.

Biến tình yêu với Bác thành quyết tâm giải phóng đất nước

Ngày 2-9-1969, dân tộc Việt Nam mất đi một vị Cha già, vị lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày mà cả nước còn chìm trong khói lửa, ở bất cứ đâu, quân và dân ta đều tưởng nhớ đến Bác với niềm yêu thương vô bờ. Nén đau thương thành hành động, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam đã quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện đúng mong ước của Người là giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Đối với những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì tin Bác qua đời là một nỗi đau không thể nào tả hết được. Trong thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến cho nhiều người bất ngờ, bàng hoàng và đau đớn.
 
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó ban Tổ chức chính sách Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng đã từng là Trung đội trưởng đội đặc công biệt động Lê Độ - Đà Nẵng, nhớ lại: “Vào thời điểm Bác mất, cả đơn vị đang trú quân ở rừng Lộc Đại, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Riêng tôi và 4 người đồng đội ở trong một hang đá, bên ngoài trời mưa như trút nước. Ngày 3-9, qua cái radio duy nhất mang theo, mọi người mới hay tin Bác mất.

Tâm trạng anh em lúc đó ai cũng đau buồn, khóc thương nhớ Bác.” Những ngày tiếp theo đó, anh em cứ theo dõi tin tức từ radio và nghe những lời căn dặn của Bác trong Di chúc qua chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay giữa rừng rậm, một lễ truy điệu đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm đã được tổ chức. Khoảng 80 người trong Đội biệt động đã dành những thời khắc thiêng liêng để tưởng nhớ Bác và động viên nhau tiếp tục chiến đấu, giành độc lập, tự do cho đất nước theo đúng tâm nguyện mà Người nhắc đến trong Di chúc.

Cùng thời điểm đó, tại vùng núi Nam Hải Vân, Mặt trận 4 Quảng Đà đã tổ chức một buổi lễ truy điệu long trọng, nghiêm trang với đầy đủ băng cờ, biểu ngữ. Đại tá Nguyễn Văn Lợi, lúc đó là Chính trị viên Quận đội quận Nhì đóng quân tại Nam đèo Hải Vân, kể lại: “Trong suốt thời gian tham gia kháng chiến, tôi chưa bao giờ thấy một lễ truy điệu nào nghiêm trang, long trọng và đông người dự đến thế. Ai cũng khóc, ai cũng xúc động nhớ về Bác.

Trong lễ truy điệu này có sự tham gia đông đảo của lực lượng bộ đội quận Nhì, Khu 1, Tiểu đoàn công binh, Đoàn tên lửa 575, Bệnh xá 77, Tiểu đoàn Đặc công 87. Mọi người tập trung dọc sườn núi Nam Hải Vân. Đồng chí Trần Tốc, Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 4 Quảng Đà đã chủ trì buổi lễ và đọc lại Di chúc của Bác Hồ cho mọi người nghe”.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Lợi, trong lễ truy điệu, đồng chí Trần Tốc đã đọc chậm từng đoạn Di chúc của Bác và phân tích những ý nghĩa sâu sắc trong những lời căn dặn của Người trước lúc đi xa. Đại tá Nguyễn Văn Lợi khẳng định: “Trọng tâm của buổi lễ truy điệu chính là những nội dung trong Di chúc. Đồng chí Trần Tốc đã phân tích nhiều điều nhưng cốt lõi vẫn tập trung làm nổi bật tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định tầm vóc vĩ đại của một vị lãnh tụ suốt đời vì Đảng, vì dân, vì đất nước”.

Việc đọc lại Di chúc của Người trong thời điểm chiến tranh đang diễn ra ác liệt đã tạo nên một động lực mạnh mẽ, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ kiên cường chiến đấu đánh thắng giặc Mỹ. Đại tá Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Lễ truy điệu tưởng nhớ Bác là dịp để kêu gọi mọi người tiếp tục chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Trong buổi lễ, đại diện mỗi đơn vị đã hứa với Bác, với Đảng, với nhân dân sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu là đơn vị đặc công thì tập trung lực lượng đột nhập vào Đà Nẵng đánh phá các căn cứ, kho tàng của địch; là bệnh xá thì quyết tâm phục vụ thương binh chu đáo… Mỗi người đều tự hứa phải tiếp tục đánh địch, phấn đấu làm sao xây dựng lực lượng kháng chiến vững mạnh, đánh nhanh, thắng lớn và tổn thất ít”.

Lời cuối trong Di chúc, Bác đã tâm sự những lời tận đáy lòng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Giữa thời điểm chiến tranh đang diễn ra khốc liệt, lời của Bác đã tạo nên niềm xúc động và sự khâm phục về một tâm hồn cao thượng, trong sáng, luôn nghĩ cho lợi ích của toàn dân tộc, không vị kỷ, không cá nhân chủ nghĩa. Đây cũng chính là tấm gương đạo đức, là sức mạnh, là động lực thôi thúc quân và dân ta tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng, kiên cường chiến đấu vì độc lập, tự do, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

M.HẠNH

;
.
.
.
.
.