64 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ký ức về một thời kỳ đấu tranh hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm trí những người còn sống. Không khí rộn rã ngày độc lập, niềm vui sống trong tự do, hòa bình của mọi tầng lớp nhân dân thời bấy giờ không thể phai mờ trong hồi tưởng của người từng chứng kiến và trực tiếp tham gia sự kiện lịch sử này.
Ông Nguyễn Tám, người đã trực tiếp tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. |
Những ký ức về một thời kỳ cách mạng hào hùng được ông nhắc lại đầy tự hào. Ông Tám bồi hồi kể: “Trước khi Cách mạng nổ ra, tôi có tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và hoạt động Việt Minh bí mật do đồng chí Mai Đăng Chơn lãnh đạo. Lúc đó vào tháng 5, tôi và 4 người nữa là Mai Đăng Quýt, Nguyễn Hưởng, Nguyễn Tý, Nguyễn Nghiêm được phân công vào một tổ để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Trong tổ, mỗi người nhận một nhiệm vụ cụ thể, hoặc là đi rèn dao, mã tấu ở Khái Tây hoặc đi điều tra, theo dõi tình hình của địch và cả của nhân dân mình”.
Theo những dòng hồi ức của ông Tám, khởi nghĩa lần này lấy hai xã Tân Lưu và Khái Tây làm nòng cốt. Trong ngày 19-8, ông Tám cùng những cán bộ trong Ban khởi nghĩa và hàng nghìn người dân tập trung tại đình Tân Lưu tuyên bố khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, bắt bọn hương lý ở địa phương giao nộp sổ sách, giấy tờ cho chính quyền cách mạng, tuyên bố Nhật đã đầu hàng Đồng minh, xóa bỏ chính quyền bù nhìn thân Nhật và bộ máy của thực dân, phong kiến.
Ông Tám nhớ lại: “Lúc đó dân mình tập trung đông lắm, chúng tôi không có súng, gươm, chỉ có dao, giáo, mác, gậy tự mang theo, tinh thần ai cũng phấn khởi. Thời điểm diễn ra khởi nghĩa, chúng tôi chỉ có một lá cờ Việt Minh, đáng tiếc là không có ảnh nào của Bác Hồ. Mọi người tập trung đầu tiên tại đình Tân Lưu, sau đó Ban khởi nghĩa và người dân kéo đến giải phóng các xã Trà Lộ, An Nông, Trà Khê, Xuân Nhâm. Không khí lúc đó cứ náo nức như ngày hội”.
Ông Tám cho biết, chỉ đến trưa ngày 19-8 thì cách mạng đã thành công, chính quyền các xã thuộc Tổng An Lưu đã hoàn toàn về tay nhân dân. Ngay tối hôm đó, Ban khởi nghĩa cùng đông đảo người dân tập trung tại đình Tân Lưu, đèn chong sáng rực suốt cả đêm. Mọi người đến đăng ký tham gia lực lượng thanh niên hoặc du kích.
Mặc dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng với ông Tám, không khí nô nức của những ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công vẫn còn khắc sâu trong tâm trí. Ông kể lại: “Dân mình khi đó nói với nhau, tự do rồi không phải cúi đầu trước bọn cường hào ác bá nữa; đời cực khổ nhiều rồi, bây giờ độc lập, không lo sợ bọn hương lý áp bức bóc lột”. Kể từ 19-8 cho đến ngày 2-9 và những tháng ngày tiếp theo chuẩn bị cho Tổng tuyển cử năm 1946, người dân ở khu vực Tân Lưu sống trong không khí hồ hởi, ai cũng vui mừng sửa sang cổng ngõ, trang trí nhà cửa để chào mừng ngày bầu cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đình Tân Lưu, nơi ông Tám và những cán bộ Việt Minh tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 đến giờ không còn. Hiện nay, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, di tích về những ngày Cách mạng Tháng Tám có đình làng Khái Tây, thuộc phường Hòa Quý. Đây là địa điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa cùng lúc với xã Tân Lưu thời bấy giờ.
Nhắc lại chuyện cách đây 64 năm, ông Nguyễn Tám vẫn nhớ rõ từng cán bộ Việt Minh đã tham gia khởi nghĩa, nhớ như in những sự kiện xảy ra ở Tân Lưu và cả Khái Tây. Những người thuộc thế hệ ông không còn nhiều, nhưng ký ức về những ngày hào hùng đó là cả một nguồn tư liệu lịch sử quý giá về một cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Một cuộc cách mạng đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của phong kiến và thực dân Pháp, xây dựng một chính quyền của nhân dân lao động, tạo lập nền hòa bình, tự do cho đất nước. Cuộc cách mạng này đã cho thấy vai trò to lớn của đông đảo quần chúng nhân dân mà theo như lời kể của ông Nguyễn Tám, trong ngày khởi nghĩa, đi đâu người dân cũng nghe theo cách mạng, cùng tham gia đấu tranh giành chính quyền. Đó cũng là bài học về phát huy sức mạnh toàn dân để góp phần đưa thành phố Đà Nẵng vượt qua những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
MỸ HẠNH