Chuông đổ báo hiệu tàu sắp qua, y như rằng, tại các gác chắn đường sắt không thiếu cảnh tượng một vài người cố rú ga để vượt cho lẹ, bất chấp nguy hiểm.
Liều mạng lách, rồ ga và dọt…
Trước đây hai năm, vợ và con người đàn ông này suýt bỏ mạng ngay tại đây vì vượt chắn. Nhưng có vẻ ông ta không rút ra được điều gì sau sự cố ấy… |
Thấy tín hiệu tàu sắp qua, nhiều người vì vội vàng, không muốn mất vài phút đứng đợi… nên rồ ga hoặc lách khe chắn để dọt thẳng tới phía trước. Nếu kiên nhẫn quan sát hàng loạt chuyến tàu trong suốt một buổi sẽ thấy, chuyện cố ý vượt rào chắn không chỉ diễn ra ở một số ít người, mà rất nhiều đối tượng thực hiện hành vi này. Từ người điều khiển xe máy, xe đạp, ô-tô hạng nhỏ, hạng lớn, đi bộ; từ thanh niên, phụ nữ đến người già, trẻ em đều có thể vượt chắn.
Tại chắn Lê Độ, thuộc Cung chắn Đà Nẵng (Công ty Quản lý đường sắt QN-ĐN), các nhân viên gác chắn chia sẻ: “Đèn đường bộ đỏ, chuông tự động báo đến điếc cả tai trong bán kính vài trăm mét, vậy mà nhiều người tham gia giao thông vẫn cố ý không tránh tàu”.
Cô T.T.L, người đã có 25 năm làm công việc gác tàu tại gác chắn lấy ngay ví dụ từ chuyến tàu vừa mới vút qua: “Em thấy đó, tôi tay kéo chắn, miệng thổi còi đến hết cả hơi mà họ (chiếc ô-tô 4 chỗ ngồi - P.V) vẫn cố không nghe”. Theo sự quan sát của chúng tôi, chiếc ô-tô này đã trồi hơn một nửa thân xe qua bên kia thanh chắn, khiến các nhân viên gác tàu và người dân la lớn hỗn loạn. Sau sự cố đó, cô L., dù dày dạn kinh nghiệm trong nghề vẫn không thể giấu vẻ hồi hộp. “Mỗi chuyến đều có chuyện này chuyện nọ. Trong khi đó, mỗi ngày đêm chúng tôi đón hơn 60 chuyến tàu. Áp lực từ việc người dân vượt ẩu là không kể hết”, cô L. nói.
Theo quan sát của chúng tôi, sau mỗi đợt thanh chắn được gác xuống, lại có cảnh một bà đi chợ dắt xe đạp “hiên ngang” băng qua với vẻ thản nhiên vì xe đạp nhỏ gọn nên không khó khăn trong việc… lách. Tiếp đến, một người đàn ông thồ khối hàng cồng kềnh, một mình một cõi băng ngọt ơ. Thêm một người đàn ông nữa không đội mũ bảo hiểm từ trong nhà (sát đường ray) lướt qua lẹ làng dù chắn hai bên đã đóng lại.
Nhân viên tại gác chắn Lê Độ cho biết, người đàn ông mới chạy qua ấy không lạ với sự nguy hiểm nếu cố ý không tuân thủ an toàn đường sắt. Bởi cách đây hai năm, cũng tại nơi này, vợ của anh ta vì muốn chở con đến trường cho kịp giờ nên vượt chắn. Đầu tàu dần lộ ra phía trước, bỗng nhiên bánh xe của chị lọt xuống đường ray chính. Tất cả nhân viên ùa lại tức tốc ẵm đứa bé và kéo chiếc xe máy chạy ra xa trong sự khiếp đảm của chị.
Đầu giờ sáng và đầu giờ chiều, lúc mọi người hối hả ra đường hoặc về nhà, là lúc các nhân viên đành bất lực nhìn từng dòng người nối đuôi vượt chắn.
Chửi, hù đánh: Chuyện cơm bữa
Không chỉ lách để vượt chắn, có người còn tông đổ cả chắn bất chấp mọi hiểm nguy. Cô L. cho biết: “Vài năm trước, tôi làm việc tại gác chắn Xuân Hà, không ít lần gặp trường hợp người ta chỉ vì lao tới cho nhanh mà làm đổ cả chắn. Cứ tưởng chắn vững chắc như vậy, chỉ có ô-tô mới đủ sức tông đổ, nhưng cả xe máy cũng mấy lần làm đổ rồi”.
Chị K.Th, nhân viên gác chắn kể: “Ở đây chắn đẩy còn đỡ. Một số nơi dùng chắn kéo cần còn có cảnh đầu bên này nhân viên kéo chắn xuống, thì bên kia người dân mở chắn lên để băng qua”.
Những người gác chắn coi chuyện va chạm với những đối tượng vượt ẩu là cơm bữa, có bức xúc rồi cũng… chai. “Tàu đụng tao, tao chết chứ có phải mày chết đâu mà cản”; “Đ.m, tàu còn ở mô mô mà đóng chắn”; “Nè em, em không sợ anh cho xe cán lên chân em hả”, v.v... Những tiếng chửi rủa độc địa gần như không thiếu sau mỗi lần đón tàu qua. Chị K.Th kể: “Có người đã lớn tuổi mà vẫn thốt lên câu nói: Không cho ta qua, ta đánh chết cha mi”.
Xin qua bằng lời lẽ lịch sự hoặc thô tục đều là điều không thể chấp nhận được với các nhân viên gác chắn. Theo các anh chị, cho qua là hại chết người. Không chỉ một người bị ảnh hưởng tính mạng mà có thể khiến tàu bị trật đường ray do va chạm. Tổn hại trên nếu xảy ra là không thể lường hết được. Chính vì vậy, dù có bị mắng xối xả, những nhân viên gác chắn vẫn kiên nhẫn cản những người cố ý vượt.
Không dừng lại ở lời nói thô lỗ, có người sau đó còn kéo băng nhóm tới tìm “kẻ cản đường”. Chị K.T kể: “Bị hù là thường rồi. Có hai nhân viên tôi biết phải chuyển sang chỗ khác làm việc vì sợ bị hành hung. Sau một thời gian tương đối lâu, họ mới thở phào, hy vọng kẻ côn đồ đã dần quên mặt họ”.
Theo luật, người cố ý gây mất an toàn đường sắt sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, chức năng của các nhân viên gác chắn chỉ dừng lại ở việc “luôn luôn nhã nhặn với người tham gia giao thông”. Nhân viên không có thẩm quyền bắt người vi phạm dừng xe lại. “Phải chi, ở mỗi chắn đều có công an đứng canh để làm nhiệm vụ, chắc người dân không dám vượt ẩu. Nhưng điều này khó thành hiện thực vì lực lượng đâu cho đủ”, một nhân viên gác chắn nói.
Bài và ảnh: THU HOA