.
DỰ ÁN CHỐNG SẠT LỞ VEN SÔNG HÒA BẮC

An toàn trong mùa mưa bão

Ngồi trong ngôi nhà mới vừa xây dựng còn bay mùi vôi vữa, anh Huỳnh Hữu Tuân, thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc nhìn ra ngoài hiên mưa đang xối xả làm ngập cả tuyến đường cho biết: Cũng may là về đây sớm, nếu không những ngày mưa vừa qua (từ ngày 3 đến 7-9) ở nơi cũ có lẽ đã phải di chuyển tài sản và vợ con đến ở nhà hàng xóm rồi. Nói đoạn, anh mỉm cười: “Lên trên này dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sướng cái là không còn lo mưa to gió lớn nữa. Những đêm vừa qua, mặc cho mưa gió gầm rú, tôi ngủ ngon giấc, chứ không còn cảnh “canh” nước lũ như hồi ở Khe Trí nữa”.

Mưa to… o chạy

Vào trước năm 2007, lúc bấy giờ dự án di dời dân trong vùng có nguy cơ sạt lở ven sông ở xã Hòa Bắc chưa triển khai, đời sống của những hộ gia đình ở Cô Hôn, La Ngà và Khe Trí (thôn Nam Mỹ) luôn thấp thỏm lo sợ lũ quét xuất hiện bất cứ lúc nào. Phần lớn các gia đình này thuộc diện đi kinh tế mới vào những năm 1976-1977.

Mảnh đất nơi đây trù phú nằm dọc triền sông Cu Đê thích hợp với nhiều loại cây trồng nên mọi người chọn làm nơi khai hoang, vỡ hóa phát triển kinh tế. Thế rồi, cơn lũ lịch sử năm 1999 đổ về làm cuốn trôi nhiều nhà cửa, kèm theo đó là từng mảng đất đổ sập xuống dòng sông đục ngầu. Cứ thế, hết mùa mưa này đến cơn bão khác, dòng sông Cu Đê ăn mòn vào đến tận móng nhà làm mọi người luôn sống trong tâm trạng âu lo. Nhà ông Đặng Văn Lung cũng vậy. Khi vệt lở chỉ còn cách tường nhà 15m, ông vội thu xếp đồ đạc chuyển nhà ra mảnh đất ngoài đường sinh sống. Ông nhẩm tính, từ sau năm 1999 đến nay, mỗi năm đất ven sông lở từ 5 đến 10m, hiện nay,

có nhiều đoạn dòng sông đã khoét  sâu vào tận 50m. Lo sợ rồi đây cơ ngơi tạo dựng sẽ vùi xuống dòng sông sâu, nhiều hộ gia đình ở Cô Hôn, Khe Trí lại chuyển về La Ngà làm nhà tạm để lánh lũ trong mùa mưa. Thế nhưng, vì làm nhà trái quy định nên chính quyền địa phương nhiều lần can thiệp. Nguy hiểm hơn, những ngôi nhà này lại nằm ngay dưới chân núi nên nguy cơ lở núi rất cao.

Trong cơn bão lũ cuối năm 2006, một số nhà đã bị cuốn theo từng mảng đất lớn đổ sập từ trên cao xuống. Bị nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan nên 12 hộ gia đình nơi đây phải áp dụng chiêu thức… chạy loanh quanh. Cứ hễ nước dâng cao là chạy về ngôi nhà sát chân núi, còn khi núi có nguy cơ sạt lở thì lại chạy về ngôi nhà sát triền sông.

Nhớ lại cảnh này, ông Võ Văn Đào, người dân trong thôn bộc bạch: “Người dân chúng tôi ở đây rất lo, nhất là lũ về làm ngập cả nóc nhà. Khi di dời lên trên núi thì không đủ đất làm nhà, hơn nữa lại đối diện với nguy cơ sạt núi lúc nào không hay. Đi không đặng, ở cũng chẳng xong nên chúng tôi cứ chạy cà quanh. Vì không ở cố định nên sản xuất gặp khó khăn”.

Đã an toàn trong mùa mưa bão

Để giúp người dân nhanh chóng đến nơi ở an toàn, ổn định cuộc sống, vào đầu năm 2007, UBND thành phố giao UBND huyện Hòa Vang lập phương án di dời các hộ này đến nơi ở mới. Sau đó, huyện Hòa Vang đề xuất thành phố xây dựng khu tái định cư tại tiểu khu 23 thuộc thôn Nam Mỹ, có diện tích 23,3 ha đáp ứng nhu cầu cho gần 100 hộ dân trong vùng sạt lở về sinh sống. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành trước mùa mưa bão 2007 và đón 25 hộ dân ở thôn Nam Yên và Nam Mỹ về sinh sống.
 
Đến năm 2009, thành phố tiếp tục đầu tư gần 5 tỷ đồng, gồm các hạng mục như san ủi mặt bằng mở rộng diện tích khu tái định cư, xây dựng hệ thống giao thông, cống thoát nước, điện, nhà họp thôn và trường mẫu giáo… Trung bình mỗi hộ nhận gần 400 m2 đất ở và 21 triệu đồng hỗ trợ di dời, xây dựng nhà cửa. Trong tháng 6-2009, huyện Hòa Vang tiến hành phân lô và giao đất cho 37 hộ ở ven sông tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phò Nam, Lộc Mỹ, Nam Yên và Nam Mỹ về làm nhà mới. Sau khi nhận đất, nhiều hộ đã nhanh chóng vận chuyển vật liệu xây dựng nhà cửa.

Ai cũng phấn khởi lo ổn định nơi ở để an tâm trong mùa mưa bão năm nay. Hiện nay, khu tái định cư đã có nhiều ngôi nhà mới mọc lên càng làm tăng sức sống của ngôi làng mới ven trục đường ĐT 601. Ông Trần Thanh Hùng là một trong các hộ di dời, nay đã sớm xây dựng nhà cửa khang trang ở nơi mới vui vẻ nói: “Bây giờ về đây dù đi làm có xa hơn, nhưng chúng tôi rất vui vì không còn sợ cảnh mưa gió đe dọa nữa”.

Ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng: “Khu tái định cư giúp người dân ven sông trên địa bàn xã tránh nguy cơ sạt lở, có thể làm thiệt hại về người và tài sản. Hiện nay, các hộ ở vùng trũng thấp, ven sông trên địa bàn xã Hòa Bắc đã cơ bản về nơi ở mới, an toàn trong mùa mưa bão”.

HẠ SƠN

;
.
.
.
.
.