.

Đà Nẵng tan hoang vì bão số 9

.

* 4 người chết và mất tích, 4 người bị thương   * Toàn thành phố mất điện

(ĐNĐT) - Bão số 9 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, chủ yếu là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Dưới đây là những ghi nhận mới nhất của Nhóm PV Đà Nẵng điện tử về sự tàn phá của cơn bão này.

Toàn thành phố tê liệt

Trên hầu hết các tuyến đường nội thành, cây cối, bảng hiệu, họp đèn quảng cáo… bị gió quật ngã tơi bời. Tất cả đường phố đều vắng bóng người.

Bão gây sóng to, phá hủy nhiều công trình giao thông.

Mặc dù nằm trong nội thành, nhưng quận Hải Châu đã có những thiệt hại đầu tiên do mưa lũ, hàng chục cây xanh bật gốc, kéo theo đường dây và trụ điện ngã đổ liên tiếp trên các tuyến đường Cao Thắng, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng... khiến một số nơi giao thông ách tắc.

Sự cố đường dây 500 KV Bắc Nam đoạn Đà Nẵng – Hà Tĩnh cùng với nhiều đường dây đứt đoạn trên đường phố Đà Nẵng khiến toàn bộ thành phố mất điện kéo dài trong hôm nay 29-9. Sinh hoạt của người dân bắt đầu gặp khó khăn khi tất cả các chợ đều đóng cửa, chỉ có một vài gánh hàng rong bán dọc vỉa hè các chợ.

Cây xanh ngã đổ trên đường phố Đà Nẵng.

Các cơ quan ban ngành còn hoạt động phải sử dụng máy phát điện, tuy nhiên do cúp điện, các cây xăng dầu trên địa bàn ngưng hoạt động khiến việc tìm mua nguồn năng lượng này rất khó khăn. Ngay tại khu vực trung tâm quận Hải Châu, một số vị trí có gió lốc và giật mạnh gây tai nạn cho người đi đường là tại vòng xoay Hoàng Diệu, quảng trường nhà hát Trưng Vương và quảng trường 2-9.


Bão làm nhà dân tốc mãi, dây điện bị đứt.

Trên quốc lộ 1A đoạn đi qua tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Văn Cừ, cứ trung bình vài chục mét lại có nhiều cây phượng vàng bật gốc, tình trạng cây xanh ngã đổ còn diễn ra tại hàng chục điểm khác trên địa bàn thành phố.

Ngập lụt tiếp tục tái diễn tại một số điểm nóng như Đầm Rong, Quang Trung, Đống Đa, phường Hòa Minh, Nam Ô, quận Liên Chiểu, xã Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ…

Đà Nẵng tan hoang trong bão và mưa to.

Đường biển Nguyễn Tất Thành nhiều đoạn vỡ kè chắn sóng, gạch đá cuốn phăng lên mặt đường.

Sức tàn phá của bão số 9 chưa dừng lại, cũng tại đường biển Nguyễn Tất Thành trên địa bàn quận Liên Chiểu, hàng dừa trồng ven biển liên tục trong tình trạng bật gốc và bay tự do vào nhà dân. Làn đường phía bên phải của đường biển Nguyễn Tất Thành không thể lưu thông do sóng biển cao đến 5 mét liên tục đánh sập từng đoạn kè ven biển, "tấn công” người và phương tiện qua lại.

Kinh khủng nhất là từng đoạn vỉa hè với hàng trăm viên gạch con sâu bị sóng và gió lật tung từng mảng và đẩy đi xa vài chục mét, tràn lên cả mặt đường Nguyễn Tất Thành. Chỉ trong đêm 28 và sáng 29-9, nhiều đoạn đường Nguyễn Tất Thành đã biến thành bãi rác.

Hàng loạt cây xanh trên tuyến đường Cách mạng tháng 8 và Quốc lộ 14B dẫn lên huyện Hòa Vang bị gãy ngang thân hoặc bật gốc. Xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, đặc biệt là các hộ dân ven sông Túy Loan chìm trong biển nước, nước lũ đã dâng cao ngập đến nóc nhà dân. UBND huyện Hòa Vang cho biết, ông Ông Văn Khanh, 40 tuổi, trú thôn Tây An, Hòa Châu đã bị nước lũ cuốn mất tích. Ngoài ra, còn có 1 thanh niên tại quận Sơn Trà bị mái tôn bay trúng nên bị thương nhẹ.

Đến đầu giờ sáng nay, điện đã bị cắt trên toàn địa bàn thành phố. Nhiều vùng ở ngoại thành bị cô lập do nước lũ. Mọi hoạt động hầu như bị tê liệt.

Công ty điện lực Đà Nẵng cho biết, hiện lưới điện 110KV ở An Đồn, Ngũ Hành Sơn... bị mất hoàn toàn. Trước tình trạng này, Điện lực Đà Nẵng chỉ cố gắng duy trì cho một số cơ quan xung yếu, làm nhiệm vụ chống lụt bão.

Lệnh cấm di chuyển đã được ban hành tại Đà Nẵng, kể cả với xe ôtô, ngoại trừ xe đặc chủng của các lực lượng chức năng làm công tác cứu nạn cứu hộ. 

33.000 dân được sơ tán

Xã Hòa Nhơn ven sông Túy Loan chìm trong bể nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, khoảng 33.000 dân ở khu vực nguy hiểm đã được sơ tán vào các điểm tập trung, như trụ sở UBND quận, phương, trường học, khu chung cư... 

Trên địa bàn quận Thanh Khê, 3 tàu chở hàng tải trọng trên 5.000 tấn đã bị sóng to đánh trôi dạt từ cảng Tiên Sa và nằm mắc cạn tại bãi biển phường Xuân Hà từ đêm 28-9, toàn bộ thuyền viên đã sơ tán. Hàng chục thúng chai và ghe thuyền của ngư dân quận Thanh Khê mặc dù đã được đưa lên bờ và rào chắn cẩn thận nhưng vẫn bị sóng to và gió đánh bay vào phía trong mặt đường Nguyễn Tất Thành.

Tại quận Liên Chiểu, lực lượng phối hợp gồm biên phòng, công an, cảnh sát… đã giải cứu gần 100 người dân bị nước lũ đe dọa. Đó là 11 thanh niên tình nguyện ở lại giữ tài sản cho người dân làng Hồng Phước, Hòa Khánh Bắc bị nước lũ cô lập từ đêm 28-9. Ngoài ra còn có 80 hành khách trên 3 chiếc xe tốc hành hướng Nam – Bắc bị nước ngập tràn vào xe tại Nam Ô cũng đã được đưa vào Quận ủy Liên Chiểu trú ngụ. 

Lúc 1 giờ sáng ngày 29-9, tại khu vực đường tránh phía Nam đèo Hải Vân, chiếc xe khách mang biển kiểm soát 86K-0607 chở theo 39 hành khách, có nhiều người già và trẻ em đã bị mắc kẹt tại đây. Đến 8 giờ sáng, lực lượng phòng chống lụt bão của UBND quận Liên Chiểu đã tích cực cứu hộ thành công xe khách này và đưa toàn bộ hành khách về nơi trú ẩn an toàn. 

4 người chết và mất tích, 4 người bị thương

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy PCLB thành phố Đà Nẵng, đến chiều 29-9, trên địa bàn thành phố đã có 3 người chết, 1 người mất tích và 4 người khác bị thương.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn ó 4 tàu bị chìm, trong đó có 2 tàu do không chấp hành lệnh di chuyển khỏi sông Hàn nên bị sóng đánh chìm). Hiện vẫn chưa thể thống kê đầy đủ số nhà bị sập, tốc mái, nhưng theo Ban Chỉ huy PCLB thành phố, con số này lên đến hàng nghìn ngôi nhà.

Nhà cửa bị bão đánh sập.

Nhà dân khu vực Nam Ô ven sông Cu Đê cũng bắt đầu ngập sâu.

Trưa 29-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9. Theo Chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lực lượng CSGT thành phố Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung phải tổ chức chốt chặn không cho bất cứ phương tiện nào lưu thông, trừ những phương tiện có nhiệm vụ đặc biệt. Bởi trong khi bão lớn đổ bộ vào đất liền thì sẽ rất nguy hiểm cho hành khách trên xe.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đặc biệt lưu ý các địa phương Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên phải khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để đối phó với bão số 9 và mưa lũ. do hướng di chuyển của bão số 9 đột ngột chuyển hướng từ Tây Tây Bắc sang hướng Tây Tây Nam nên các địa phương trên sẽ nằm trong vùng tâm bão đi qua. Sau bão sẽ là lũ lớn xuất hiện trên hầu hết các địa phương ở miền Trung. Vì vậy, công tác chống lũ cũng phải được triển khai song song với công tác chống bão.

Các địa phương miền Trung tiếp tục rà soát, di dời những hộ dân còn lại, đặc biệt là những hộ dân nằm ven biển, sông, suối, vùng lũ quét. không để bất cứ người dân nào còn ở lại những nơi nguy hiểm. tính đến trưa 29/9, các tỉnh miền Trung đã sơ tán được 17.000 hộ dân đến nơi an toàn.

Nhóm PV ĐNĐT

;
.
.
.
.
.