Theo Luật Giao thông đường bộ, tất cả ô-tô lưu thông trên đường phải có dán tem kiểm định chất lượng định kỳ, không được chở quá tải, không gây ô nhiễm trong quá trình vận chuyển… Thế nhưng, tất cả những quy định đã được luật hóa này xem ra vẫn không có tác dụng gì với một số xe tải hoạt động trên địa bàn thành phố.
Ở đâu có công trình, ở đó có xe chở quá tải...
Nếu khi vận chuyển đất cát, các chủ phương tiện đều chở đúng tải trọng và có phủ bạt lên thùng xe như thế này thì sẽ không bị xử phạt, thế nhưng nhiều xe lại chọn cách khác... |
Theo những người dân ở đây phản ánh, hằng ngày có cả trăm lượt xe tải chở đất từ vùng núi Phước Tường, chạy theo quốc lộ 14B qua cầu vượt Hòa Cầm, rồi đi vào quốc lộ 1A để san lấp mặt bằng tại khu dân cư Hòa Xuân. Vào những ngày nắng nóng, số lượng xe chạy nhiều và nhanh nên lúc nào không khí cũng đỏ đục, khiến người dân sống ven đường khốn khổ, còn người tham gia giao thông thì tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều. Đây cũng là tình trạng chung của gần như tất cả những nơi có công trình san lấp mặt bằng hiện nay như khu dân cư phía đông cầu Tuyên Sơn, Hòa Quý, An Khê…
Mặc dù không ở mức độ nghiêm trọng và coi thường pháp luật như những chiếc xe hoạt động ở vùng ven, nhưng ở khu vực trung tâm thành phố cũng không vì thế mà thoát khỏi nạn xe bẩn ảnh hưởng đến cuộc sống. Do nhu cầu xây dựng của người dân rất cao những năm gần đây, nên lượng xe tải chở vật liệu xây dựng gần như có mặt khắp các khu dân cư. Để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, những chiếc xe tải tập trung hoạt động vào ban đêm.
Cơ quan chức năng nói gì?
Xung quanh vấn đề này, Trung tá Phùng Tấn Phước, Đội trưởng Đội CSGT Hòa Cầm cũng tỏ ra bức xúc: “Chuyện xử lý xe vận tải chở quá tải, gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi làm rất mạnh. Đặc biệt, sau khi người dân hai xã Hòa Nhơn và Hòa Châu có đơn gửi lên HĐND thành phố, chúng tôi càng làm quyết liệt hơn.
Và kết quả, 100% xe tải chở đất trên trục đường này đã bị lập biên bản xử phạt. Không những thế, gần như tất cả xe hoạt động tại đây đều có ít nhất 2-3 biên bản xử phạt. Chúng tôi xử phạt tất cả những lỗi của những xe này như chở đất không phủ bạt gây ô nhiễm môi trường, xe chở quá tải, vỏ, thắng xe không an toàn…
Thế nhưng biện pháp xử phạt này hình như chưa đủ sức răn đe, thậm chí các chủ doanh nghiệp coi việc bị lập biên bản xử phạt của chúng tôi là “bùa hộ mệnh” để họ tiếp tục vi phạm. Bởi theo quy định, từ thời gian lập biên bản đến lúc phải nộp tiền phạt là 10 ngày, nên các chủ phương tiện cứ cầm biên lai xử phạt, coi như đó là giấy tùy thân để chạy. Chỉ đến khi hết thời hạn trên, họ mới đến Kho bạc nộp phạt và tiếp tục… vi phạm rồi chịu phạt”.
Ông Lê Xuân Quang, Đội trưởng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông- Vận tải thành phố) cho biết, ngành này cũng rơi vào tình cảnh tương tự CSGT. Với những trường hợp này, chúng tôi đều kiên quyết lập biên bản xử phạt. Thế nhưng các chủ phương tiện hầu như đều sẵn sàng chịu nộp phạt để rồi… vi phạm tiếp. Có thể khẳng định rằng, gần như tất cả xe chuyên chở đất cát, vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố ít nhất đã một lần bị lập biên bản.
Tình trạng chủ phương tiện bị lập từ 2-3 biên bản, thậm chí có xe còn bị lập 4-5 lần cũng không hiếm. Với 4 tổ hoạt động liên tục từ sáng sớm đến chiều, nên các trường hợp vi phạm diễn ra trong đêm, chúng tôi rất khó kiểm soát. Mặc dù chúng tôi đã lập đường dây nóng để người dân thông báo, nhưng khi chúng tôi đến nơi, họ đã đi rồi.
Giải thích về hiện tượng “không sợ phạt” này, một chủ DN từng hoạt động trong ngành vận tải phân tích, với mức xử phạt 400 ngàn đồng cho một lần vi phạm chở quá tải trọng, gây ô nhiễm môi trường chưa đủ sức răn đe. Các chủ phương tiện đã tính toán: với mức phạt như vậy, việc chở quá tải trọng khoảng 30% hoàn toàn đủ sức nộp phạt. Còn trường hợp chở quá 50% tải trọng của xe (mức này rất phổ biến), cứ 10-15 ngày phạt một lần thì vẫn có lãi, do vậy họ sẵn sàng nộp phạt.
Chủ phương tiện đã lách luật, chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay để người dân tiếp tục bị xe tải gây khốn khổ đến bao giờ?
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN