Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu giải phóng. Vì thế, ngay trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles ngày 18-6-1919 đòi quyền tự do, dân chủ và bình đẳng cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã đặt vấn đề con người, binh vực và giải phóng con người. 50 năm sau, những chính sách xã hội được Người nêu lên trong Di chúc khi viết về những công việc sau khi kết thúc chiến tranh cũng là sự cụ thể hóa những lý tưởng giải phóng và phát triển con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3-1964).(Ảnh tư liệu) |
Chiến lược con người là quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến còn dễ hơn việc xây dựng một xã hội mới, một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Người viết trong Di chúc rằng đây thực sự là cuộc chiến đấu khổng lồ và cần phải có những người cách mạng kiểu mới cùng chung sức chung lòng, kế tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác mới có thể đưa cuộc chiến đấu đến thắng lợi.
Thực tiễn Việt Nam và thế giới ngày càng chứng minh tầm nhìn của Hồ Chí Minh về con đường đi lên CNXH, đi đến xã hội dân chủ và giàu mạnh là con đường dài, khó khăn. Đó là “sự nghiệp trăm năm” và phải “trồng người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm chỉ rõ những khó khăn của sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta là xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, phải xây dựng mới từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng... và khó khăn nhất chính là xây dựng những con người mới, những chủ thể thực sự của sự nghiệp xây dựng CNXH.
Phấn đấu trở thành con người mới đòi hỏi sự rèn luyện bền bỉ của mỗi người, từ người sinh trưởng trong xã hội cũ đến người được sinh ra trong xã hội mới; từ những người trẻ đến những người già; kể cả những người đã trải qua quá trình lao động và đấu tranh cách mạng lâu dài... Nếu chủ quan tự mãn, lơi lỏng, không chú ý rèn luyện, phấn đấu thường xuyên thì những cái mới, cái tiến bộ trong mỗi người không thể củng cố và phát triển; còn cái cũ, cái lạc hậu lại trỗi dậy chi phối.
Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác “trồng người” trong từng bước đi lên của đất nước. Vấn đề xây dựng con người mới, văn hóa mới, đời sống mới, bồi dưỡng và nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt... luôn là mối quan tâm hàng đầu.
Lần bổ sung Di chúc vào tháng 5-1968, Hồ Chủ tịch viết riêng một đoạn về công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó chủ yếu nêu lên những vấn đề về chính sách với nhiều tầng lớp xã hội, gồm thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, thanh niên đã qua thử thách chiến tranh, phụ nữ, nông dân, và cả “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước phải dùng vừa pháp luật, vừa giáo dục để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện“.
Người nhấn mạnh “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân“, là bao hàm ý nghĩa phải nâng cao đời sống của nhân dân một cách toàn diện, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhu cầu của con người có ảnh hưởng quan trọng trong các hoạt động của con người. Hiểu biết các nhu cầu của con người, nắm được cơ chế tự giác hình thành các nhu cầu là điều cần thiết để định hướng chúng, tạo ảnh hưởng tích cực tới động cơ, hành vi của con người, để định hướng nghị lực sáng tạo của con người.
Lợi ích là biểu hiện trực tiếp của các nhu cầu, gắn với những mục tiêu và đối tượng cụ thể. Không tính đến lợi ích thì không thể bảo đảm được sự phát triển năng động của xã hội. Lợi ích cá nhân được bảo đảm và gắn chặt với lợi ích xã hội sẽ kích thích tính tích cực về mặt xã hội của con người, làm gia tăng tinh thần tận tụy, chất lượng công việc của từng con người cũng như các nhóm xã hội có cùng lợi ích. Muốn vậy, phải tạo ra sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, làm cho cá nhân có xu hướng xã hội rõ nét.
Tin tưởng dân, dựa vào dân cũng là điểm nhất quán trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh vai trò, sức mạnh và năng lực sáng tạo của quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã hư hỏng, cũ kỹ, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân“.
Sau 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những việc chúng ta đã làm và làm tốt, đạt được những kết quả quan trọng; nhưng có những việc chúng ta làm chưa xong, chưa tốt, còn phải tiếp tục phấn đấu. Đặc biệt, sự phát triển không đồng đều, chưa công bằng giữa các vùng, miền, địa phương, ngành nghề, cơ quan, đối tượng là một tồn tại khách quan rất dễ nhận ra.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng rõ ràng ở đâu biết quan tâm đến chiến lược con người, có con người tốt nắm giữ những vị trí chủ chốt, thì ở đó có sự phát triển cao hơn, nhân dân sung sướng hơn, đi đúng với con đường mà Di chúc của Người đã vẽ ra từ 40 năm trước.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN