.
Đồ chơi Trung thu

Trẻ em vui, người lớn lo

.

Mỗi mùa Trung thu về, đồ chơi trẻ em lại được tung ra với số lượng lớn. Muốn hay không, nhà nào có trẻ nhỏ cũng phải chiều mua cho con, cháu vài thứ. Đằng sau sự hân hoan của con trẻ, là nỗi lo của người lớn về những món quà tới hẹn lại... lên.

Đồ nào cũng đáng sợ

Những loại đồ chơi mùa Trung thu như đầu lân, đầu ông địa được sơn phết phẩm màu lòe loẹt có nguy cơ nhiễm độc cho trẻ khi tiếp xúc.   Ảnh: QUỐC TÍN

Tại cửa hàng bán đồ chơi của DNTN Mỹ Ngọc, số 47 Hùng Vương, một người mẹ dẫn con vào mua đồ chơi Trung thu. Đứa con nhất quyết không chịu mua bộ xếp hình hươu nai theo ý người lớn, mà khăng khăng chỉ thích cây gậy thiết bản và mấy “ông” siêu nhân (cây gậy thiết bản là một loại đồ chơi phỏng theo binh khí của Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký, bằng nhựa, dài tầm 3 gang tay, có lắp thiết bị chiếu sáng hai đầu, mỗi khi nhấn nút sẽ chớp lên màu xanh, đỏ). Trên một số tuyến đường Phan Châu Trinh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, đồ chơi Trung thu bày bán la liệt.

Đầu sư tử đủ kích cỡ, chỉ bọc một lớp giấy báo sơ sài bên trong, phía ngoài lớp sơn còn ẩm ướt, chạm nhẹ tay là lớp màu bám vào, mùi sơn mới nồng sặc. Thu hút đặc biệt các cháu còn có nhiều loại mặt nạ quỷ, hình nhân kinh dị, súng bắn âm thanh... nghe rợn cả tai. Hỏi mua súng bắn nhựa dẻo, cao su, các loại dao, mác, kiếm mà trẻ con hay chuộng, các nhân viên bán hàng đều lắc đầu: “Bữa ni bị cấm bán rồi, không lấy hàng về nữa”. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng nhỏ vùng ngoại thành, trẻ em (người lớn hỏi không bán) vẫn mua được.

Cửa hàng Mai Hoa (đường Ngô Quyền) lâu nay chỉ kinh doanh tạp hóa. Thế nhưng từ hơn một tuần nay mở thêm quầy đồ chơi Trung thu. Những chiếc lồng đèn bằng nhựa, nhìn trên dưới trong ngoài chẳng có chữ nghĩa hướng dẫn thông tin sản phẩm. Hỏi, “hàng này sản xuất ở đâu vậy chị?”, chủ cửa hàng trả lời ngắn gọn: “Trung Quốc”. Dường như để xua tan tiếng xấu hàng Trung Quốc, người bán trấn an:

“Đồ Trung Quốc nhưng mà không có chất gây hại mô, có kiểm nghiệm rồi mà lo chi”. Không biết đồ chơi này cơ quan nào kiểm nghiệm mà chúng tôi không tìm thấy bất cứ một dòng chữ nào trên sản phẩm. Không biết những loại đồ chơi này nhập vào Việt Nam bằng con đường nào mà tràn lan khắp các cửa hàng, quầy chợ? Siêu thị BigC với 30 mặt hàng đồ chơi, chủ yếu là lồng đèn Ben Ten (một hình nhân trong phim hoạt hình Nhật Bản trẻ em thường yêu thích), rồi thú nhỏ đèn nhạc nhiều kiểu, cừu đánh trống cá đầu hoa, siêu nhân xe rồng, vỉ điều khiển dây Ben Ten… tất cả đều có giá khá rẻ, từ 15 – 41 nghìn đồng/chiếc. Cũng chủ yếu là hàng Trung Quốc (có ghi xuất xứ). Không một loại đồ chơi nào cam kết được bảo đảm về độ an toàn cho trẻ con sử dụng.

Không lo sao được

Bé Bin Bin, con chị Hoàng Thị Thu Hằng (trú tại tổ 35, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) mới 2 tuổi rưỡi, nhưng đã biết đòi mẹ phải mua đầu lân cho bé, nếu không sẽ không... đi học. Lúc đầu, chị còn cương quyết không mua, nhưng đứa trẻ cứ khóc ròng, dỗ ngọt nhạt thế nào nó cũng không nín. Chị đành bấm bụng mua một cái đầu lân quá cỡ so với cái dáng của nó. Chỉ 35.000 đồng/cái, chị không tiếc tiền, nhưng chỉ lo “thằng Bin vừa chơi vừa ngậm cái sừng con lân là vô tình nuốt phải sơn bóng”.

Nhìn thằng bé múa máy cái đầu ông địa bên bát cơm vừa xúc được mấy thìa, chị Lê Thị Tiên (ở tổ 1, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) ngao ngán. Nạt con một tiếng, đứa nhỏ ré khóc, vội buông món đồ chơi vừa mới mua, ngồi xuống mâm há cái miệng cho mẹ đút cơm, hai bàn tay nó dính đầy những phẩm màu tím, đỏ lòe loẹt rồi đưa lên quệt nước mắt. Chị Tiên thở dài: “Không có thì đòi cho bằng được, có thì như thế này đây”.

Định hướng cho bé chơi những đồ chơi phát triển trí tuệ.    Ảnh: D.A

 

Trước mùa Trung thu năm nay, tại nhiều cổng trường mầm non, tiểu học nội thành, các xe bán hàng di động luôn có các khách nhí bu quanh đòi mẹ mua đồ chơi. Nhiều phụ huynh các bé khi được hỏi đều cho biết: Thường xuyên phải đáp ứng các yêu sách của con trẻ khi chúng đòi một món đồ chơi nào đó. Trong khi đến nay, dư luận quan tâm đến vấn đề an toàn đồ chơi trẻ em nhưng chưa được các cơ quan chức năng trả lời, thì hàng vạn món đồ chơi nguy hiểm vẫn len lỏi “tấn công” các cháu. Nhiều ý kiến cho rằng, phải định hướng con trẻ ngay từ khi các cháu biết nhận diện đồ chơi.

Cô Châu Thị Tâm, giáo viên Trường mầm non Tuổi Thơ (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho rằng: “Ở đây, mấy cô chỉ cho chơi theo chủ đề và theo giờ quy định một cách khoa học những sản phẩm trí tuệ, vừa học vừa chơi như xếp hình, nhận diện con vật, trái cây, hoa lá… Nhưng khi bé về nhà, chúng quên ngay những lời cô dặn, cứ thích gì là đòi người lớn thứ đó. Nếu không đáp ứng, chúng sẽ ăn vạ hoặc không chịu ăn cơm, uống sữa.

Vô tình, cha mẹ đã làm hại đến các cháu bởi những đồ chơi có hại cho sức khỏe, tâm hồn trẻ thơ”. Cô Tâm còn dẫn chứng thêm, có bé trai do ham mấy loại mặt nạ siêu nhân kinh dị, cứ đến lớp là chạy nhảy, các cô nhiều khi mải lo cho nhiều cháu khác không để ý, rất sợ bé gãy tay, chân. Thậm chí, khi đeo các loại mặt nạ thú ác vào, sau giờ ăn trưa rồi đi ngủ, bé bị ám ảnh tới mức sợ hãi cứ ú ớ, lảm nhảm rồi khóc thét.

Để một mùa Trung thu vui, an toàn cho các bé, hơn ai hết, người lớn phải cương quyết hơn với những đồ chơi phản cảm và không mang tính giáo dục.

Bộ KH-CN vừa ban hành Thông tư số 18 về việc thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) về an toàn đồ chơi trẻ em (ĐCTE)”.

Theo đó, kể từ ngày 15-4-2010, ĐCTE sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo QCKTQG về an toàn ĐCTE.

Quy chuẩn nêu rõ: Đối với các loại ĐCTE dùng điện thì không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không một bộ phận nào trong ĐCTE có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24V. ĐCTE cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về hợp chất hữu cơ độc hại. 


Duyên Anh

;
.
.
.
.
.