ngang nhiên khoan giếng.

Ghi nhận tại tổ 32, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) cho thấy: Trước khi làm nhà, hầu hết các hộ dân tại đây buộc phải thuê  thợ khoan giếng để lấy nước sử dụng, nhiều tiền khoan giếng sâu vài chục mét, còn ít tiền thì khoan hơn chục mét cũng có nước dùng. Khi tôi hỏi: “Khoan giếng đã xin phép cơ quan chức năng chưa?”, ông Huy ở tổ 32 trả lời ngay: “Việc gì phải xin phép, có ai cấm đâu! Với lại không khoan giếng lấy nước đâu mà xài, khi hệ thống nước máy chưa có”.

Tại khu dân cư Bắc Phan Tứ thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, tuy hệ thống nước máy đã được lắp đặt đấu nối đến từng hộ dân, thế nhưng mỗi khi người dân xây nhà thì dường như nhà nào nhà nấy đều thuê thợ đến khoan giếng. Chỉ mất 400 nghìn đồng và sau 2 giờ thi công, nhà bác Thủy (tổ 20 phường Mỹ An) đã có nước giếng để dùng.
 
“Tại sao bác không lắp nước máy dùng cho bảo đảm?” - tôi hỏi. “Nếu lắp nước máy cũng phải mất một tuần, trong khi đó xây dựng nhà cần có nước nên khoan giếng sẽ thuận lợi và chi phí cũng thấp hơn, còn chuyện lắp nước máy tính sau”,  bác Thủy cho hay.

 Với giá khá rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng, lập tức có nước sử dụng lâu dài, vì vậy ở nhiều nơi, người dân sử dụng nước giếng khoan khá phổ biến. Đặc biệt, tại các xã, phường ngoại thành như: Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc…, đại đa số người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan. Cũng vì nhu cầu sử dụng giếng khoan, nên các cơ sở khoan giếng tư nhân tiếp tục “mọc” lên. Các cơ sở khoan giếng đua nhau quảng cáo rầm rộ, cả trên báo chí, tờ rơi và kín đặc tường nhà, nơi công cộng…, gây mất mỹ quan đô thị.

Khó quản lý?

Theo đánh giá của Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi, thiếu khoa học đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước; trong đó tình trạng khoan giếng lấy nước sử dụng đối với các hộ dân, DN… diễn ra khá phổ biến, vấn đề này không những làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm mà còn gây sụt lún cục bộ ở nhiều địa phương.

Vậy một câu hỏi được đặt ra: Các cơ quan chức năng địa phương đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên? Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho rằng: Hiện tình trạng khoan giếng ở các gia đình diễn ra khá phố biến, trong khi đó công tác quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức.

“Vậy trên địa bàn quận Thanh Khê hiện có bao nhiêu hộ dân có giếng khoan?”, theo ông Tĩnh, để thống kê số hộ dân có giếng khoan tại một phường cũng khó chứ chưa nói gì đến toàn quận, còn đối với việc đánh giá và điều tra tác động của việc sử dụng nguồn nước ngầm có gây ảnh hưởng đến nguồn nước, suy giảm và cạn kiệt hay không thì quả là chuyện quá khó.

 Mặc dù các văn bản quản lý Nhà nước về tài nguyên nước đã quy định cụ thể việc khai thác nước ngầm ở quy mô gia đình và có chế tài xử phạt, nhưng hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố vẫn chưa triển khai nên những người hành nghề khoan giếng không có chuyên môn và giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động, dẫn đến tình trạng người dân vẫn vô tư khoan giếng khi có nhu cầu mà không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
         
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.