* 63 tàu với 679 lao động của Đà Nẵng đang trên đường vào đất liền
(ĐNĐT) - Tối qua, 27-9, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh triệu tập cuộc họp khẩn với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) thành phố bàn biện pháp phòng chống cơn bão số 9
Người dân Đà Nẵng kéo tàu thuyền lên bờ tránh bão số 9. Ảnh: N.Cầu |
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đánh giá, bão số 9 đang vào ngày một gần và thời gian còn lại để chuẩn bị phòng chống là rất gấp rút. Rút kinh nghiệm từ bão Xangsane, ông yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung với tinh thần cảnh giác cao nhất. Trước mắt, thông báo cho nhân dân và các đơn vị biết để chằng chống nhà cửa, công trình…
Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, phương án sơ tán dân được lập từ cơn bão Xangsane, đến nay thực tế đã có những thay đổi. Đặc biệt, trong phương án cũ chỉ mới chú trọng các hộ dân diện di dời giải toả đang sống trong các nhà tạm mà chưa tính đến số nhà tạm trú của công nhân, sinh viên… nên lần này cũng phải chú ý hơn. Trong đó, đặc biệt chú trọng vận động các hộ có nhà kiên cố để sơ tán dân tại chỗ, tránh tập trung dân vào một nơi quá đông.
Yêu cầu Sở NN-PTNT có ngay các biện pháp đảm bảo an toàn hai hồ chứa nước lớn Đồng Nghệ và Hòa Trung; triển khai di dời cục bộ các hộ dân ra khỏi khu vực hồ Đồng Nghệ đang thi công. Các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hoà Vang khẩn trương giúp dân thu hoạch hết diện tích lúa, rau… còn lại trên đồng. Các Sở GT-VT, Y tế… sẵn sàng lực lượng, phương tiện để đảm bảo xử lý cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông, cấp cứu lưu động… trước, trong và sau bão.
Trước đó, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Đà Nẵng có Công điện số 44/CĐ-BCH gửi các sở, ban, ngành và các địa phương yêu cầu: Đài Thông tin Duyên hải và Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo tình hình bão số 9 cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển, chỉ đạo phương án phòng tránh; bắn pháo hiệu theo quy định, hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang, nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn.
UBND các quận, huyện triển khai phương án chống bão, lũ, tổ chức chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven biển và vùng có nguy cơ lũ quét cao. Sở Giao thông-Vận tải, Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức PCLB cho các công trình xây dựng, phối hợp với các địa phương triển khai khơi thông chống ngập úng các khu dân cư; Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các hồ đập.
Theo tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố, hiện đơn vị đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định, tiến hành liên lạc thông báo tình hình bão số 9 với 116 tàu đang hoạt động trên biển, yêu cầu số tàu thuyền này khẩn trương chạy vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, không được vào quần đảo Hoàng Sa neo trú tránh bão. Tại đất liền, đơn vị đã triển khai việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và đang phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tàu thuyền vào Âu thuyền Thọ Quang tránh bão.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố cũng đã chuẩn bị 5 máy thông tin ICOM, 5 tàu, 5 xuồng, 6 ôtô và 120 cán bộ, chiến sĩ để sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Hiện tại, gần 700 tàu đánh cá của ngư dân đã được lực lượng Biên phòng hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang; các ghe, thúng nhỏ được yêu cầu đưa lên bờ để tránh bão. Lực lượng Biên phòng đã dùng canô tiếp cận với các tàu hút cát trên biển yêu cầu nhanh chóng đưa phương tiện và người lao động vào bờ an toàn.
Đến tối 27-9, vẫn còn 63 tàu đánh cá với 679 lao động đang trên đường vào bờ. Dự kiến, sáng nay (28-9), tất cả các tàu này sẽ vào đến đất liền.
Bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 28-09, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo đường đi của bão số 9 (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, còn tiếp tục mạnh thêm và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực nam Vịnh Bắc Bộ. Đến 7 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc, 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Đến 7 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc, 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Từ đêm nay (28-9), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Từ sáng sớm ngày 29-9, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kom Tum gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
ĐNĐT
Công điện khẩn của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc chủ động đối phó với cơn bão số 9 Để chủ động đối phó với bão, lũ; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: 1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009 của Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên, tai, bão lũ và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 và các văn bản liên quan của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố về công tác đối phó với bão số 9. 2. Giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố: - Bằng mọi biện pháp thông báo và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển Đông về nơi trú tránh bão an toàn; - Phối hợp với UBND các quận ven biển, Công an thành phố (Đội cảnh sát đường thủy), quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi; không cho tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn kể từ 7h00 ngày 28/9/2009; hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang và khu vực X50; không cho người ở lại trên tàu, thuyền khi có bão (trường hợp cần thiết áp dụng cưỡng chế). 3. Yêu cầu các Chủ đầu tư, các đơn vị điều hành dự án phối hợp với các đơn vị thi công có phương án chủ động đối phó; triển khai các giải pháp an toàn cho các công trình đang thi công, đặc biệt các công trình đang thi công dở dang, các khu dân cư... 4. UBND các quận, huyện: - Thường xuyên thông báo của bão, lũ; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; - Kiểm tra, rà soát dân cư ở các vùng trũng, thấp ven biển, ven sông suối, vùng hạ lưu các hồ chứa, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng phương án sơ tán dân khi có lệnh của Chủ tịch UBND thành phố hoặc của Trưởng ban Ban huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; - Bố trí lực lượng cảnh giới, hướng dẫn người, phương tiện qua lại trên các đọan đường bị ngập lũ đề phòng tai nạn; chú ý các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trên đường đến trường hoặc từ trường về nhà; nghiêm cấm người đi lại trên các đò ngang, đò dọc, đường tràn và các ngầm qua sông khi có lũ. Cử cán bộ ứng trực, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến của bão, lũ; tập hợp và báo cáo thường xuyên về Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; - Kiểm tra lại phương án đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn; bố trí lực lượng trực ban 24 giờ trong ngày và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống. 5. Công an thành phố, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ công tác di dân khi có yêu cầu của chính quyền địa phương. 6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban quản lý Âu thuyền Thọ Quang có phương án sắp xếp, bố trí tàu thuyền neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang. 7. Giao Bộ chỉ huy Quân sự thành phố báo cáo Quân khu 5 xin ý kiến được sử dụng tối thiểu 02 xe tăng thiết giáp (loại bánh su) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo thành phố khi có yêu cầu. 8. Đề nghị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo bão, lũ do cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp, các văn bản có liên quan của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để đưa tin kịp thời giúp các cơ quan, nhân dân chủ động đối phó. (Website thành phố Đà Nẵng) |