.

Hình ảnh Bác Hồ trong tim một vị tướng

.

Một trong những người vinh dự được nhiều lần gặp Bác là Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát(1), cố Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Trong bốn lần gặp Bác, được báo cáo trực tiếp với Bác về những vấn đề mà Người quan tâm, ông học được ở Bác nhiều bài học sâu sắc.

Bác Hồ với đồng chí Nguyễn Bá Phát. (Ảnh tư liệu)

Lần thứ nhất là vào đầu năm 1955, trong dịp đón Bác và Chính phủ về thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Liên khu V được cử một đoàn đại biểu Quân-Dân-Chính-Đảng ra đón Bác, do đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Trưởng đoàn. Ra Hà Nội, Đoàn Liên khu V được bố trí ăn ở tại khu Đại học nhân dân (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị).
 
Ngày 1-1-1955, Đoàn Liên khu V được đón Bác đến thăm. Đúng giờ, Bác Hồ đến. Bác thân mật bắt tay và hỏi thăm tình hình sức khỏe của từng người. Bác đặc biệt hỏi kỹ Nguyễn Bá Phát về tình hình bộ đội Liên khu V tập kết ra miền Bắc và tình hình bà con trong Liên khu V nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng đang phải sống và đấu tranh với kẻ thù Mỹ - Diệm như thế nào. Trước khi ra về, Bác dặn dò cả đoàn: “Số anh em đã tập kết ra Bắc phải cố gắng học tập, công tác để sau này trở về góp phần vào cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc”.

Lần thứ hai Nguyễn Bá Phát được gặp Bác là vào dịp Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển - tiền thân của Quân chủng Hải quân Nhân dân (15-3-1961). Thời gian này, toàn quân đang sôi nổi trong phong trào thi đua “Ba nhất”, ra sức xây dựng lực lượng trưởng thành về mọi mặt, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Trong bối cảnh ấy, cán bộ, chiến sĩ hải quân vinh dự được đón Bác tới thăm.

Đồng chí Nguyễn Bá Phát lại có vinh dự được gần Bác, thưa chuyện cùng Bác và đưa Bác đi thăm sông Bạch Đằng. Trên dòng sông lịch sử này, Bác thân mật bảo đồng chí Phát kể lại cho Bác nghe những chiến công của các anh hùng dân tộc. Nguyễn Bá Phát đã lần lượt kể lại những chiến công do các anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo chỉ huy. Nghe xong, Bác khen: “Chú nhớ tốt”. Bác nhắc: “Hải quân ta phải học kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên những bài học truyền thống đánh giặc của tổ tiên; phải luôn luôn nhớ rằng “Xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.

Cũng trong chuyến thăm này, Bác còn dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển ta dài và tươi đẹp, phải biết giữ gìn lấy nó”. Vinh dự cho đồng chí Nguyễn Bá Phát trong chuyến đi thăm này của Bác là được chụp ảnh chung với Người trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Bức ảnh đã được ông cho chạm khắc trên đá Non Nước và được nghệ nhân tài hoa thể hiện khá sinh động từng chi tiết của ảnh mẫu.

Lần thứ ba là vào đầu năm 1961, khi Bác nhận được tin các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã tổ chức được 6 thuyền vượt biển ra miền Bắc an toàn để nhận vũ khí. Không đợi đồng chí Nguyễn Bá Phát về Hà Nội báo cáo, Bác đã trực tiếp xuống Hải Phòng để nắm tình hình cụ thể. Sau này, đồng chí Nguyễn Bá Phát kể lại việc này như sau:
 
“Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy Bác Hồ đẩy nhẹ cánh cửa phòng làm việc của tôi. Ông cụ có chòm râu bạc đẹp như tiên không lẫn với ai được. Lúc này, tôi như con nai ngơ ngác. Bác đoán biết được tâm trạng của tôi, nên ra hiệu cho tôi không được reo lên! Tôi xúc động quá, đang ấp úng thì Bác chủ động nói: “Bí mật bất ngờ là bí quyết của mọi thắng lợi, phải không chú Phát?”. Tôi chưa kịp thốt lên tiếng “vâng” thì Bác đã hỏi: “Các chú ở trong ấy ra đi đâu cả rồi?”.
 
Lẽ ra, việc hệ trọng này, tôi phải lên báo cáo với các đồng chí Trung ương ngay trong đêm, nhưng sợ làm mất giấc ngủ của Bác nên tôi nán lại cho đến sáng… Nhưng sáng nay, trời mùa đông còn giá lạnh mà Bác đã chủ động đến gặp tôi! Bác hỏi tôi về sự đón tiếp anh em quân giải phóng có chu đáo không? Có đưa áo bông cho các chú ấy mặc hay cứ để các chú ấy khoác bộ bà ba đen… Tôi thưa với Bác là có lo chu tất trước khi anh em lên xe về số nhà 83 đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Bác khen “thế là tốt”. Bác còn nhắc đi nhắc lại “bí mật” để tôi nhập tâm!.

Trước khi lên xe trở về Hà Nội, Bác cầm tay tôi, dắt ra phía đầu nhà làm việc - nơi có dãy cây bàng che kín gió đông, Bác nói vừa đủ cho tôi nghe: “Chú là “gốc” lính thủy Pháp, chú có nhiều kinh nghiệm đi biển…”. Tôi ngước lên nhìn khuôn mặt Bác hồng hào mà trong lòng như có ngọn lửa sưởi ấm. Lấy tay thắt lại hai mối khăn len có từng sọc vân như khăn của các má Nam Bộ hay quàng, Bác nói với tôi: “Đánh thắng Mỹ phải khác đánh thắng Pháp, chú đã có công quật ngã thằng Pháp ở dưới mặt biển, thì bây giờ chú phải quật ngã tiếp thằng Mỹ xâm lược này nữa chứ, chú Phát?”, rồi Bác cười khuyến khích tôi.

Nhằm đánh phá miền Bắc để ngăn chặn nguồn tiếp tế về người và của cho miền Nam và để “nâng cao tinh thần đã bị lung lay của ngụy quyền Sài Gòn”, giữa năm 1964, đế quốc Mỹ âm mưu tổ chức một chiến dịch ném bom có chọn lọc vào miền Bắc. Từ cuối tháng 7-1964, đế quốc Mỹ liên tục cho máy bay, tàu chiến xâm phạm bầu trời và vùng biển của ta.

Khu trục hạm Ma-đốc vào tuần tiễu trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời bọn biệt kích hải quân ngụy tập kích vào đảo Hòn Mê, Thanh Hóa. Đầu tháng 8-1964, tàu khu trục hạm Ma-đốc liên tục hoạt động trong vùng biển giữa đảo Hòn Mê và Lạch Trường, khiêu khích và bắn phá thuyền đánh cá của ta. Để bảo vệ chủ quyền trên biển của ta, Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa ba tàu phóng lôi trừng trị đích đáng hành động cướp biển của đế quốc Mỹ.
 
Đến ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích mang tên “Mũi tên xuyên” bằng không quân vào một số vùng biển trên miền Bắc. Chúng đã huy động 64 lượt máy bay phản lực đánh phá, bị Hải quân và các lực lượng Phòng không - Không quân, dân quân tự vệ ta anh dũng chiến đấu bắn rơi 8 máy bay phản lực, bắt sống giặc lái, lập nên chiến thắng trận đầu. Lần đầu tiên máy bay phản lực của Mỹ bị súng phòng không Việt Nam bắn rơi, tàu chiến Mỹ bị Hải quân Việt Nam đánh đuổi ra khỏi vùng biển của Tổ quốc.

Ngày 7-8-1964, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ tuyên dương công trạng của các lực lượng vũ trang nhân dân. Bác Hồ đến dự và biểu dương các đơn vị đã lập chiến công: “Bác rất vui mừng thay mặt Đảng và Chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được thành tích to lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua”.

Sau khi được trao tặng Huân chương, đồng chí Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát và đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài được chụp ảnh chung với Bác. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đứng bên phải Bác, Tư lệnh Phùng Thế Tài đứng bên trái. Trong ảnh, Bác cười rất tươi. Đây là bức ảnh lịch sử được lưu giữ trong Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Hải quân và được in nhiều lần trên các báo, tạp chí.

Từ những cuộc gặp trên, Nguyễn Bá Phát đã học được ở sự giản dị, khiêm nhường trong cuộc sống, nhất là đức tính “vì việc chung” không hề nghĩ đến cá nhân mình. Trong khi còn đương chức hay lúc về hưu, đồng chí Nguyễn Bá Phát rất khiêm tốn, giản dị và gần gũi với quần chúng. Hằng ngày, ông luôn hết lòng, hết sức lo cho công việc, lo cho cái chung, còn cuộc sống riêng thì đạm bạc, ăn uống đơn giản như mọi người dân bình thường khác, những người từng biết và công tác cùng ông chưa bao giờ thấy ông kêu ca, phàn nàn hoặc đòi hỏi điều gì.

Phát huy cao độ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khi rời khỏi đời binh nghiệp hào hùng, là một vị tướng, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh điều động của Bộ Chính trị về nhận công tác ở ngành Thủy sản. Đồng chí đã luôn nêu cao phẩm chất chính trị, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Ban cán sự Đảng, trong lãnh đạo Bộ và trong cơ quan, nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công của lãnh đạo Bộ.

Khi đến công tác ở các địa phương, nhất là ở những vùng bãi ngang ven biển, ngư dân còn nghèo, được các địa phương đón tiếp rất nồng hậu, nhưng khi mời ăn uống, Nguyễn Bá Phát luôn tìm cách từ chối. Ông thường tâm sự với những người đồng chí mình: “Chúng ta không nên ăn ở các xã và hợp tác xã vì bà con nông dân còn nghèo, một số nơi thường là “khách ba, chủ nhà bảy”, nếu tổ chức ăn uống như vậy rất tốn kém và là ăn vào tiền mồ hôi nước mắt của nông dân!”. Khi có nơi biếu quà, Nguyễn Bá Phát lại nói:
 
“Nếu là nông, ngư dân biếu củ khoai, củ sắn hoặc con cá khô thì ta nên nhận và phải nhận vì đó là tình cảm chân tình của dân. Còn nếu nơi nào biếu quà có giá trị và đắt tiền thì không được nhận!”. Khi ăn uống, Nguyễn Bá Phát thường nói chuyện về Bác Hồ lúc sinh thời. Ông thường nhiều lần nhắc nhở cán bộ thuộc cấp của mình:

“Chúng ta phải tiết kiệm và luôn phải ghi nhớ và thực hiện, không ai cấm đoán và hạn chế chúng ta cả, nhưng chúng ta phải tự giác ăn được đến đâu thì gọi món đến đó, đã gọi rồi thì ăn cho hết, không được bỏ lãng phí. Đất nước ta còn nghèo và còn nhiều người không đủ cơm ăn, áo mặc. Ta phải nghĩ tới đồng bào còn nghèo khổ thì mới đúng với lương tâm của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản!”.

Nói đến Nguyễn Bá Phát ai cũng biết ông là một vị tướng tài song ngay những công việc không liên quan gì đến chuyện binh bị thì ông vẫn cố gắng làm và làm một cách tận tâm, tận lực. Năm 1978, Chính phủ đã quyết định chuyển Cục Nuôi cá nước ngọt từ Bộ Nông nghiệp về Bộ Hải sản nhằm tăng cường quản lý thống nhất nghề cá.
 
Nguyễn Bá Phát đã dày công nghiên cứu và đề xuất đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng cơ sở vật chất cho nuôi trồng, thành lập mới Công ty cá giống Trung ương, đẩy mạnh việc sản xuất thuốc kích dục cho cá đẻ. Ông có câu nói nổi tiếng “Nuôi trồng thủy sản không có giống, sống cũng như chết!”. Trong những năm tháng hoạt động của mình, ông đặc biệt quan tâm lãnh đạo phong trào nuôi cá ở các tỉnh miền núi và Tây Nguyên, nhằm góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc.

Nguyễn Bá Phát đã đích thân tổ chức việc tu sửa ao cá trong Phủ Chủ tịch thành mô hình nuôi cá điển hình cho đồng bào cả nước, hằng năm bổ sung nhiều loại cá giống tốt để thả nuôi tại ao nhà Bác. Hồi ấy, Hợp tác xã Tiền Phong, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng 94 con cá rô phi lấy từ ao cá trong vườn Phủ Chủ tịch. Hợp tác xã đã xây dựng thành công “Ao cá Bác Hồ” trở thành vùng nuôi cá điển hình của Hà Nội trên diện tích hàng trăm héc-ta mặt nước với năng suất cao, đạt sản lượng hàng ngàn tấn cá/năm và trở thành hợp tác xã điển hình về nuôi cá trong cả nước.

Từ sáng kiến của Nguyễn Bá Phát, việc xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã được Liên Bộ Hải sản, Nông nghiệp, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh phát động từ tháng 11-1978, trở thành phong trào rộng rãi trong cả nước. Vì thế, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1979), phong trào “Ao cá Bác Hồ” được tiếp tục nhân rộng trong các thành phần kinh tế, trong lực lượng vũ trang, nhờ đó đã triển khai thắng lợi chủ trương về đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, Nguyễn Bá Phát đã đề nghị với Nhà nước phát triển phong trào “Ao cá Bác Hồ” thành phong trào lớn trong cả nước và đã được kỳ họp Quốc hội nhất trí thông qua. Với kinh nghiệm và thực tiễn cuộc sống của bản thân, Nguyễn Bá Phát thấu hiểu những khó khăn gian khổ của người chiến sĩ.

Trong phong trào ủng hộ và chi viện cho bộ đội ở tiền tuyến, ông đã nhiều lần bàn bạc với đồng chí Đàm Quang Trung về việc tổ chức nuôi cá, nhằm giải quyết một phần khó khăn về nguồn thực phẩm tại chỗ cho bộ đội. Nguyễn Bá Phát trực tiếp dẫn đầu đoàn cán bộ của ngành Thủy sản nghiên cứu tại chiến trường về việc vận chuyển thực phẩm thủy sản và cá giống lên cho các Quân khu 1, 2 và Quân khu Đông Bắc để có thêm nguồn thực phẩm.

Tại Đà Nẵng, từ năm 1975 đến năm 1985, trước tình hình vượt biên, vượt biển và bọn xâm nhập quấy phá nền trị an ta, Tướng Phát đã có lý khi chủ trương cho các ngư dân vùng duyên hải miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng thực hiện phong trào “tay lưới, tay súng” (nghĩa là vừa đánh bắt thủy hải sản, vừa thực hiện tuần tra, canh gác, bảo vệ vùng trời, vùng biển).

Hàng trăm Hải đội tự vệ của ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời và đem lại nhiều chiến công lớn trong thời gian này. Khi về hưu, đồng chí Nguyễn Bá Phát về ở hẳn tại Đà Nẵng cho đến khi qua đời. Ông mất tại Đà Nẵng năm 1993. Với Đà Nẵng quê hương, Nguyễn Bá Phát là một điển hình thuyết phục về sự học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LƯU HOÀNG GIANG

(1) Đồng chí Nguyễn Bá Phát (1921-1993), Thiếu tướng, cố Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cố Thứ trưởng Bộ Hải sản.

;
.
.
.
.
.