* Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước 19 giờ đêm nay
* Toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi trú bão an toàn * Học sinh được nghỉ học
(ĐNĐT) - Từ trưa nay, 28-9, bão số 9 đã bắt đầu ảnh hưởng đến Đà Nẵng, khi gió đã bắt đầu giật mạnh và mưa nặng hạt. Các địa phương và người dân, dưới sự hỗ trợ của lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân quân, thanh niên, hiện đang gấp rút chèn chống nhà cửa, công trình. Tất cá được tiến hành một cách khẩn trương, với tinh thần chủ động cao nhất trong việc đối phó với cơn bão số 9.
>> Đà Nẵng họp khẩn phòng chống bão số 9
>> Bão số 9 hướng vào miền Trung
Người dân chủ động chèn chống nhà cửa
Chèn bao cát trên mái tôn là giải pháp được nhiều người triển khai nhất. Sáng 28-9, ở khắp mọi nơi trên địa bàn thành phố, bất chấp mưa to và gió giật mạnh, người dân tất tả xúc đóng bao cát chuyển về nhà chống bão.
Người dân xúc cát về chèn chống nhà cửa. Ảnh: Hằng Vang, Lục Ngạn, Ngô Đồng |
Anh Nguyễn Văn Tân ở phường Mân Thái cho hay: mái nhà tôn không có thứ nào chống bão tốt bằng chằng bao cát. Hồi bão Xangsane, nhà nào chèn bao cát nhiều nhà đó thiệt hại ít. Từ kinh nghiệm đó, ai nấy đều chọn giải pháp này. Trước đây, việc chèn chống nhà cửa phòng chống bão, người dân còn chủ quan, sau mấy cơn bão cho bài học đắt giá, nên hiện nay không ai bàng quang trước cơn bão lớn như vậy.
Trong khi đó, toàn bộ 265 hộ dân tại dãy nhà liền kề dành cho phụ nữ đơn thân phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu được chèn chống, đắp bao cát gấp rút trong ngày hôm nay, 28-9, sau sự cố 5 ngôi nhà liên tiếp bị tốc mái chỉ trong vài phút sáng cùng ngày.
Phần mái tôn của 5 hộ dân bị gió mạnh lật toàn bộ vắt ngang giữa hai dãy nhà liền kề. Ảnh: Lục Ngạn |
Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 28-9, 5 căn hộ từ số 9 đến số 13 khu B dãy nhà liền kề nói trên đã bị gió giật bay toàn bộ mái tôn. Chị Lưu Thị Mai, 30 tuổi, nhà số 10 cho biết, cả đêm qua gia đình gồm chị, mẹ già và hai con nhỏ không thể ngủ được do mái tôn cứ bị gió đánh sầm sập, lúc 6 giờ sáng thì chị bồng con cùng mẹ già chạy ra ngoài đường bởi mái tôn một phần thì bay mất, một phần rơi ngày vào phòng ngủ, phòng khách. Cùng cảnh ngộ như chị Mai còn có 4 hộ khác đều là phụ nữ đơn thân, khu phố này hầu như không có đàn ông nên không thể làm các công việc chèn chống, đắp bao cát chống bão.
Cũng trên địa bàn quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận cho hay, điểm xung yếu, nguy hiểm nhất trong đợt bão năm nay là Tổ 37 Thủy Tú (Hòa Hiệp Bắc), bởi ngoài khả năng bị ảnh hưởng của bão, nơi này có thể sẽ bị mưa lớn gây lũ cuốn, lũ quét. Tuy nhiên, do có kinh nghiệm PCLB từ các năm trước, người dân vùng trên đã được di dời vào các trường học và nhà kiên cố, chỉ còn thanh niên trụ lại chống bão. Tại các điểm có khả năng bị ngập úng cục bộ ở phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam, quận đã bố trí ca nô để kịp di dân và tài sản khi cần thiết. Người già và trẻ em ở các vùng dân cư nằm sát biển được vận động đi di tản ngay trong tối nay 28-9, tránh bị nước biển xâm thực gây sạt lở nặng.
300 bộ đội của các đơn vị đóng quân trên địa bàn quận được huy động giúp dân chèn chống nhà cửa và di chuyển ngay khi có lệnh di dời. Ông Thiết cho biết thêm, mọi cuộc họp không cần thiết trên địa bàn quận sẽ dời đến sau ngày 3-10. Từ bây giờ, mọi chỉ đạo PCLB đều thực hiện qua điện thoại.
Toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi trú bão an toàn
Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến trưa ngày 28-9, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên biển đã vào nơi trú ngụ an toàn. Hai tàu cá bị sự cố trôi dạt trên biển là tàu ĐNa 90051 và ĐNa 90082 của ông Hồ Văn Tình, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê đã được lực lượng bộ đội biên phòng tiếp cận lúc 19 giờ 45 phút tối 27-9. Lúc 23 giờ ngày 27-9, bộ đội biên phòng đã lai dắt hai tàu cá này về Âu thuyền Thọ Quang.
Tàu thuyến trú bão ở Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Ngô Đồng |
Tại đây hiện có khoảng 800 tàu cá vào trú ẩn. Còn lại 100 tàu cá đang neo đậu tại sông Hàn cũng đã được lực lượng bộ đội biên phòng yêu cầu nhanh chóng di chuyển về âu thuyền Thọ Quang. Lực lượng bộ đội biên phòng cho biết thêm đã đưa được tàu chở hàng Thành An 27 tại kè chắn sóng cảng Tiên Sa ra khỏi khu vực mắc cạn, tuy nhiên do mưa to kèm theo gió giật mạnh, hiện nay một tàu chở hàng khác là tàu Đông Hải 116 vẫn nằm mắc cạn tại vị trí gần cảng X50.
120 cán bộ, với những thiết bị hỗ trợ cần thiết cũng đã tỏa xuống các địa bàn biên phòng để khảo sát, kiểm tra lại tình hình nhà cửa, công trình, giúp dân chằn chống, thu dọn các chướng ngại vật, đề phòng mọi tình huống nguy hiểm khi bão đổ bộ vào đất liền.
Từ chiều 28-9, học sinh được nghỉ học
Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các phòng Giáo dục-Đào tạo, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố, bắt đầu từ 12 giờ ngày 28-9 cho học sinh nghỉ học. Và đến khi nào Sở Giáo dục-Đào tạo có văn bản chỉ đạo thì các trường mới trở lại hoạt động dạy học bình thường.
Để chủ động đối phó với bão số 9, Sở Giáo dục-Đào tạo yêu cầu ngay trong ngày 28-9, các đơn vị, trường học tập trung chằng chống cơ sở vật chất, bảo quản tốt các thiết bị dạy học.
Theo bác sĩ Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố, hiện phương án 4 tại chỗ đối với ngành đang được triển khai tại tất cả các đơn vị y tế trực thuộc. Các Trung tâm y tế quận, huyện, Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm cấp cứu thành phố từ sáng nay sẽ tăng cường các bộ trực cấp cứu và xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân. “Trong trường hợp tắc đường, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tính đến phương án dùng xe thiết giáp mở đường cho xe cấp cứu vận chuyển người bệnh”, Bác sĩ Út nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Út, ngành y tế đang tính phương án dự trù, nếu bão quá mạnh, sẽ tính đến phương án di dời các bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng đến khu cách ly điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 tại bệnh viện C Đà Nẵng để bảo đảm an toàn. Hiện 147 cơ số thuốc phòng, chống bão đã được cấp phát cho tuyến y tế cơ sở. Hôm nay, một lượng lớn hoá chất Cloramine B cũng sẽ được đưa xuống tuyến y tế quận, huyện và xã phường để xử lý môi trường sau bão nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra sau bão.
Hoàn tất sơ tán dân trong đêm nay
Trưa nay, 28-9, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ký Công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm như: cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên ngập sâu, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, vùng sạt lở đất, đặc biệt nhân dân ở các nhà không an toàn đến nhà an toàn gần nhất.
Việc sơ tán nhân dân bắt đầu từ 14 giờ và hoàn thành trước 19 giờ ngày 28-9. Các địa phương sử dụng lực lượng tại chỗ là chính, trường hợp thiếu lực lượng, báo cáo thành phố hỗ trợ. Các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Y tế.. sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hỗ trợ các địa phương tổ chức tốt việc sơ tán nhân dân, đồng thời thường xuyên báo cáo công việc về Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Hôm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ trực tiếp vào miền Trung lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 9 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng.
Thực phẩm và hàng chống bão tăng giá
Từ tối 27 đến sáng 28-9, mặc dù gió giật mạnh, trời mưa không ngớt, nhưng nhiều người dân Đà Nẵng vẫn đổ xô đi mua các mặt hàng phòng chống bão. Đắt hàng nhất phải kể đến bao đựng cát, dây thép, đinh mũ để chèn chống nhà cửa. Các cửa hàng chuyên bán vật liệu xây dựng, điện trên đường Ngô Quyền, chợ Hàn, chợ Mới, Ông Ích Khiêm, Hoàng Hoa Thám,… người dân chen lấn mua hàng. Giá mỗi bao đựng cát từ 1.500 đồng đến 3.500 đồng, thép 3-4.000 động/cuộn, đinh 3-7.000 kg/tuỳ loại… Tại các chợ, những mặt hàng thiết yếu phòng khi mất điện như đèn cầy, nến, diêm, quẹt, đèn pin bán khá chạy. Ngoài ra, việc người dân ồ ạt tập trung đi mua thực phẩm dự trữ phòng bão đã đẩy giá lên cao. Đã có dấu hiệu đồng loạt tăng giá các mặt hàng thực phẩm. Chợ Hàn, rau, củ, quả đã tăng 3-5 lần sau trận mưa cách đây gần một tháng, nay tiếp tục tăng từ 3.000-40.000 đồng/kg (loại). Chị Nhật Thu, một tiểu thương ở chợ Hàn, cho biết: "Rút kinh nghiệm từ cơn bão Xangsane và đợt mưa lũ vừa qua, người dân đã chủ động hơn nhiều trong việc phòng, chống, nhìn vào sức mua của họ là có thể thấy rõ nhất" Điều đáng nói, do nhu cầu mua bán rất lớn, nhiều tiểu thương đã không niêm yết giá đúng như quy định hoặc viết giá không rõ ràng, tẩy xoá giá niêm yết nhằm đánh lừa người mua. Dọc theo tuyến đường Ông Ích Khiêm, Lý Thái Tổ, người bán lẻ các mặt hàng đinh, dây chằng nhà và bao cát đã tăng giá từ 500-1.500 đồng/loại. Trong sáng ngày 28-9, tình hình mua bán vẫn lộn xộn do người dân lo lắng tìm cách đổ xô mua hàng để dự trữ trong mấy ngày sắp tới. Các quầy bán thịt, cá rau di động, vỉa hè cũng đã tăng giá vì nhiều người bán tung tin “ngày mai sẽ không còn hàng để mua nữa”, càng khiến nhiều người dân tranh nhau mua, mặc dù đắt đỏ chưa phải do hiếm hàng mà đắt do tâm lý. Rút kinh nghiệm từ những đợt bão các năm trước, để đảm bảo bình ổn về giá cả thị trường, chống sự lợi dụng tăng giá bừa bãi, Chi cục Quản lý thị trường thành phố sẽ triển khai các đội thị trường đứng chốt tại các điểm bán nhằm phát hiện và xử lý những trường hợp tăng giá bất hợp lý và đầu cơ. Thế nhưng, tại nhiều điểm, chúng tôi đã mua hàng và phát hiện đã tăng giá theo tình trạng tuỳ tiện, song vẫn chưa thấy lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra. | ||
Nhóm PV ĐNĐT