Mới đây, Sở Nội vụ thành phố đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, tổ trưởng dân phố và trưởng thôn nhằm xác định những “đầu việc” cụ thể đối với từng vị trí, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh cụ thể được quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng như các văn bản quy phạm pháp luật và cả những đầu việc “không tên” phát sinh từ thực tiễn ở cơ sở. Qua khảo sát cho thấy, những sự việc “không tên” vẫn còn chiếm một khoảng thời gian không nhỏ của các vị lãnh đạo chính quyền ở cơ sở.
Công việc ở cơ sở đòi hỏi đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương phải có năng lực và trình độ chuyên môn cao.TRONG ẢNH: Thực hiện cưỡng chế nhà trong diện di dời, giải tỏa ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. |
Từ thực tế đó, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng cho rằng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền ở cơ sở đang phải gánh những công việc sự vụ nặng nề; nhiệm vụ phát sinh ở cơ sở nhiều và phức tạp, nhất là trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và lãnh đạo thành phố luôn đặt ra yêu cầu cao trong việc hình thành những cách làm sáng tạo, mới mẻ và hiệu quả. Nhiều sự việc đòi hỏi phải được giải quyết ngay từ cơ sở và tiếp xúc ban đầu chính là đội ngũ cán bộ này.
“Yêu cầu thì chuyên nghiệp nhưng giải quyết lại không chuyên nghiệp” - Ông Đặng Công Ngữ đánh giá về những tồn tại trước thực trạng đội ngũ cán bộ chính quyền phường, xã. Ông cũng lý giải, khả năng giải quyết công việc trên thực tế còn hạn chế là do trình độ năng lực của đội ngũ này còn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đào tạo, huấn luyện chưa kỹ nên xử lý công việc nhiều khi còn bất cập.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, thời gian qua, thành phố đã đầu tư một cách mạnh mẽ cho việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo chính quyền cơ sở thông qua những chương trình, kế hoạch, vừa có tính dài hơi nhưng cũng mang nội dung thực tiễn để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao. Đó là cùng với việc xây dựng đề án ở từng địa phương nhằm thực hiện “chuẩn hóa” cán bộ, mở các lớp đào tạo cán bộ chuyên nghiệp cho tương lai gần, thì việc đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ một cách thường xuyên và hợp lý cũng là phương thức để nâng cao chất lượng lãnh đạo chính quyền phường, xã.
Theo khảo sát mới nhất của Sở Nội vụ, hiện nay, chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND phường, xã có trình độ đại học trở lên chiếm 60%; tỷ lệ này ở chức danh chủ tịch UBND phường, xã là 73,91% và với phó chủ tịch UBND là 52,68%. Những con số này chưa phải là cao, nhưng cũng đã cho thấy nỗ lực của việc hướng dẫn “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Theo ông Ngữ, để “chuẩn hóa” cán bộ cơ sở, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng vững mạnh, tăng cường cả về lượng và chất, đồng thời sắp xếp lại hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Việc sắp xếp sẽ theo hướng trẻ hơn, trình độ cao hơn và cả chế độ, chính sách sẽ được ưu tiên hơn để họ yên tâm công tác, xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.
Theo đó, những đề xuất sẽ được triển khai thực hiện tập trung vào “chuẩn hóa” độ tuổi đối với cán bộ chủ chốt phường, xã khi giữ chức vụ lần đầu đối với mỗi chức danh, trong đó có việc ưu tiên bố trí đối với các lớp đào tạo tập trung của thành phố. Chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách đã qua đào tạo có trình độ từ trung cấp (chuyên môn, nghiệp vụ) trở lên là được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ. Chính sách luân chuyển, điều động cán bộ cũng có những yếu tố mới hơn, bảo đảm sự linh hoạt và nhất là tạo điều kiện cho lớp trẻ và người hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Để thực hiện tốt việc “chuẩn hóa” cán bộ, ông Đặng Công Ngữ cho biết, sẽ có những chính sách mới hơn trong việc thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức phường, xã nhằm giải quyết “đầu ra” cho đối tượng không đủ chuẩn do không có chuyên môn nghiệp vụ và công chức chưa qua đào tạo.
Theo thống kê hiện nay, vẫn còn 14,3% bí thư phường, xã chỉ mới có trình độ sơ cấp hoặc không có chuyên môn; con số này đối với chức danh chủ tịch UBND là 6,52% và phó chủ tịch UBND là 8,93%. Mặc dù những con số này là không lớn, nhưng để có đội ngũ lãnh đạo phường, xã được “chuẩn hóa”, đủ sức đảm đương nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, thì cũng cần mạnh dạn có những chính sách mới nhằm thay thế.
Bài và ảnh: ANH QUÂN