Thượng tá Trần Thanh Thảo – Giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn khẳng định: “Phạm nhân không hẳn là người xấu cả, có người phạm tội do lười biếng lao động, nhưng có nhiều người phạm tội do bức xúc bắt nguồn từ một nguyên nhân nào đó trong cuộc sống hằng ngày, cũng có người do làm ăn thua lỗ… mà dẫn đến phạm tội. Nói chung, trong con người của họ luôn có phần thiện, nếu chúng ta biết cách khơi dậy tính thiện đó, họ sẽ trở thành một người có ích…”.
Nụ cười rạng rỡ của anh Thành trước ngày trở về. |
Thành nhớ lại cái buổi chiều kinh hoàng giữa tháng 6-2004 mà nước mắt lưng tròng. Thành tâm sự: Gia đình khó khăn, vợ buôn thúng bán bưng, chồng chạy xe công trình, nuôi sống nhau qua ngày. Hôm ấy, sau khi chở hàng từ Quảng Nam ra Đà Nẵng và giao hàng xong, tôi quay về thì gặp nạn tại cầu Đỏ (Cẩm Lệ).
Chiếc xe của tôi đã lấn sang phần đường bên trái, đụng phải chiếc mô-tô, trên xe có 4 người thì 3 người thiệt mạng. Tôi phải nhận bản án 11 năm tù. Khi tòa tuyên án, tôi không tin nổi vào tai mình. Vợ tôi ngất xỉu tại chỗ. Nhìn vợ, nhìn đứa con thơ đang khóc, trong bụng vợ, đứa con thứ 2 sắp sửa chào đời mà lòng tôi đau như cắt.
Bản án ấy khiến Thành có cảm giác như cuộc đời mình, của vợ con bị đóng sập. Có nỗi đau nào hơn khi phía trước là một khoảng không gian tối mịt mờ!
Những ngày đầu vào trại, Thành cảm thấy chán chường vì chẳng biết lúc nào được ra. Thành không thôi lo nghĩ về vợ con và luôn day dứt về những mất mát do mình gây ra. Những hình ảnh của buổi chiều kinh hoàng ấy, của ba mạng người cứ ám ảnh Thành. Mỗi một ngày trôi qua, Thành cảm thấy cuộc sống hết sức nặng nề, đôi lúc cũng nghĩ quẫn.
Nhưng nhớ đến vợ và con nên Thành cố gắng sống, phấn đấu để sớm được trở về với xã hội, với gia đình, để chuộc lại lỗi lầm mà mình gây ra. Với ý chí, quyết tâm đó, đồng thời được sự giúp đỡ tận tình và động viên khích lệ của Ban giám thị, quản giáo trại giam, Thành cố gắng rèn luyện với mong muốn sẽ có ngày được Nhà nước khoan hồng, đặc xá. Trồng cây ắt có ngày hái quả, sau 5 năm, 3 tháng chấp hành án, Thành đã được Nhà nước ân xá, cho trở về với gia đình, quê hương...
Tuy nhiên, theo Thành, không dễ để một phạm nhân được chọn đặc xá vào các dịp lễ lớn của đất nước. Để bình xét đặc xá trước thời hạn, trong quá trình chấp hành án phạt tù, phạm nhân phải chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại giam; tích cực học tập, lao động, đồng thời phải xếp loại cải tạo từ khá trở lên…
Với Thành, do bản tính lương thiện, muốn chuộc lại những lỗi lầm của mình để sớm được về với vợ con, trong quá trình chấp hành án, Thành đã nỗ lực hết mình, đạt được những tiêu chuẩn đề ra, không vi phạm một hình thức kỷ luật nào trong trại giam… Bên cạnh đó, Thành còn giúp đỡ, động viên các bạn tù phấn đấu rèn luyện tiến bộ để được sớm trở về với gia đình. Nhờ sự động viên, chia sẻ của Thành mà nhiều người đã được đặc xá trong các dịp lễ lớn của đất nước…
Khi được hỏi ra tù sớm đã có dự định gì chưa, Thành suy nghĩ hồi lâu và nói: Với mức án 11 năm, tôi tưởng đời mình gắn mãi với trại giam. Vì vậy, khi đọc thấy tên mình được đặc xá ra tù trước thời hạn gần 6 năm, trong lòng vui sướng khôn cùng nên chưa kịp nghĩ ngợi gì. Những ngày này, tôi luôn nôn nóng chờ đến ngày được quản giáo, Ban giám thị trại giam đọc quyết định và “tiễn chân” tôi ra khỏi trại, về làm lại cuộc đời. Khi về, việc trước tiên là sẽ sống tốt với mọi người, sau đó xin một việc làm phù hợp với khả năng lao động để kiếm tiền nuôi vợ con, gia đình, bù đắp những nỗi vất vả mà trong 5 năm qua vợ đã khổ vì tôi.
Chia tay Thành khi trời đã tối, nhưng tôi thấy trong đôi mắt Thành ánh lên niềm tin và tràn ngập hạnh phúc của ngày được trở về…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ