Hằng ngày, ngang qua những con đường “sạch, đẹp” của thành phố như: Bạch Đằng, Trần Phú…, không ít người phải nhăn mặt, nhíu mày bởi cảnh buôn bán tràn lan từ vỉa hè ra đến lòng đường. Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận dù hoạt động khá thường xuyên nhưng đành “bó tay” trước sự “lỳ” của số ít người dân.
Khổ quá hóa “lỳ”
Cảnh mua bán ở ngoài lòng đường thế này vẫn thường xuyên diễn ra ở đoạn đường Nguyễn Thái Học (cạnh chợ Hàn). |
“Bán hàng ở vỉa hè, lòng đường chủ yếu là người ở quê ra. Người nào có vốn thì thuê nguyên vỉa hè của chủ nhà, không thì xin ngồi tạm dăm ba bữa lại chuyển đi chỗ khác”. Được biết, tại đoạn đường này vào giờ cao điểm, người dân bưng cả thùng hàng ra giữa lòng đường để bày bán, xung quanh người mua bu kín chắn hết lối đi.
Chuyện cản trở giao thông là lẽ thường thấy ở những đoạn đường có họp chợ kiểu này. Nhưng điều đáng ngại nhất là khâu vệ sinh lúc chợ tan. Dù đã có nhân viên thu gom rác nhưng không thể xóa hết mùi tanh của nước cá và các loại thực phẩm khác đổ ra. Một người dân ở gần đây cho biết: “Mỗi lần đi ngang qua khúc này đều phải bịt mũi. Tội nhất là những khách du lịch, không biết mà lỡ giẫm phải bãi nước đọng thì chỉ có tháo giày”.
Người bán ở đây cũng chia ra hạng “sang, hèn”. Người có vốn, có thâm niên trong nghề thường kiếm được chỗ ngồi yên ổn trên vỉa hè (phải thuê của chủ nhà), người mới đến phần lớn ngồi dưới lòng đường, có lúc hết chỗ thay vì ngồi lại bưng hàng đi quanh để bán.
Bán hàng kiểu này kể cũng thuận tiện, người mua chỉ cần ghé qua, ngồi trên xe mua hàng; người bán cứ thế “tiền trao cháo múc”. Vì thế, dù có cấm, có đuổi, có phạt thì “chợ” kiểu này vẫn họp đông như thường. Thậm chí, có chủ sạp hàng còn quả quyết: “Dù có bị phạt cũng bu bám chỗ này cho bằng được. Thả ra rồi biết làm nghề gì mà sinh sống hả em?”. Chính vì vậy mà họ đâu để ý đến nếp sống văn minh đô thị, miễn sao bán được hàng, có tiền là được.
Xử lý rất khó!
Đó là ý kiến của ông Lê Văn Tiến, Đội phó Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu. Ông Tiến cho biết thêm: “Trong khi thành phố chúng ta luôn đẩy mạnh mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp thì việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thực tế, để xử lý triệt để vấn nạn này rất khó. Nếu cứ chiếu theo điều 45 trong Nghị định 23 của Chính phủ mà xử phạt thì những người dân buôn bán nhỏ lẻ đó lấy đâu ra 25 triệu đồng để nộp phạt?”.
Hiện nay, tại quận Hải Châu, các phường tiến hành rà soát lại các đoạn đường thường có họp chợ, giữ xe, bán hàng ăn trái phép nhằm quản lý chặt chẽ hơn. Cũng theo ông Tiến, để việc xử phạt có hiệu quả, sẽ tập trung xử lý những hộ kinh doanh ổn định (những chủ nhà lấn chiếm hoặc cho thuê mặt bằng vỉa hè để kinh doanh). Riêng những đối tượng bán hàng rong cần có sự phối hợp của các ngành chức năng thành phố, vì cấm chỗ này họ sẽ chuyển qua chỗ khác.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA