.

Vui buồn nghề giữ xe

.

Giữ xe nơi thôn quê

Chị Lê Thị Xuân Hồng làm nghề giữ xe đã được 6 năm, từ khi Trường THPT Phan Thành Tài (xã Hòa Châu, Hòa Vang) thành lập. Nhà chị cách trường gần 15 cây số, cứ 5 giờ sáng, vợ chồng chị tất bật chạy về trường để kịp chuẩn bị giữ xe. Năm học mới sắp bắt đầu, vợ chồng chị cũng sắp bắt đầu một năm làm việc mới.
 

Giữ xe ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang.

Thu nhập hằng tháng khoảng 2 triệu đồng/người. Chị kể: “Mình chỉ thu tiền học sinh vào thứ hai đầu tuần, hoặc đột xuất vào thứ bảy, giá 2.000 đồng/học sinh/tuần. Nhiều học sinh “khôn” lắm, ngày nào mình thu tiền, chúng gửi hết bên ngoài nhà dân. Nhưng nghĩ cũng tội, lỡ có thu đột xuất, nhiều em lại không có tiền trả, nhao nhao đi mượn bạn.
 
Hơn nữa, gửi nhà dân, nhiều học sinh có thể nhảy tường rào chuồn học”. Chị cho biết phải qua đấu thầu mới vào giữ xe, lời ăn lỗ chịu, mất xe tự giải quyết, mỗi tháng trích một phần đóng cho nhà trường. Nhiều khi học sinh làm mất vé xe, lấy lộn xe. Có đứa lễ phép, nói năng tử tế. Có đứa vô lễ, nói tục, xúc phạm người giữ xe. Hầu như những vụ lấy nhầm xe, học sinh đều trả lại.
 
Theo chị, giữ xe ở trường ổn định hơn ở chợ, vì số lượng học sinh - “khách hàng” không thay đổi nhiều hằng tháng. Nhưng ở chợ, số lượng xe máy nhiều, thu nhập cao hơn. “Giữ xe ở trường, nhìn bọn học trò nghịch cũng  vui, nhưng đôi lúc cũng thấy buồn, mệt mỏi”, chị nói.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Vang và Cẩm Lệ mỗi ngày đón nhận rất đông bệnh nhân trong vùng. Xe được gửi chủ yếu là xe máy, mỗi lượt gửi 1.000 đồng. Thứ hai, số lượng xe gửi nhiều nhất, do người đến khám đông. Vào những ngày cuối tuần, bệnh viện không khám thông thường, nên lượng xe gửi giảm mạnh.
 
Anh Sang, nhân viên giữ xe nói rằng:“Xe gửi tăng, thu nhập tăng theo, cũng đồng nghĩa với số lượng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện nhiều. Mình cũng không biết là nên vui hay buồn”. Có nhiều khi khách gửi làm mất phiếu, nhìn thấy họ lo lắng, dáng vẻ khắc khổ, người giữ xe cũng không nỡ làm khó dễ, hầu hết đều thông cảm, giải quyết nhanh gọn (buộc họ ký giấy cam kết) rồi cho lấy xe về. Ở bệnh viện này, tình trạng mất cắp, lấy nhầm xe ít khi xảy ra, do nhân viên đông và rất cẩn trọng.

… và nơi phố chợ

Chợ Cẩm Lệ có 4 tổ giữ xe, phân ra 4 phía. Chợ có quy mô lớn, nghề giữ xe có thu nhập tương đối cao. Anh N.V.Tý mới vào nghề, giữ xe chưa được một năm. Anh nói: “Việc làm thời buổi này khó xin lắm, rảnh rỗi, không biết làm gì, anh ra đây xin giữ xe”. Giữ xe ở chợ bấp bênh theo mùa. Xe gửi đông nhất vào dịp Tết.

Mùa mưa, chợ vắng người, bãi giữ xe thưa, thu nhập cũng hạn chế. Dịp Tết thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, mùa này chỉ vài chục ngàn đồng. Theo anh, chuyện lấy “lộn” xe xảy ra thường xuyên, thật thật giả giả, cũng may anh phát hiện sớm. Nhiều người đi chợ để xe bên ngoài, mất thường xuyên, chủ yếu là xe đạp. “Giữ xe là nghề tạm thời thôi, cũng không biết trước được, mình còn trẻ mà”, anh Tý tâm sự.

Trung tâm Luyện thi đại học Trí Đức nằm trên đường Núi Thành (quận Hải Châu) có bãi giữ xe tận dụng khoảng trống của một công trình đang xây dựng. Xe ở đây được trông giữ quanh năm, số lượng xe tăng giảm tùy vào độ nóng mùa thi cử. Một người giữ xe ở đây cho biết: Cận kề mùa thi đại học, trung tâm có tổ chức luyện thi cấp tốc, học sinh đến ôn thi đông, xe gửi tăng đột biến.

Người trông xe phải chờ đến tận khuya và thật cẩn trọng khi cho học viên đưa xe ra khỏi cổng, xui xẻo để họ lấy lộn xe, mất xe… mình phải bồi thường, mất cả tháng lương như chơi. Nghề giữ xe thầm lặng, mang những nỗi niềm buồn vui lẫn lộn. Dù ít được người đời quan tâm, nó vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Bài và ảnh: HỒNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.