.
10 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam

Cần sửa luật cho phù hợp với tình hình mới

Qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam (Luật Mặt trận), vai trò, vị trí của tổ chức Mặt trận các cấp của thành phố Đà Nẵng ngày càng được phát huy. Hoạt động của Mặt trận đáp ứng được yêu cầu mới về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới, góp phần tích cực cùng chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn thành phố.

Bước chuyển nhận thức về Mặt trận

Tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Luật Mặt trận vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đánh giá: Đã có bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của xã hội về MTTQ Việt Nam, về khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới. Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã từng bước xây dựng được cơ chế, chính sách, xác lập rõ những nội dung và một số hình thức cơ bản trong phối hợp công tác.

Trước đây khi chưa có pháp luật quy định mối quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền, trong nhận thức xã hội có sự nhầm lẫn rằng Mặt trận là một bộ phận của chính quyền. Một bộ phận cán bộ, công chức cũng hiểu sai rằng Mặt trận chịu sự điều hành, quản lý của chính quyền. Đại hội lần thứ VIII, IX, X của Đảng xác định ngày càng làm rõ vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam. Điều 5, Luật Mặt trận quy định nguyên tắc của quan hệ Mặt trận với chính quyền là quan hệ phối hợp hai chiều, bình đẳng về quyền, trách nhiệm nhằm hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ của mỗi bên do pháp luật quy định.
 
Thực tế trong những năm qua, mối quan hệ phối hợp công tác giữa chính quyền và Mặt trận các cấp ở thành phố đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động theo đúng quy định của Luật Mặt trận. Hoạt động của Mặt trận đã có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố.
 
Thông qua phối hợp công tác, Mặt trận và chính quyền đã động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng, hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Hoạt động phối hợp công tác giữa chính quyền và Mặt trận đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hơn 80 ngàn hộ dân đã di dời chỗ ở để thực hiện chủ trương của thành phố về chỉnh trang đô thị, tạo nên diện mạo thành phố hôm nay. Mặt trận đóng vai trò quan trọng và tích cực góp phần tạo nên sự đồng thuận này. UBND thành phố đã tạo điều kiện cho Mặt trận mở rộng các tổ chức thành viên, tăng cường khối đại đoàn kết trên địa bàn thành phố.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận

Cùng với những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Luật Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã chỉ ra những hạn chế cần sửa đổi. Luật Mặt trận ban hành đã lâu nhưng thành phố mới tổ chức một Hội nghị quán triệt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đến nay nhân sự cán bộ chủ chốt đã thay đổi nhiều.
 
Phần lớn cán bộ, công chức thuộc sở, ban ngành, phòng ban chuyên môn của các cấp chính quyền chưa được nghiên cứu Luật Mặt trận và nghị định hướng dẫn một cách có hệ thống, dẫn đến quá trình phối hợp công tác với Mặt trận còn vướng mắc. Luật Mặt trận là “luật khung” quy định về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền và những bảo đảm hoạt động của Mặt trận.

Trong thực tế việc thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận còn được quy định ở 50 luật khác có liên quan, do đó phần nào thiếu đi sức mạnh tập trung và mối quan hệ tổng thể. Luật Mặt trận có quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao nhưng nghị định hướng dẫn thi hành luật chỉ quy định những điều có liên quan thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Những điều khác thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao thì Chính phủ không có thẩm quyền quy định. Vì vậy trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Một số cơ chế để thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận chưa được cụ thể hóa thành quy định pháp luật như: Cơ chế hoạt động giám sát của Mặt trận, chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận. Việc bố trí kinh phí hoạt động cho Mặt trận phường, xã 6 triệu đồng/năm như một đoàn thể không đủ để bảo đảm các điều kiện hoạt động của Mặt trận.

Cần luật hóa cơ chế giám sát và phản biện của Mặt trận

 Nhiều tổ chức thành viên và Mặt trận cơ sở có kiến nghị: Luật MTTQ Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung những quy định về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.

Cần thể chế hóa vai trò giám sát và phản biện xã hội thành một chế định trọng tâm của Luật Mặt trận, hoặc ban hành Luật Giám sát nhân dân. Tại Điều 12, Luật MTTQ Việt Nam về hoạt động giám sát cần quy định cơ chế, chế tài để ràng buộc cơ quan Nhà nước, các tổ chức có liên quan đến hoạch định chính sách dân sinh để Mặt trận có trách nhiệm giám sát có hiệu quả.


Đoàn Sơn

;
.
.
.
.
.