Ngày 10-5-1965, khi đồng bào và chiến sĩ cả nước đang sôi nổi chào mừng ngày sinh lần thứ 75 của Người thì cũng là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay soạn thảo Bản di chúc. Vào dịp ngày đó những năm sau cho đến ngày mất, mỗi năm Bác Hồ đều dành thời gian để sửa chữa, hoàn chỉnh “ Tài liệu tuyệt mật” này và cuối cùng, để lại cho chúng ta một văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá, đó là Bản di chúc mà đến nay, mọi người đã biết.
Việc viết di chúc là chuyện thường có. Đối với các nhân vật quan trọng, những vĩ nhân, viết di chúc càng không phải là chuyện hiếm hoi. Trong di chúc, người ta thường tự đánh giá về mình, phần quan trọng nhất là ý nguyện của người sắp mất về người kế vị, nghi thức và nơi chôn cất cùng nhiều nguyện vọng khác chủ yếu liên quan đến mình và những người trong dòng tộc. Cũng theo thông lệ, bản di chúc được viết trang trọng trên chất liệu quý. Không hiếm trường hợp trong bối cảnh chính trị thối nát, triều đình phe cánh, tranh giành, nồi da nấu thịt, di chúc trở thành nguyên nhân của những cuộc chém giết, thanh trừng đẫm máu, tang thương.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngược lại, không vì mình và những người thân cận của mình mà trước hết và toàn tâm toàn ý vì đồng bào, đồng chí; vì dân tộc, đất nước; vì Đảng và rộng hơn vì phong trào cộng sản quốc tế. Tư tưởng nhân văn vĩ đại đó xuyên suốt ngay cả khi Người trình bày lý do viết Di chúc và nêu nguyện vọng riêng về việc điếu phúng, chôn cất mình sau khi mất. Cũng không giống nhiều bản di chúc khác, lời lẽ trong Di chúc của Người hết sức dễ hiểu, văn phong giản dị, mạch lạc, ngắn gọn để chỉ cần đọc và nói được tiếng Việt là có thể hiểu được.
Di chúc được đánh máy hoặc viết trên giấy một mặt, dập xóa, thêm bớt bằng nhiều màu mực cho dễ đọc nhưng rõ ràng người viết không quá chú trọng hình thức, không quan tâm đến việc cần có một bản trình bày đẹp trên chất liệu giấy hoặc vải, lụa tốt lưu truyền hậu thế lâu dài. Chỉ xét quá trình viết và giấy viết di chúc được tận dụng mặt sau bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thôi, đã khiến người đọc cảm động và khâm phục đến mức nào.
Về nội dung bản di chúc, nổi lên trước hết là tư tưởng “vị tha” (vì người khác) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng nhân văn đó xuất hiện ngay ở đoạn mở đầu, giải thích lý do viết di chúc. Phần giải thích này nhằm an ủi, giảm bớt nỗi đau đớn, bất ngờ của “đồng bào trong nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi” nếu mình theo lẽ tự nhiên, đến một lúc nào đó phải qua đời.
Phần “về việc riêng” căn dặn cách hỏa táng, cách chia tro xương, cách chôn cất… Hồ Chí Minh cũng nghĩ đến đồng bào cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đến thay đổi phong tục để tiết kiệm đất nông nghiệp, đến không dựng tượng đồng bia đá mà làm một ngôi nhà vững chãi, mát mẻ cho những người đến viếng, mỗi người đến thăm trồng một cây lưu niệm, trồng cây nào tốt cây ấy, lâu ngày thành rừng cải tạo đất, cải tạo khí hậu. Nghĩa là yêu thương, quan tâm đến tất cả, chỉ quên mình.
Tư tưởng nhân văn cao cả của Người càng thể hiện trọn vẹn, đầy đủ trong lời căn dặn phải quan tâm đến con người và không chỉ quan tâm, chăm sóc mà còn tạo điều kiện để con người vươn lên làm chủ vận mệnh của mình và vận mệnh của non sông đất nước. Muốn làm được điều đó, phải đánh thắng quân xâm lược, thống nhất đất nước để mọi người Việt Nam đều được sống trong độc lập tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao công lao to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng.
Đánh giá cao và hoàn toàn tin tưởng thanh niên, những người trẻ tuổi, chủ tương lai của đất nước và coi việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Người dành cho thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, giai cấp nông dân và mọi tầng lớp nhân dân lòng tin tưởng và yêu thương vô hạn.
Người tha thiết mong muốn toàn Đảng, toàn dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh thân mình vì nước; chăm sóc , tạo việc làm cho những người thương tật, chịu nhiều mất mát trong chiến tranh. Người luôn ghi nhớ công lao to lớn của bè bạn quốc tế xa gần đã ủng hộ sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của nhân dân ta.
Đỉnh cao của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là tư tưởng của Người về Đảng, về người Cộng sản. Người tổng kết, “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đặt vị trí của Đảng đầu tiên trong sự quan tâm của mình, coi việc phê bình và tự phê bình, không ngừng xây dựng, củng cố, giữ gìn sự trong sạch của Đảng là yếu tố quyết định thắng lợi trong mọi nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên, để mỗi người cộng sản đều xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Một biểu hiện cao đẹp của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là mọi mục đích đều hướng về con người và để mục đích đó thành công phải đoàn kết. Nếu đầu tiên, người nhắc nhở quan tâm xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng, hạt nhân của cách mạng, yếu tố quyết định mọi thắng lợi thì ngay lời căn dặn tiếp sau, Người nói phải đoàn kết.
Trong Đảng, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, “phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, lấy phê bình và tự phê bình, lấy tình đồng chí thương yêu lẫn nhau để củng cố đoàn kết. Nhưng chỉ đoàn kết trong Đảng chưa đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “đại đoàn kết toàn dân tộc”, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt nam nữ, già trẻ, miền xuôi miền núi, trong nước và nước ngoài. Đại đoàn kết toàn dân để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới là tinh hoa, nhân lõi của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đồng thời cũng là nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Tròn 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đưa nước ta vượt qua khủng hoảng, phát triển toàn diện như ngày nay. Từ một nước nghèo khổ, kiệt quệ, phụ thuộc sau chiến tranh, Việt Nam ngày nay được đánh giá như một con hổ đang lên ở khu vực châu Á, có uy tín và tiếng nói trên trường quốc tế, đạt được thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Có được những thành tựu đó là nhờ Đảng và nhân dân ta không ngừng thực hiện sáng tạo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngọn cờ tư tưởng của Đảng cũng như của toàn dân ta. Con đường đi lên còn nhiều gian khổ, kẻ thù không từ một thủ đoạn chống phá nào, nhưng kiên định trên con đường của Người, kiên quyết thực hiện lời dạy của Người, nhất định sự nghiệp vĩ đại của Đảng và toàn dân ta sẽ đến thành công.
VŨ DUY THÔNG
.
.
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH :
Đoàn kết vì con người
Thứ Tư, 02/09/2009, 08:01 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.